Họa sĩ Vũ Tuấn Việt: Hội họa giúp tôi biểu đạt với mọi người
(Baonghean.vn) - Vũ Tuấn Việt là một họa sĩ trẻ thuộc thế hệ 9X năng động và tài năng. Mới thấy anh xuất hiện tại Festival Mỹ thuật Trẻ, lại bất ngờ khi Việt cập nhật đang ở thành phố nắng ấm phương Nam cho triển lãm cá nhân Luân Chuyển. Vừa xong cuộc triển lãm gây ấn tượng ở TP. Hồ Chí Minh, lại thấy Việt ngược ra Hà Nội tất bật cho cuộc triển lãm chung với cha mình - họa sĩ Vũ Xuân Dương. Với anh chàng họa sĩ trẻ này, vẽ như một nguồn sống và từ vẽ, Việt như hạnh ngộ với cuộc đời này.
Lập thể và cuộc vượt thoát chính mình
Vũ Tuấn Việt sinh trưởng trong gia đình có truyền thống khi bố Vũ Xuân Dương và mẹ Vũ Thị Hường đều là họa sĩ và giảng viên của Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nam Định. Niềm hứng thú với hội họa khởi nguồn từ một dịp chàng trai trẻ cùng bố tham dự lễ kỷ niệm 85 năm thành lập Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Vũ Tuấn Việt thực hiện ước mơ của mình trên con đường hội họa bằng việc thi đỗ vào ngôi trường mơ ước, nhưng mãi đến năm học thứ 4, Việt bắt đầu đắm chìm vào trường phái lập thể khi nghe một bài giảng của giáo viên môn sơn mài.
Đắm đuối vào con đường mình chọn, Vũ Tuấn Việt gặt hái được nhiều thành công. Ngay năm 2016, vừa tốt nghiệp, Việt đã đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) Triển lãm tranh, ảnh toàn quốc Bảng B Mỹ thuật chuyên nghiệp cho học sinh, sinh viên do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức. Rồi đến giải Khuyến khích Dự án “Nghệ thuật tái chế” trong cuộc thi được tổ chức bởi tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc UNESCO và Cocacola 2019. Nhưng có lẽ gây ấn tượng nhất với anh chàng họa sĩ 9X này là giải thưởng tốp 10 tác giả đạt giải đồng hạng Nghệ sĩ trẻ năm 2021 do Hội đồng Nghệ thuật - Hội Mỹ thuật Việt Nam, Triển lãm “Chúng ta đang nghịch gì”, VCCA. Bởi như Việt chia sẻ: “Các tác phẩm đạt giải lần này đánh dấu thời kỳ chuyển biến về ngôn ngữ nghệ thuật và tư duy phát triển tác phẩm của tôi trong giai đoạn tĩnh lặng”.
Họa sĩ Vũ Tuấn Việt. |
Từ những tự vấn của cuộc sống, tâm tư trước áp lực trong giai đoạn đầu ở độ tuổi trưởng thành, đến nay, những gam màu cô đơn và các nhân vật trầm lặng của Vũ Tuấn Việt đã dần mang hơi thở “hy vọng” hơn, men theo những biến chuyển của mạch cảm xúc, chào đón những nhịp điệu tươi sáng đến với các tác phẩm của mình.
Chàng họa sĩ trẻ từng tâm sự: “Chọn phong cách sáng tác lập thể, biểu hiện và đôi khi thiên về trừu tượng. Tôi muốn vẽ những gì mình cảm nhận về cuộc sống và mong mọi người cảm nhận những tác phẩm của tôi bằng cảm xúc thay vì so sánh với hiện thực”.
Trong lần triển lãm của riêng mình đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh, Vũ Tuấn Việt mang đến Sài Gòn showcase cá nhân đầu tiên mang tên “Luân Chuyển”. Đó là tiếp nối dòng chảy của “Dịch Chuyển” tại Hà Nội với các địa điểm ở quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Không chỉ là tên gọi chính cho tác phẩm của mình, “Luân Chuyển” trong Vũ Tuấn Việt còn là sự chuyển biến, thay đổi, thích nghi về cả cảm xúc, thời gian, không gian và địa lý.
Trong từng giai đoạn khác nhau với những cách đối diện khác nhau, mỗi sự luân chuyển đều mang đến những xáo động bên trong mỗi người. Từ những hàn gắn được vun bồi theo mỗi nhịp luân chuyển, mỗi chúng ta sẽ lại tiếp tục vững vàng để đương đầu, tiếp tục luân chuyển để vươn lên.
