Góp ý dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp

Phan Duy Hùng (Chi nhánh VCCI Nghệ An) 08/11/2022 14:18

(Baonghean.vn) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các đơn vị liên quan để hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ thông qua.

Doanh nghiệp Nghệ An nói gì?

Dự thảo Nghị quyết đã thể hiện tính nhất quán về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển doanh nghiệp; quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu; khơi thông các điểm nghẽn, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Đặc biệt là bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và chính sách.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, Dự thảo vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng trong cả mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể. Theo đó, Dự thảo cần hướng tới các mục tiêu lớn như hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng là: Đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 là quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Về các mục tiêu cụ thể, Dự thảo nên cân nhắc, hoàn thiện, bổ sung theo hướng đề ra các chỉ tiêu mang tính tiêu chí tương ứng với mục tiêu phát triển của đất nước vào năm 2025, hướng tới năm 2030 và năm 2045.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn có nhiều chính sách hỗ trợ, phục hồi sản xuất sau dịch Covid - 19. Trong ảnh: Sản xuất môi thìa xuất khẩu tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hồng Sơn, Cụm Công nghiệp Đô Lăng (Nghi Lộc). Ảnh: Thu Huyền

Dự thảo đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai ngay và trong dài hạn, trong đó, tập trung vào các giải pháp như khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại chưa được giải quyết triệt để; tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước…

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp tại Nghệ An, việc tiếp cận khoản vay với lãi suất ưu đãi 2% quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP theo tinh thần của Dự thảo là rất khó khăn. Về vấn đề này, ông Huy Trung – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Trung Anh nêu: “Đại dịch Covid-19 kéo dài từ năm 2020 đến hết năm 2021 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các doanh nghiệp. Trong thời gian đó, các doanh nghiệp hầu như đóng cửa. Đến nay, khi hoạt động trở lại ở thực tế “bình thường mới”, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực lớn do chi phí nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng cao. Việc tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang là điều mà doanh nghiệp mong chờ. Dự thảo và chính quyền nên quan tâm hơn nữa, cụ thể hóa chính sách này để các doanh nghiệp nhỏ và vừa như chúng tôi được tiếp cận dễ dàng hơn”.

Tại Điểm 5.a Dự thảo đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương “tổ chức đối thoại định kỳ giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đánh giá thực chất quá trình xử lý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp”. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, từng được xác định trong Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và trên thực tế đã được nhiều bộ, ngành và địa phương triển khai tương đối tốt, trong đó có Nghệ An. Để việc triển khai các hoạt động đối thoại doanh nghiệp hiệu quả và thực chất, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tới 98% tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động tại Nghệ An.

Đề cập về lĩnh vực này, ông Hoàng Viết Đường – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nghệ An cho rằng, việc đối thoại định kỳ giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp là rất cần thiết. Qua đối thoại, chính quyền sẽ hiểu hơn về những khó khăn, vướng mắc và có các giải pháp tháo gỡ kịp thời. Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cuộc đối thoại giữa chính quyền tỉnh Nghệ An và cộng đồng doanh nghiệp địa phương có phần chậm lại hơn so với trước đây.

Sắp tới, các hội, hiệp hội tỉnh nhà nên ngồi lại với nhau, cùng thống nhất một số nội dung cần thiết để phối hợp chặt chẽ, cụ thể hơn với chính quyền trong việc đối thoại với tần suất cao và hiệu quả nhất.

Ông Hoàng Viết Đường – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nghệ An

Về quan điểm, định hướng cũng như các nhiệm vụ và giải pháp, Dự thảo đã đề cập khá cụ thể. Tuy nhiên, theo ý kiến một số doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Doanh nghiệp thì Dự thảo nên cụ thể hóa hơn nữa, cần làm rõ tỷ trọng, vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân so với các doanh nghiệp FDI, bởi doanh nghiệp trong nước là động lực lâu dài, bền vững cho sự phát triển của địa phương cũng như đất nước.

Cụ thể hóa việc hỗ trợ doanh nghiệp

Dự thảo đặt ra chỉ tiêu “đạt 1,5 triệu doanh nghiệp” là chưa rõ số doanh nghiệp này “đăng ký thành lập” hay là “đang hoạt động”. Xác định số doanh nghiệp đang hoạt động có thể phản ánh sát hơn về “sức khỏe” của nền kinh tế, mức độ thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy và tạo điều kiện để các chủ thể kinh doanh có thể hoạt động. Muốn đạt được mục tiêu này, cần thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp, vì hiện tại lực lượng này ở nước ta đang rất nhiều và khá phổ biến với hơn 5 triệu hộ.

Sản xuất tại Công ty TNHH may mặc Trọng Phúc ở huyện Diễn Châu. Ảnh: Thu Huyền

Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, năm 2021, Nghệ An có khoảng 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm khoảng 1,4% tổng số doanh nghiệp hoạt động trên cả nước; trung bình chỉ có 3,5 doanh nghiệp/1.000 dân, chưa bằng 1/2 số bình quân chung cả nước.

Cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng còn rất yếu trên tất cả các mặt so với trung bình chung cả nước. Điều đáng nói thêm là, chưa thấy động lực nội tại và yếu tố bên ngoài hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Nghệ An phát triển cả về số lượng và chất lượng.

TS. Nguyễn Đình Cung

Về việc đẩy mạnh khai thác ưu đãi của các Hiệp định FTAs, Dự thảo cần cụ thể hóa việc hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan, bởi đây là khía cạnh lợi ích dễ hiện thực hóa nhất của các FTAs từ góc độ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vay vốn dễ dàng hơn, giải quyết dứt điểm các bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn do quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường.

Ông Trương Văn Hiền – Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An cho biết: Chúng tôi có một Dự án sản xuất nước uống đóng chai, nhưng đã hơn 2 năm rồi vẫn gặp vướng mắc ở vấn đề đấu nối. Từ lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành cho đến xã đều rất ủng hộ, nhưng vấn đề chính lại nằm ở các văn bản, Thông tư, quy định của các bộ, ngành.

Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, việc Chính phủ có một Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân. Song để các doanh nghiệp phát triển, bên cạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Việt Nam và các địa phương thì Chính phủ cần phải giải quyết dứt điểm các bất cập, mâu thuẫn và chồng chéo, chưa hợp lý trong các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp.

Phan Duy Hùng (Chi nhánh VCCI Nghệ An)