Chuyện nhận quà và ‘đồng tiền khôn’ trong bóng đá

Hoa Bùi 15/11/2022 16:05

(Baonghean.vn) - Đội bóng Thủ đô - Hà Nội FC vừa giành chiến thắng ở vòng đấu áp chót, vòng thứ 25 để lần thứ 6 đoạt ngôi Vô địch quốc gia mùa bóng 2022. Đây là điều gần như được “mặc định”, được dự báo từ trước khi mùa giải khởi tranh.

Mặc dù đội bóng này thiếu ngôi sao Quang Hải ở giai đoạn lượt về, ngoại binh không phải là tốt nhất nhưng với lực lượng nội binh xuất sắc, tiềm lực tài chính dư dả, họ đã “nóng máy” ngay từ đầu và không khó khăn để cán đích đầu tiên như mọi người đã biết. Sau vòng 25, Hải Phòng cũng chính thức về nhì và Bình Định về ba, kết quả hợp lý từ việc “bạo vì tiền” mà các đội bóng này đã tung ra để “tậu” trò giỏi, thầy giỏi, thưởng lớn cho mỗi trận thắng, cho thứ hạng cao của mùa giải.

Nhìn bề ngoài, ai ai cũng biết Hà Nội FCcó đủ “binh hùng, tướng mạnh” là nhờ công tác đào tạo trẻ nhiều năm căn cơ, đi tắt đón đầu để có một dàn sao là trụ cột ở đội tuyển quốc gia, U23 hay U20 Việt Nam. Nguồn lực tài chính dồi dào cộng với phương pháp làm việc tốt khiến cho tham vọng lớn của đội bóng này nhanh chóng trở thành hiện thực, giúp họ “thống trị” ngôi vua, chiếm nhiều suất ở các đội tuyển quốc gia. Cầu thủ, huấn luyện viên vốn đã hưởng lương cao, thi đấu giành kết quả tốt, lại thường xuyên được nhận đô-ping tiền thưởng lớn, thì lại có thêm nhiều động lực để thi đấu tốt hơn, giành mục tiêu cao hơn, xa hơn. Đó là câu chuyện của mối quan hệ cộng hưởng, nhân lên, liên tiếp tạo ra, đạt được rồi giữ vững, nâng cao thành tích trong thể thao (cũng như trong cuộc sống hàng ngày).

Sông Lam Nghệ An trắng tay trên sân Thanh Hóa. Ảnh: tư liệu Chung Lê

Bầu Hiển từng tuyên bố hồi năm 2018 và nay vẫn “nguyên giá trị” rằng “Các bạn sẽ luôn có quà nếu cứ chơi hay, chơi đẹp, cống hiến”. Đó là câu chuyện ở mùa bóng 2018 khi Hà Nội FC giành chiến thắng trước đội bám đuổi Quảng Ninh, cũng là khi kết thúc lượt đi với ngôi vô địch tạm thời, bầu Hiển ngay lập tức thưởng gấp đôi số tiền một trận thắng, từ 400 triệu đồng lên 800 triệu đồng, thưởng mỗi tuyến 100 triệu đồng, cầu thủ ghi bàn 20 triệu đồng, thủ môn 30 triệu đồng, đưa số tiền thưởng cho toàn đội sau một trận đấu kết thúc lượt đi là hơn 1,2 tỷ đồng.

Cũng chuyện đô-ping tiền thưởng ở cuối lượt đi mùa giải 2022 khi Hà Nội FC gặp “kình địch” Hoàng Anh Gia Lai bằng một trận thắng, bầu Hiển lại vẫn xuống tay mạnh mẽ hơn bao giờ hết, hơn ai hết lúc này: thưởng 3 tỷ đồng, ngang bằng với chức vô địch quốc gia mà Ban tổ chức giải trao thưởng.

Điều đáng nói là không chỉ bầu Hiển rủng rỉnh chi tiền thưởng cho cầu thủ và đội bóng “chơi hay, chơi đẹp, cống hiến” để tiến tới ngôi vua, ở nhiều đội bóng lại có chuyện đô-ping tiền thưởng cho mỗi trận thắng trong cuộc đua trụ hạng như cách người ta đã làm ở Nam Định, ở Thanh Hóa, ở TP. Hồ Chí Minh… và có vẻ họ đã đạt được điều mong đợi cuối cùng. Điều đáng nói ở đây không phải là khuyến khích sự cống hiến, thành tích, mà cái chính là sự toan tính. Rằng, nếu đội bóng xuống hạng thì số tiền, công sức phải bỏ ra để lên hạng trở lại sẽ tốn kém gấp nhiều lần so với con số đô-ping nhỏ bé cho từng trận thắng hiện tại. Rằng, đồng tiền đi trước này mới là đồng tiền khôn…

Trần Đình Hoàng ghi bàn mở tỷ số cho Sông Lam Nghệ An trận gặp Hà Nội FC trên sân Vinh. Ảnh tư liệu Hải Hoàng

Rõ ràng, với nguồn lực tài chính hùng hậu, với đồng tiền khôn, chuyện giành ngôi vô địch, chuyện an tâm trụ hạng là điều tất yếu, điều xưa như trái đất. Với những đội bóng yếu lại gặp cảnh eo hẹp, dẫn tới nợ lương, thưởng, nợ lót tay như ở Cần Thơ hay Sài Gòn FC mới đây, thì chuyện càng thi đấu càng bết bát, bị “dí” sâu xuống đáy bảng là điều không tránh khỏi. Cũng không thể không nhắc chuyện những đội bóng bậc trung, top giữa, khi không có mục tiêu vô địch, xuống hạng cũng không đến lượt thì thi đấu cầm chừng, nghe ngóng, chờ động tĩnh từ… đô-ping tiền thưởng. Gần đây, có chuyện đội bóng nọ được đô-ping tiền thưởng tiếp sức thì thi đấu mượt như nhung, ghi bàn dễ như trở bàn tay. Rồi sau đó lại tan nát như từ đầu giai đoạn lượt về, lại thua hai, ba bàn trắng trong sự não nề, quay xe của người hâm mộ gần xa.

Nói đúng ra, đó không phải là bóng đá chuyên nghiệp thực sự, là đi ra ngoài “công bằng tài chính” cần có. Nhưng khó là ở ta chưa hình thành mặt bằng theo thị trường mọi việc liên quan đến bóng đá chuyên nghiệp, đến giá trị cầu thủ, nghĩa là cầu thủ chưa được thụ hưởng xứng đáng với công lao, cống hiến, đến ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ sau khi ký hợp đồng chuyên nghiệp. Đó là một câu chuyện dài của bóng đá Việt để tiến theo cách làm chung của thế giới, để mỗi “đồng tiền khôn” bỏ ra đều mang lại nhiều lợi ích cho không chỉ cầu thủ, câu lạc bộ, ông chủ mà cả cộng đồng cùng góp sức, xây dựng từ năm này qua năm khác mà nên. Để cầu thủ không phải được/chờ nhận “quà” ban phát mà phải là phần thưởng từ chính mức lương hàng tuần, hàng tháng trong bản hợp đồng chuyên nghiệp theo thị trường./.

Hoa Bùi