GS Đặng Hùng Võ: Việt Nam chưa làm tốt nhiệm vụ quản lý rủi ro do thiên tai từ biển đi vào

GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường 12/11/2022 09:00

(Baonghean.vn) - Tôi vẫn hay viết cho Báo Nghệ An với lòng mến mộ đối với miền đất khô cằn đã tạo ra những trí thức lớn cho đất nước. Miền đất ấy vẫn được gọi là khô cằn, nhưng ngày nay thường xuyên phải oằn mình chống chọi với mưa bão, ngập lụt. Mỗi lúc như vậy, đất đai và mùa màng mất hết, nhà cửa dột nát và xiêu vẹo, sinh mệnh con người thật mong manh trước cơn giận dữ của thiên nhiên.

Tôi viết bài này với cảm giác rất buồn, khi nghe Đài Truyền hình Việt Nam nói về các tổn hại do bão, lụt gây ra cho vùng biển miền Trung. Hồi tôi còn bé, tôi vẫn nghe các cụ nói là hết Trung thu thì hết bão. Nay đã khác xưa nhiều, có khi Trung thu mới bắt đầu có bão lớn, hết cơn này đến cơn khác, người dân trở tay không kịp. Biến đổi khí hậu đã đến sớm hơn dự báo.

Bão, lụt do thiên nhiên gây ra là một chuyện đau lòng, nhưng phát triển các thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung đã tạo nên nhiều thảm họa vẫn gọi là “nhân tai” như xả nước gây lụt lội, sạt lở đất đai, cộng với “thiên tai” - được coi như thảm họa kép không phải kiểu “cộng sinh” mà là “cộng thiệt”. Rất đáng buồn!

Quang cảnh biển Cửa Lò. Ảnh tư liệu: Lê Quang Dũng

Đến nay, ai cũng biết rằng, kinh tế biển đã có nhiều thay đổi tích cực, nhiều loại hình kinh tế mới hình thành như nông nghiệp biển; công nghiệp sản xuất điện do năng lượng tái tạo từ sóng biển, thủy triều; du lịch biển hiện đại... Khi kinh tế phát triển luôn làm cho đô thị biển phát triển, các dạng đô thị biển được hình thành, như đô thị ven biển, đô thị trên hải đảo, đô thị trên mặt biển và đô thị dưới đáy biển. Nhiều quốc gia đã lấy chiến lược phát triển vùng biển trước để làm bàn đạp phát triển vùng núi.

Từ những tiềm năng kinh tế lớn và phát triển đô thị biển, người ta thường lạc quan nghĩ về cuộc sống ấm no hơn. Sự thực, suy nghĩ về tiềm năng lớn của kinh tế biển chỉ tích cực khi có thể đủ sức chống chịu với thiên tai từ biển đi vào. Chúng ta thử nghĩ xem, cả năm lam lũ làm được 100 đồng mà mùa bão, lũ tới có thể lấy đi mất 50 đồng thì không được là mấy. Hơn nữa, người dân còn có tâm lý chới với khi mùa mưa, bão đến. Việt Nam chưa làm tốt nhiệm vụ quản lý rủi ro do thiên tai từ biển đi vào.

Việt Nam chưa làm tốt nhiệm vụ quản lý rủi ro do thiên tai từ biển đi vào. Ảnh minh hoạ: Internet

Tháng 10/2020, Ngân hàng Thế giới đã hoàn thành nghiên cứu về rủi ro thiên tai và giải pháp cho khu vực ven biển Việt Nam. Báo cáo mang tên “Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển: Phát triển khu vực ven biển Việt Nam - cơ hội và rủi ro thiên tai”. Từ thực tiễn, báo cáo này đã chỉ ra rằng “Dù có tiến bộ đáng kể, nhưng các biện pháp quản lý rủi ro thiên tai hiện tại của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu”.

