Nghệ An tập trung tu bổ công trình thủy lợi phục vụ sản xuất

Phú Hương (Thực hiện) 08/11/2022 08:32

(Baonghean.vn) - Sau sự tàn phá của các đợt mưa lũ, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã bị ảnh hưởng khá nặng nề. Báo Nghệ An phỏng vấn ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh xung quanh vấn đề này.

P.V: Ông có thể chia sẻ về thực trạng hệ thống công trình thủy lợi của Nghệ An hiện nay đã đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, dân sinh trên địa bàn tỉnh hay chưa?

Ông Nguyễn Trường Thành: Nghệ An hiện có 1.061 hồ chứa, gồm 55 đập, hồ chứa lớn; 220 đập, hồ chứa vừa và 786 đập, hồ chứa nhỏ. Trong số đó, các doanh nghiệp quản lý 101 hồ; số còn lại do các tổ chức thủy lợi cơ sở và cá nhân quản lý.

Các công trình thủy lợi nhỏ lẻ, nằm rải rác trên địa bàn toàn tỉnh, do thời gian xây dựng đã lâu nên bị xuống cấp hoặc không còn phù hợp với các điều kiện thực tế. Mặt khác, hệ thống công trình phần lớn chưa đồng bộ, dẫn đến việc quản lý, khai thác, sử dụng gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao, chi phí tốn kém.

Một hồ chứa đã xuống cấp ở huyện Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu: Văn Trường

Một số công trình hồ, đập được xây dựng từ lâu bằng biện pháp thủ công, cùng với thời gian, chịu ảnh hưởng của thời tiết, quá trình khai thác, vận hành thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa nên hiện tại bị xuống cấp nghiêm trọng, năng lực suy giảm, nước thấm qua thân, cống bị hư hỏng, vào mùa lũ không đảm bảo an toàn hồ chứa, vào mùa khô hồ bị cạn kiệt không cấp được nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Từ năm 2000 đến nay, đã có 374 hồ được sửa chữa, nâng cấp. Đáng lo ngại, trong số 688 hồ còn lại, có 70 hồ đã hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt, với các hồ chứa nhỏ, do kinh phí thu từ thủy lợi phí thấp, nên các khoản chi quản lý và sửa chữa công trình còn hạn chế, chỉ sửa chữa nhỏ và chưa đáp ứng được nhu cầu.

Hệ thống kênh mương, đặc biệt kênh tiêu, không chỉ ở trên 1.000 km chưa hề được bê tông hóa, vẫn còn là kênh đất, năng lực tiêu thoát rất kém; mà thậm chí, ở những công trình kênh tiêu đã được bê tông hóa cũng đã xuống cấp nặng nề do nhiều lý do.

Cống Diễn Thành đã được nâng cấp, phục vụ sản xuất, dân sinh. Ảnh tư liệu: Phú Hương

Trước mùa mưa năm nay, cùng với việc một số công trình đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành công văn, đôn đốc các địa phương, đơn vị tiến hành kiểm tra hiện trạng, lập và trình duyệt phương án phòng, chống thiên tai công trình thủy lợi, đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa, lũ.

Thời gian qua, công tác vận hành, bảo vệ công trình đã được triển khai thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, do thiên tai, mưa, bão diễn biến phức tạp, nên hệ thống công trình bị ảnh hưởng khá nặng nề, thêm xuống cấp và hư hỏng.

Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi cùng đoàn công tác Trung ương kiểm tra an toàn hồ, đập tại huyện Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Phú Hương

P.V: Hiện mùa mưa bão đã vào giai đoạn cuối mùa, tuy nhiên, thời gian qua, do mưa lụt, nhiều công trình đã bị ảnh hưởng nặng nề. Vậy chúng ta cần tiếp tục làm gì để hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn có thể đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất, dân sinh trong thời gian sắp tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Trường Thành: Năm nay, trước mùa mưa lũ, tỉnh đã bố trí 50 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai năm 2021 từ nguồn kinh phí Trung ương phân bổ; 56,6 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2022 cấp cho các địa phương để duy tu các hạng mục đê điều và sửa chữa các công trình ách yếu.

