Nhớ một thời làm báo gian khó
(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 61 năm ngày thành lập Báo Nghệ An, nhiều nhà báo dù đã lớn tuổi, nghỉ hưu, vẫn luôn hướng về ngôi nhà chung với thật nhiều yêu thương và tin tưởng. Họ gửi về tòa soạn những lát cắt ký ức một thời làm báo gian khó, để thế hệ trẻ hôm nay, mai sau biết và hiểu được các chú, các anh đã sống và cống hiến cho tờ báo Đảng trên quê hương Bác Hồ kính yêu như thế nào…
Chuyện in báo Tết Nghệ Tĩnh
Với chặng đường 61 năm của Báo Nghệ An, khó mà dùng lời diễn tả những cam go, gập ghềnh. Trong đó, 15 năm nhập tỉnh (1976 - 1991), những người làm Báo Nghệ Tĩnh đã cùng gắn bó, chia bùi, sẻ ngọt, đùm bọc, cưu mang, vượt qua khốn khó thời bao cấp sau giải phóng.
Nhà báo Nguyễn Minh Thông. |
Thời ấy, công nghệ in ở trong tỉnh còn rất lạc hậu, chất lượng in thấp nên báo Tết phải mang ra Hà Nội để in mới đẹp.
Ngày ông Táo, tôi ôm va li bản thảo, gói ảnh gốc và tập ma-két lên tàu hỏa ra Hà Nội. Đến Nhà máy In Báo Nhân Dân (ở phố Hàng Tre), thấy họ sắp chữ chì bằng máy, bình bản âm bằng phim… mà tôi choáng ngợp (ở trong Vinh vẫn sắp chữ chì bằng tay, bình bản âm bằng giấy can, in tranh vẽ bằng khắc gỗ…). Báo các tỉnh ở lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, thậm chí xa hơn như Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn… cũng đổ về Thủ đô để in báo Tết. Tuy được “ưu tiên” là quê Bác Hồ, nhưng mãi đến ngày thứ 3, Báo Nghệ Tĩnh mới được lên bàn bình bản phim, 1 ngày sau mới lên máy in. Cái máy in cuộn (dài hơn 2 cái nhà của tôi) in 4 màu một lúc, vừa in vừa cắt và gấp đếm luôn. Thật là hiện đại!
Cầm trên tay tờ báo Tết thơm mùi mực mới, tôi lập cập điện về tòa soạn cho xe ra chở báo. Anh Nguyễn Văn Lý đánh ngay chiếc com-măng-ca (xe con mui bạt, như U-oát của Liên Xô) hãng Ru-ma-ni và kéo theo rơ-moóc 2 bánh (như xe bò kéo) ra Thủ đô. Cả đêm, hai anh em hì hục chất đầy báo Tết lên rơ-moóc và lòng xe.
Sáng chúng tôi xuất phát từ Hà Nội, vì kéo rơ-moóc nặng nên đi rất chậm, mãi đến 4h sáng hôm sau mới về đến Vinh. Các bác trong Ban Biên tập, các anh trong Phòng Thư ký, Phòng Bạn đọc, Phòng Hành chính và cả các chị trong nhà bếp nữa… ùa ra chào đón 2 anh em tôi. Tôi đứng bên xe vừa báo cáo với Tổng Biên tập Đinh Nho Liêm, Phó Tổng Biên tập Thái Ngô Dương về số báo Tết, quay lại đã thấy lái xe Nguyễn Văn Lý ngồi ngủ gục bên bậc cầu thang nhà C1 Quang Trung rồi!
Kỷ niệm đẹp đó vẫn mãi theo tôi trong cả hành trình 32 năm làm Báo Nghệ An, trong đó, có 10 năm làm Báo Nghệ Tĩnh. Bây giờ các bạn trẻ làm báo bằng công nghệ điện tử, tất cả đều trên máy tính. Thời 4.0 giúp con người thực hiện công việc nhanh gọn, tiện lợi, chính xác hơn thời chúng tôi nhiều.
Câu chuyện tôi kể đã là quá khứ, nhưng là một phần trong lịch sử phát triển của Báo Nghệ An. Chúc Báo Nghệ An ngày một lớn mạnh, xứng đáng là tờ báo lớn trong khu vực Bắc miền Trung thân yêu!
Kỷ niệm thời làm báo trên đất Kỳ Sơn
Nhà báo Hoàng Chỉnh. |
Huyện Kỳ Sơn có 2 xã trùng âm, ấy là xã Na Ngoi phía Tây Nam và xã Na Loi, trên bản đồ là chính Tây. Thời ấy, đi vào Na Ngoi, tuy có 2 con đường, nhưng nếu đi qua xã Tây Sơn thì vượt dốc đứng phải bò như rùa, tay níu cây, ngửa mặt lên bồng bềnh như anh say rượu. Còn đường đi vòng qua huyện Tương Dương, dọc theo khe Kiền, có thể đi xe U-oát đến xã Nậm Càn vào bản Cà Dưới, trung tâm xã thì phải mất 6 tiếng đồng hồ, chừng độ 30 cây số đường rừng.