Những ý niệm, suy nghĩ đối với xã hội bên ngoài được Vũ Tuấn Việt khắc họa rõ nét thông qua hơn 30 tác phẩm được trưng bày trong khuôn khổ triển lãm. Bên cạnh sự hiện diện của những câu chuyện, cụm phác thảo mới, nghệ sĩ Vũ Tuấn Việt cũng sẽ thể hiện màn trình diễn vẽ một bức tranh trong thời gian diễn ra triển lãm.
Hành trình phấn đấu và chia sẻ
Là thế hệ trẻ, Vũ Tuấn Việt có sự nhiệt huyết và tâm thế dấn thân tận hiến vì nghệ thuật. Từ các bài học lịch sử và quãng thời gian trực tiếp tham gia các chiến dịch tình nguyện giúp đỡ trẻ em chất độc da cam, Vũ Tuấn Việt đã phần nào thấu hiểu những nỗi đau nghiệt ngã mà thứ chất độc ấy gieo rắc lên thân phận con người Việt Nam qua bao năm tháng chiến tranh. Chàng trai trẻ dùng nét vẽ, họa lại những vết xước cuộc chiến bằng các tác phẩm như “Ký ức chiến tranh”, “Vùng đỏ”, “Ám ảnh”. Những tác phẩm đó khắc họa rõ nét đến ám ảnh trong tâm trí người thưởng lãm những di chứng tàn ác của chất độc da cam đi-ô-xin.
Vũ Tuấn Việt có hành trình đầy năng động. Thế nhưng, để có được những thành công ban đầu khi ở tuổi đời khá trẻ, chàng trai này cũng đi qua những giai đoạn khó khăn. Hội họa không dễ chinh phục công chúng, vì vậy, những họa sĩ trẻ luôn phải miệt mài trên con đường khẳng định nét vẽ của mình, chất đặc biệt của riêng mình.
Với ngôn ngữ hội họa khác biệt - không dễ xem, không dễ nhìn, không dễ nhận thấy, Việt bộc bạch những trăn trở trên hành trình của một họa sĩ trẻ: “Việc tiếp cận và đưa các tác phẩm đến với công chúng cần một quá trình thẩm thấu để công chúng dần có thể tiếp nhận và làm quen với các tác phẩm. Với những biểu đạt về hiện thực nhưng khác hiện thực, công chúng không chỉ phải nhìn bằng mắt, còn kết hợp với những trải nghiệm của cá nhân để từ đó đưa ra được một góc nhìn riêng với tác phẩm”.
Họa sĩ Vũ Tuấn Việt sáng tác tranh. |
Bên ngoài của một chàng họa sĩ lập thể với những bức tranh trừu tượng luôn đánh đố người xem bằng những nét vẽ sắc lạnh, những gam màu trầm buồn, thậm chí có lúc tối u uẩn là một chàng trai năng động, bình dị, sống nhẹ nhàng, lạc quan và luôn nhìn vào điều tích cực. “Có lẽ, câu nói người chọn nghề, nghề chọn người rất phù hợp với tôi. Xuyên suốt giai đoạn trưởng thành, tôi thường sống khá tách biệt, ít bạn bè và tiếp xúc chung. Nhờ có hội họa giúp tôi biểu đạt nói chuyện được với mọi người”.
Buông cọ vẽ, khung tranh, Việt lê la cùng vài người bạn thân khắp các quán cóc, vỉa hè nghêu ngao cùng văn nghệ sĩ Hà thành. Vào TP. Hồ Chí Minh, Việt cũng ngồi ghế đẩu, tiếp chuyện với bạn bè cũng ở một góc quán đơn giản, mộc mạc.
Với chàng trai trẻ đã lăn lộn đời mình với cuộc sống, với những trải nghiệm và nhìn thấu mọi thứ bằng góc nhìn đa chiều kích, tất cả những góc khuất trong lòng mình, Việt đã có giá vẽ làm nơi giải phóng. Một Vũ Tuấn Việt ngoài đời thực sẽ chỉ có sống và vẽ, phấn đấu chạm đến những tầng ngưỡng khác của hội họa.
Gần đây, Vũ Tuấn Việt còn làm giám tuyển cho các triển lãm tranh, hay làm cố vấn và điều phối nghệ thuật cho các dự án. Đã đi qua nhiều bước đường gian nan, chàng họa sĩ vừa chạm ngưỡng 30 tuổi mong muốn hành trình sắp tới là hành trình lan tỏa và đồng hành cùng những bạn trẻ có đam mê vẽ, như Việt chia sẻ: “Tôi cũng hướng tới việc thu thập thêm kinh nghiệm để mở xưởng, tạo nên một không gian nơi tôi có thể trưng bày các tác phẩm của bản thân một cách chuyên nghiệp và có định hướng nhất, cũng như là nơi có thể hỗ trợ những nghệ sĩ - đặc biệt là những nghệ sĩ trẻ đang chưa có cơ hội được giới thiệu những tác phẩm đến với công chúng”.