Báo cáo này đã chỉ ra con số “11,8 triệu cư dân ven biển đang gặp rủi ro cao do lũ lớn và 35% khu dân cư đang nằm trong vùng hay bị sạt lở; mỗi năm, kinh tế bị thiệt hại 852 triệu USD (0,5% GDP) và 316.000 việc làm do lũ sông và lũ ven biển”.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nói trên đã đề xuất 5 khuyến nghị cho Việt Nam. Thứ nhất, cần thiết lập và tăng cường hệ thống dữ liệu như công cụ trợ giúp ra quyết định tích cực. Dữ liệu là một yếu tố không thể thiếu để biết khả năng chống chịu của các vị trí, từ đó mới có thể tìm giải pháp hợp lý cho quy hoạch, giám sát và đánh giá thực thi quy hoạch và dự báo các tai nạn do thiên tai có thể xảy ra.

Thứ hai, chú trọng tới quy hoạch vùng ven biển dựa trên phân tích lợi thế kinh tế và các rủi ro thiên tai. Lúc này, bài toán quy hoạch rất cần những số liệu khảo sát vùng ven biển để làm rõ khả năng khai thác kinh tế biển và khả năng chống chọi lại các rủi ro do thiên tai có thể gặp phải tại những khu dân cư, khu kinh tế ven biển.

Thứ ba, tăng cường khả năng chống chịu của hạ tầng và dịch vụ công vùng ven biển. Đây là cách tiếp cận phù hợp để xây dựng hệ thống hạ tầng và dịch vụ công cho vùng ven biển. Hệ thống này phải đảm bảo tính bền vững trong hoạt động, có tính đến sức chịu đựng trước các rủi ro thiên tai có thể xảy ra.

Thứ tư, tận dụng các giải pháp thuận thiên, có nghĩa là không tiếp cận theo kiểu chống lại thiên nhiên mà tiếp cận theo kiểu phát hiện quy luật thiên nhiên để nương theo quy luật đó mà tồn tại và phát triển.

Thứ năm, nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó và phục hồi. Điều này có nghĩa là chúng ta phải có những phương án để phát hiện, nhằm phòng ngừa, ứng phó và giải pháp phục hồi có hiệu quả khi thiên tai xảy ra.

Tàu thuyền ra khơi. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng

Các khuyến nghị này chắc chắn sẽ giúp chúng ta nâng cấp tư duy và quy hoạch cụ thể phát triển đô thị, nông thôn vùng biển nước ta. Tiềm năng kinh tế lớn trong khung cảnh quan hệ quốc tế êm dịu hơn là một lợi thế, nhưng tai biến thiên nhiên trên vùng biển vẫn là rủi ro rất lớn đối với người dân. Chúng ta đặt hy vọng lớn vào quá trình phát triển thông minh sẽ giúp tìm ra các giải pháp ngăn ngừa những tiêu cực từ thiên tai vùng biển.

Ở nước ta, ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/2/2020, với nội dung đưa ra các giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Nghị quyết của Chính phủ đã đưa ra những giải pháp cụ thể về phát triển hạ tầng và du lịch, động viên người dân chuyển đổi nghề sang dịch vụ du lịch; phát triển hệ thống cảng biển và kinh tế hàng hải bảo đảm chất lượng cao, chi phí thấp; phát triển các ngành công nghiệp biển như đóng và sửa chữa tàu biển, lọc hóa dầu, năng lượng, chế tạo cơ khí…; tiếp tục phát triển ngành khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển; phát triển khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

Như nội dung nói trên, chính sách của ta quan tâm nhiều hơn tới kinh tế, vẫn chưa đặt trọng tâm vào tăng cường sức chống chịu của vùng biển trước mọi thiên tai từ biển đi vào, trong đó có việc dẹp đi những “nhân tai” có thể do phát triển kinh tế gây ra. Kinh tế chỉ có thể thu hút được sức dân khi người dân không lo sợ trước thông báo một cơn bão nào đó sắp đổ bộ vào đất liền. Các khu dân cư cần được quy hoạch và di dời đến những nơi an toàn để người dân thực sự được yên lòng.

GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường