Thu hồi tài sản tham nhũng 'năm sau cao hơn năm trước' nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu

Uông Huyền 12/11/2022 08:12

Về giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng, nhiều đại biểu cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế thu hồi, tăng cường xử lý sau thanh tra và thi hành án.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, có thể thấy, cả 4 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn đều rất trúng và đúng, lĩnh vực nào cũng... “nóng”, dù có vấn đề không phải mới. Ví dụ như vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp, đây là tồn tại được nhắc nhiều trong thời gian qua mỗi khi đề cập việc xử lý tham nhũng, vấn đề không mới nhưng luôn nóng.

Phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 11/11.

Thu hồi tài sản tham nhũng "năm sau cao hơn năm trước" nhưng vẫn thấp. Hiện còn lại đến 40%- 50% số tài sản chưa được thu hồi ở các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi. Đây là con số không nhỏ vì một vụ án tham nhũng giá trị có thể phải đến hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ đồng. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị các giải pháp để thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả.

Nếu trước năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trung bình chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số phải thu hồi, thì đến giai đoạn 2013-2020 kết quả bình quân đã đạt hơn 26%. Đặc biệt là năm 2019 và năm 2020, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo bằng 61% tổng số đã thu hồi được trước đây. Tính cả giai đoạn 10 năm (2012-2022) đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7%, trong đó, riêng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi có gần 50.000 tỷ đồng được thu hồi, cũng chỉ đạt 41,3%.

Thu hồi tài sản tham nhũng "năm sau cao hơn năm trước" nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu.

Một số vụ việc điển hình đã thu hồi được số tiền lớn trong thời gian qua như: Vụ Hứa Thị Phấn, cho đến nay đã thu hồi được hơn 12.000 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh, đã thu hồi trên 5.405 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2021, VKSND tối cao đã tham dự phiên điều trần trực tuyến của Tòa án Singapore thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản trong vụ án Phan Sào Nam, kết quả, đã thu hồi được hơn 2,6 triệu USD. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam thu tiền thi hành án từ nước ngoài. Đặc biệt, trong vụ án AVG, cơ quan chức năng đã thu hồi được 100% số tiền thất thoát (hơn 8.000 tỷ đồng).

Mới đây nhất, liên quan đến Vụ Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã kịp thời phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á trị giá hơn 320 tỷ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác; 8 bất động sản của Phạm Duy Tuyến...

Nhìn lại con số cả giai đoạn 10 năm (2012-2022) mới chỉ thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7%, như vậy, còn hơn 120.000 tỷ đồng chưa được thu hồi; trong đó, riêng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi còn gần 70.000 tỷ đồng cần được thu hồi. Đây cũng là một trong những thách thức, rào cản mà Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt khi giải quyết vấn nạn tham nhũng.

Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV này, nhiều đại biểu Quốc hội liên tục chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong về giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thu hồi tài sản tham nhũng là việc khó khăn, phức tạp và hiện chưa đạt được như yêu cầu. Có 5 nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra. Thứ nhất, pháp luật thu hồi tài sản bất cập vướng mắc như: thiếu quy định về cưỡng chế, chế tài xử lý sau thanh tra; Thứ hai, người phải thi hành án hoặc đối tượng thanh tra không có tài sản hoặc tài sản đảm bảo thấp hơn nhiều so với khoản phải thi hành; Thứ ba, thời gian xử lý, giải quyết vụ án vụ việc kéo dài, cách xa thời điểm vi phạm, dẫn đến dễ bị tẩu tán, che giấu, gây thất thoát; Thứ tư, tính pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, đối tượng bỏ trốn, gây khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu tài sản; Thứ năm, việc phối hợp giữa các cơ quan thu hồi tài sản thì cũng còn hạn chế.

Đại biểu Phạm Năm Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông quan tâm đến con số hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng trong các vụ đại án chưa thu hồi được. Đại biểu Phạm Năm Tiến cho rằng, hiện 40 - 50% số tài sản tham nhũng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo chưa được thu hồi. Đây là con số không nhỏ vì một vụ án tham nhũng giá trị có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, chúng ta chỉ mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân của các đối tượng phạm tội tham nhũng đang đứng tên sở hữu vẫn là một khoảng trống rất lớn, khó kiểm soát.

Đại biểu Phạm Nam Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông. Ảnh: VGP.

Trong thời gian tới, ngoài việc thực hiện tốt Chỉ thị 04, đại biểu Phạm Nam Tiến đề nghị các cơ quan sửa đổi bổ sung quy định thu hồi tài sản, giải quyết bất cập, đảm bảo tính đồng bộ để công tác thu hồi hiệu quả. Về giải pháp, cần hoàn thiện cơ chế thu hồi, tăng cường xử lý sau thanh tra và thi hành án, khi phát hiện dấu hiệu tội phạm phải xử lý ngay, tránh tẩu tán, thất thoát tài sản. Trong giải quyết, thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài cần có hợp tác quốc tế về vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề cập đến việc thu hồi tài sản bất minh do người khác đứng tên là rất khó, chưa có giải pháp hiệu quả để thu hồi.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Nghị trường Quốc hội.

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, vấn đề này có nhiều nguyên nhân và rất khó để thu hồi, đặc biệt trong điều kiện chưa có Luật về đăng ký tài sản thì nên chuyển hướng từ xử lý hình sự sang khởi kiện dân sự sẽ thu hồi được nhiều hơn.

Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, nên tập trung ưu tiên xử lý kinh tế, không chuyển từ án kinh tế sang hình sự. Đây là quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Thanh tra Chính phủ cũng quán triệt quan điểm này trong xử lý các vụ việc. Theo đó, đối với một số vụ việc, sau thanh tra thì vẫn yêu cầu thực hiện kết luận thanh tra. Đối với những vụ việc chưa phân định rõ là hình sự hay kinh tế, thì ưu tiên xử lý kinh tế trong thời hạn thanh tra. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng trong một thời hạn nhất định, có thể 1 năm đến 1,5 năm, nếu sau thời gian này không thực hiện được thì sẽ chuyển đến cơ quan điều tra./.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng có bước đột phá mạnh mẽ

08/11/2022

Uông Huyền