Tuy nhiên, các công trình vẫn tồn tại rất nhiều hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ, nhất là sau khi trải qua nhiều đợt mưa lụt lớn, hồ, đập, hệ thống trạm bơm sạt lở, hư hỏng. Đặc biệt, hệ thống kênh mương chìm trong nước, bị sạt lở, bồi lấp rất nhiều; nếu không được sửa chữa, khắc phục sớm, thì trước mắt sẽ rất khó khăn trong phục vụ sản xuất vụ xuân sắp tới.

Nạo vét bùn đất bồi lấp trạm bơm sau các đợt mưa lũ tại huyện Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Phú Hương

Để bảo vệ công trình, đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất và dân sinh, các địa phương, đơn vị vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ an toàn công trình, sửa chữa các hư hỏng, nhất là tại những bộ phận xung yếu của công trình như tràn xả lũ, cống dưới đập, cửa van, máy đóng mở; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo tính phù hợp, khả thi đối với từng vùng, miền.

Trước mắt, cần huy động nội lực, tập trung nạo vét bồi lắng ở các dòng kênh để đảm bảo cung cấp nước phục vụ nước sản xuất, nạo vét khối lượng bùn, cát bồi lấp rất lớn.

Qua các đợt mưa bão, động cơ điện, máy móc bị ẩm, hư hỏng, cần kiểm tra tu sửa, vận hành thử để đảm bảo sẵn sàng bơm tưới.

Các tuyến kênh mương được tập trung nạo vét trong các đợt phát động "Toàn dân ra quân làm thủy lợi". Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An

Với hệ thống hồ đập, mặc dù hiện tại vẫn đang tiếp tục có mưa nhưng mưa bão cũng đã về cuối mùa, dự báo không còn các đợt mưa lớn nữa, cần tiến hành sửa chữa ngay những hư hỏng nhỏ, nếu không sẽ phát sinh những hư hỏng lớn.

P.V: Về lâu dài, để có thể nâng cao năng lực phục vụ sản xuất, dân sinh cũng như đảm bảo an toàn công trình, chúng ta cần những giải pháp gì?

Ông Nguyễn Trường Thành: Đối với hệ thống hồ, đập và các công trình đầu mối như cống Nghi Quang, Bến Thủy, phải xây dựng thành các chương trình, dự án để đầu tư nâng cấp, sửa chữa một cách bài bản, vì đây là những công trình có vai trò hết sức quan trọng, nhưng nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng nặng nề.

Trên địa bàn tỉnh có gần 6.000 km kênh tưới, qua các đợt ra quân làm thủy lợi, phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm, từ năm 2001- 2007 đã có khoảng 4.800 km được bê tông hoá, tuy nhiên, qua thời gian dài sử dụng, lại thường xuyên ngâm trong nước nên phần lớn đã hư hỏng, đổ vỡ; cần có sự điều tra tổng thể lại một cách toàn diện, đưa ra các cơ chế, chính sách mới để đầu tư sửa chữa, nâng cấp đáp ứng yêu cầu.

Để thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định, cần nguồn kinh phí rất lớn để các đơn vị quản lý công trình thực hiện. Vì vậy, cần có cơ chế hỗ trợ từ Trung ương hoặc các nguồn vốn từ ngân sách khác ngoài nguồn thu từ cấp bù thủy lợi phí. Do nguồn thủy lợi phí cấp bù của nhiều địa phương và đơn vị hiện nay cũng chưa đáp ứng đủ để đảm bảo duy tu, sửa chữa an toàn công trình.

Nông dân huyện Nam Đàn tập trung gieo cấy lúa vụ xuân. Ảnh tư liệu: Phú Hương

Hiện ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề nghị tỉnh, Trung ương hỗ trợ đầu tư các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác quản lý các công trình hồ chứa, như hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, kiểm định đập, lập quy trình vận hành, bảo trì hồ chứa, giúp nâng cao năng lực đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi, đảm bảo vận hành an toàn công trình trong mùa mưa lũ; cũng như chủ động trong di dời, tái định cư và sản xuất.

Đồng thời, hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Đặc biệt, cấp trên cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về các nội dung như: Xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, trong đó, quy định rõ những công trình như thế nào thì cần phải xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du, từ đó giảm bớt thời gian và kinh phí xây dựng, để địa phương có khả năng triển khai thực hiện; lập quy trình vận hành hồ chứa có tràn tự do; xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, ví dụ như dự án điện mặt trời trong khu vực lòng hồ, về mặt độ che phủ mặt thoáng lòng hồ…

P.V: Xin cảm ơn ông!

Phú Hương (Thực hiện)