Suy tư cùng mầm thời gian

TS Lê Thanh Nga 06/11/2022 16:52

(Baonghean.vn) - Nếu không đọc bằng một nhiệt tâm, bằng một sự tôn trọng đến tỉ mỉ, sẽ không tìm được nhiều điều mới mẻ trong tập thơ “Mầm thời gian” của Võ Ngọc Sơn ở các phương diện mà người phê bình hay để ý: cảm hứng, đề tài, thi liệu… Vẫn là lãnh tụ, quê hương, Tổ quốc, đồng đội, chiến tranh; vẫn là cỏ cây, hoa lá,… Không mới, nhưng cũng không hẳn cũ, bởi đấy là những gì đã trở thành một phần sự sống, một phần lịch sử đau thương và anh dũng của dân tộc này; là một phần thiết cốt trong đời sống của con người.

Nhưng nếu nhất thiết phải tìm cái mới, thì hoàn toàn có thể tìm được nó trong cách nghĩ, cách cảm, cách xử lý đề tài, ứng xử với vật liệu. Vẫn đề tài ấy, vật liệu ấy, nhưng người thơ đã rất nỗ lực để giữ một khoảng cách nhất định với truyền thống. Viết về lãnh tụ, dĩ nhiên tác giả thể hiện một tấm lòng ngưỡng vọng, thành kính trong khoảng cách sử thi. Lãnh tụ vẫn xuất hiện trong tư thế ấy, trong tâm thế ấy: tiên ưu, hậu lạc, chia sẻ cùng nhân dân đến tận những gì có thể. Trong hình dung của người viết, Bác Hồ vẫn thế: có phẩm chất và năng lực của Tiên, Bụt, Thánh…, bóng Bác vẫn tỏa khắp núi sông, nhưng người không là Tiên, là Bụt, cũng không là Thánh. Người chỉ là một con người vượt lên trên mọi con người, để trở thành một tượng đài bất tử.

Bìa cuốn sách “Mầm thời gian”.

Cái mới của Võ Ngọc Sơn khi viết về lãnh tụ, là không viết chỉ để ngợi ca, để bày tỏ lòng ngưỡng mộ theo cách nhiều khi đã trở thành sáo rỗng và dễ dãi, mà có lúc nhà thơ đã chủ động sử dụng hình ảnh lãnh tụ như một tấm gương để nhắc nhở mọi người học tập, thậm chí, để soi thấu những khiếm khuyết của nhân gian. Nói một cách thẳng thắn, Bài học từ cái ô không phải là một bài thơ hay, thậm chí còn là bài “non” nhất trong tập, nhưng tứ thơ lại rất được là ở lẽ đó. Cũng cần nhấn mạnh là cái được, cái mất của bài này đều từ mục đích viết nó mà có (Hưởng ứng Cuộc vận động học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - ghi chú của tác giả).

Bên cạnh đề tài lãnh tụ thì đề tài Tổ quốc chiếm trùm lên một không gian khá rộng rãi của tập thơ. Tổ quốc ở đây là những trang sử hào hùng trong chiến tranh, là những người con ưu tú đã ngã xuống để Tổ quốc trường tồn, và tên tuổi họ gắn chặt với những địa danh sẽ mãi vang lên trong kí ức dân tộc bằng một tinh thần bi tráng: Thành cổ Quảng Trị, Truông Bồn, dòng Thạch Hãn; là những người đang ngày đêm canh giữ từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng; Tổ quốc nhiều khi chỉ thu hình trong lá cây, ngọn cỏ… Phải nói rằng, khi viết về đề tài này, tác giả đã thoát li một cách cơ bản với kiểu viết tụng ca bằng những ngôn từ đao búa hay sáo rỗng. Phần lớn những dòng thơ được viết bằng câu chữ của trái tim từ góc nhìn số phận, và vì thế, tác giả không nhìn con người trong lịch sử, mà đang nhìn lịch sử trong con người. Vẻ đẹp của lịch sử, của nhân phẩm vì thế không toát lên từ ngôn ngữ tụng ca, mà toát lên từ những đắng cay mất mát được tạo bởi những ám ảnh tâm tư:

Ngày mai…

Mồng một tháng mười một…

Em sẽ về với mẹ,

Em sẽ lên giảng đường,

Em sẽ cùng anh vui lễ đính hôn,

Em sẽ về với nương dâu,

bãi mía…

(Mãi mãi với Truông Bồn)

Những dòng thơ mang âm hưởng của những thủ thỉ tâm tình, cứa vào lòng người những nhát đau khi dự định, ước mơ vươn về muôn nẻo và nỗi đau vì thế cũng vươn về muôn nẻo. Cũng cần phải nhấn mạnh là không ít bài thơ viết về Tổ quốc đạt đến cách diễn tả có chiều sâu bởi tác giả đã mạnh mẽ dứt bỏ sự trói buộc của vần điệu để đạt đến tầm mức của thơ tự do nhiều khi khá điêu luyện, nhằm thể hiện được tối ưu tư tưởng, cảm xúc của người viết (Mãi mãi với Truông Bồn, Con bò điên…). Đây cũng là hiện tượng khá phổ biến trong tập thơ.