Năm ấy, ông Hoàng Xuân Lương làm Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, tôi và 5 người nữa tháp tùng vào xã Na Ngoi. Đường đi diệu vợi, núi non trùng điệp, địa hình chia cắt bởi khe sâu, đường trơn. Sau đợt mưa cuối tháng 9, khe, suối ăm ắp nước. Nước chảy đứt đuôi rắn, tung bờm trắng xóa khi lội qua khe đầu tiên có tên Xầm Xí cạnh bản. Ông Xồng Va Xờ - Trưởng bản Buộc Mú, thấy tôi thấp lùn, tụt lại sau đoàn, ông trợn mắt bảo tôi: “Chú chớ có dại mà qua khe, nước trôi mất mạng đó. Vào bản ta mà nghỉ. Từ đây vào bản Cà Dưới còn 19 cây số đường rừng nữa”.
Quả như ông Xờ nói, từ đó trở đi, 4 tiếng đồng hồ mà chỉ gặp 6 người dân đi ngược chiều. Mưa mấy ngày làm đường đất nhão nhoét, nước ngập vào giày cao cổ của tôi. Mỗi bước đi nghe lọc xọc và các đầu ngón chân rát như chèm lửa. Tôi hoàn toàn kiệt sức, hai bắp đùi đau nhói, hai chân kéo lê như chân ngan bại. Bóng tối ập xuống rất nhanh. Xẩm tối, tôi bỗng đứng sững trước tảng đá chắn ngang đường. Vừa nghe tiếng bước chân và tiếng rên khe khẽ của tôi, từ bên kia tảng đá, hai chiến sĩ biên phòng leo qua, ôm chầm lấy tôi, bảo đi vòng sang bên kia, lên xe máy. Một lát sau xe qua một khe lớn nữa là tới đồn. Từ đây về trụ sở ủy ban chỉ có 15 phút đi bộ, nhưng tôi xin các anh nằm lại. Rồi cứ để nguyên quần áo bẩn thế, tôi nằm nhoài lên cái phản để cạnh thềm…
Lớn lên từ nôi “Anh cả đỏ”
Nhà báo Minh Thư thời làm Báo Nghệ An. |
Những năm 80 của thế kỷ trước, từ một “ông giáo cắm bản” ở miệt rừng hoang nơi miền biên ải phía Tây Nghệ An, tôi đã tập tành viết những mẩu chuyện nhỏ về đời sống nghèo đói của đồng bào các dân tộc và cuộc sống vất vả, khó khăn, thiếu thốn trăm bề của những người “cõng chữ lên non”. Cha tôi - nhà báo Lăng Phước làm Báo Miền Tây Nghệ An sau này sáp nhập về Báo Nghệ An những năm thập kỷ 60 là người biên tập đầu tiên những bài viết của tôi để được đăng báo Nghệ An.
Có chút năng khiếu viết lách, tôi được huyện điều động về làm biên tập viên Đài PT-TH huyện. Từ đây, tôi có điều kiện thâm nhập nhiều hơn và bắt đầu có những phóng sự đăng báo Nghệ An, được bạn đọc và Ban Biên tập chú ý. 10 năm làm đài huyện, tôi cộng tác đều đặn với Báo Nghệ An và trở thành cộng tác viên đặc biệt, được Báo Nghệ An cấp Thẻ cộng tác viên. Năm 1994, tôi viết đơn xin về Báo Nghệ An và được Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Tiên ra quyết định nhận về. Tôi được phân công theo dõi, đưa tin địa bàn miền núi dọc Quốc lộ 7. Khi thực sự trở thành người viết báo chuyên nghiệp, tôi vẫn không khỏi lo lắng vì địa bàn miền núi rộng lớn, giao thông không thuận lợi, đặc biệt choáng ngợp trước những “cây đa, cây đề”: Nhà báo Quốc Bảo, Lê Quý Kỳ, Văn Hiền, Minh Phúc, Phan Thúy Liên, Bá Tân, Vũ Toàn... Nhưng với lòng đam mê nghề nghiệp và được sự động viên của Ban Biên tập, tôi đã “thả ga” và có được những tác phẩm báo chí với sức lan tỏa mạnh mẽ, đoạt nhiều giải thưởng quốc gia để không làm hổ danh tờ báo được mệnh danh “Anh cả đỏ” trong hệ thống báo Đảng địa phương trong cả nước.
10 năm tôi đã lớn lên, trưởng thành trong nôi “Anh cả đỏ” và đủ sức bơi ra biển lớn! Nhắc lại chút kỷ niệm, mong cho Báo Nghệ An luôn phát huy truyền thống vẻ vang, phát triển không ngừng trong dòng chảy Báo chí Cách mạng Việt Nam.