Hình như đặc điểm địa văn hóa cũng có những tác động không nhỏ đến cảm hứng, sở trường của người thơ. Có thể bắt gặp trong tập, nhiều bài viết về đề tài rừng núi, với những đắm đuối trước thiên nhiên và lịch sử, với những ưu tư suy nghiệm về số phận thiên nhiên, sau đó là nhân phẩm và lẽ tồn vong của con người, luật vay -trả ở đời… Võ Ngọc Sơn nhìn thấy hình ảnh con người trong thiên nhiên và hình ảnh thiên nhiên ngay trong chính con người, không phải ở những phẩm chất được mã hóa kiểu thi ca trung đại, mà là những nỗi niềm chân thật, trừu tượng mà hết sức cụ thể. Đó là câu hỏi xiết vào rừng xanh:

Thần rừng ơi! Thần rừng ngủ sao?

Nghe nói ngài thiêng lắm

Ngài giữ rừng mà để rừng mất trắng

Đại ngàn nằm gọn túi đại gia!

(Hỏi rừng)

Đề tài núi rừng trong thơ Võ Ngọc Sơn, một mặt cho thấy nỗi niềm trước thiên nhiên, một mặt lại cho thấy sự đắm đuối với mã văn hóa đang chờ người đến khám phá với những phong tục, tập quán đẹp và quyến rũ trong chiều cong của cần rượu giữa đêm hay khuôn ngực trắng của thiếu nữ bên bờ suối… Núi rừng là không gian của lễ hội, cũng là không gian của tình yêu, hy vọng… Thật khó cưỡng lại vẻ đẹp này:

Cô gái Thái nép mình bên suối vắng

Lòng bâng khuâng theo hút tiếng nhạc rừng

Tóc dài buông trên khuôn ngực trắng ngần

Mắt ngơ ngác tìm ai giữa bạt ngàn cây lá.

(Chiều Pù Huống)

Thể hiện trách nhiệm trước đất nước, trước lịch sử, trước cuộc sống bằng trái tim công dân, nhưng nhà thơ cũng không cực đoan đến mức quên đi trách nhiệm với chính mình. Đấy là lúc tác giả thể hiện bản lĩnh, suy tư, trải nghiệm, tổng kết bản thân trong nỗi phảng phất cô đơn. Người ta có thể thấy ở đây một hình tượng tác giả khi ngạo nghễ, lúc khiêm nhường, khi buồn, khi giận đúng tâm thế của một kẻ tự trị. Ai đó có thể bị đánh lừa rằng chân dung tự họa của tác giả thể hiện trong Tự bạch, nhưng người viết bài này thì không. Từng nét, từng mặt, từng mẩu vỉa chân dung tự họa tác giả thấp thoáng trong nhiều bài thơ, mà nếu ghép lại với nhau, sẽ có được một họa phẩm hoàn chỉnh: trong Hoa Xuyến chi, Và cây đời, Vườn cam lứa đầu, Trước Nguyễn Du, Trồng hoa, Cái lý của già làng, Nghĩ về những dé lúa, Thơ sinh ra từ đâu… Và đây nữa, trong Nghĩ về đất:

Đất vạn thuở vẫn chuyên cần là đất

Vắt phù sa nuôi xanh mãi cây đời,

Mặc núi non rừng biển lên ngôi

Đất khiêm nhẫn bên cỏ cây hoa lá.

Viết được như thế cũng có thể gọi là đạt đến cảnh giới của tự thức, của an nhiên!

Tóm lại, “Mầm thời gian” dù không là một tập thơ quá bề thế, dày dặn, nhưng cho thấy sự đầy ứ trong cảm xúc, đầy đặn trong tư duy và trải nghiệm. Tập thơ vì thế rất xứng đáng được bạn đọc đón nhận, dù rằng một vài điểm “chưa tới” là khó thể tránh khỏi. Đấy là lẽ thường của thơ. Thậm chí, vài khiếm khuyết ấy có khi lại tạo những nét duyên ngầm. Đến vầng trăng cũng chỉ thực sự đẹp khi có quầng tối hình cây đa chú cuội đấy thôi!

TS Lê Thanh Nga