Chuyện về những cô giáo trẻ cắm bản ở xã biên giới Nghệ An
(Baonghean.vn) - Huồi Cọ là một bản thuộc xã biên giới Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Ở độ cao gần 1.700m so với mặt nước biển, Huồi Cọ quanh năm, suốt tháng nằm trong biển mây và sương mù. Nơi đỉnh cao lạnh lẽo này, vẫn luôn có những người giáo viên lặng thầm bám bản để trao truyền con chữ, mang tới hơi ấm và niềm hy vọng.
Nối tiếp các thế hệ giáo viên cắm bản, với mong muốn dạy chữ cho học trò vùng cao, năm học 2022-2023, 2 cô giáo Lô Thị Vương và Kha Thị Hòa đã về dạy tại điểm trường Huồi Cọ (Trường Tiểu học Nhôn Mai). Điểm trường nằm trên đồi cao. Nơi đây, mùa nắng nóng khô người; mùa mưa mây mù và sương lạnh giăng mắc. Vất vả, khó khăn nhiều khôn xiết, đặc biệt là việc đối mặt với sự cô quạnh. Ảnh: Đức Anh |
Ở Huồi Cọ, người Mông quen cuộc sống lam lũ. Tờ mờ sáng, nhá nhem đã lên nương, lên rẫy; tối mịt mùng mới trở về nhà. Người dân thường đi ngủ sớm; lối sống khép kín, ít giao lưu. Vậy nên, cuộc sống của cô giáo chỉ quẩn quanh ở điểm trường. Ban ngày còn có học trò thân yêu để bận rộn, để vui. Đêm về, cảm giác cô đơn, nhớ nhà, nhớ con cứ thế bủa vây... Đêm vùng cao lạnh lẽo, 2 cô giáo luôn mong trời mau sáng. Ảnh: Đức Anh |
Thực ra, những nỗi niềm riêng dằn vặt đó chỉ là một phần rất nhỏ trong muôn vàn khó khăn, thử thách mà các cô giáo phải đối mặt khi lên với non cao Huồi Cọ. Từ trung tâm xã Nhôn Mai muốn vào điểm trường Huồi Cọ phải vượt qua nhiều con dốc cheo leo, men theo sườn núi... Bản không hàng quán, mọi nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt đều phải tính toán hàng tuần để mang theo. Ảnh: Đức Anh |
Dẫu còn rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng 2 cô giáo Lô Thị Vương và Kha Thị Hòa chưa bao giờ nản lòng. Họ vẫn luôn cố gắng bám trường, bám bản; một lòng yêu thương, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục vùng cao và với các học trò nhỏ của mình. Ở năm học này, điểm trường Huồi Cọ có 2 lớp (lớp 1 và 2), với trên 20 học sinh. Cô trò luôn có sự gần gũi... Ảnh: Đức Anh |
Phải nói rằng, việc dạy học cho các em học sinh người Mông ở Huồi Cọ rất vất vả. Các em ở trường vừa mới học được ít tiếng Việt, về đến nhà giao tiếp với bố mẹ bằng tiếng Mông, hôm sau đến trường lại quên những từ đã học. Để truyền đạt cho các em hiểu thì giáo viên phải sử dụng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Mông), cần sự tỉ mỉ và kiên trì; nhất là đối với môn Toán, Văn, luyện từ và câu. Ảnh: Đức Anh |
Ở vùng cao này, do cuộc sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nên nhiều phụ huynh vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc học của con em mình. Các cô giáo vẫn luôn lo lắng việc "bị mất" học trò - các em nghỉ học giữa chừng, theo cha mẹ lên rừng phát nương, đốt rẫy, tra hạt. Vậy nên, niềm vui lớn nhất của các cô không ngoài việc mỗi sáng mai được thấy các em đến trường; rồi dần biết đọc, biết viết. Ảnh: Đức Anh |
Cô giáo Lô Thị Vương tâm tình: Nhìn các em dần lớn lên; biết chào, biết hỏi, rồi dần đọc thông, viết thạo thì bao nhiêu vất vả, muộn phiền của người giáo viên cũng dần tan biến. Hạnh phúc của người giáo viên vùng cao đôi khi cũng chỉ giản đơn như vậy. Ảnh: Đức Anh |
Những cô giáo cắm bản ở Huồi Cọ vẫn luôn mong muốn các em học sinh của mình có đủ cái ăn, cái mặc, được đến trường mỗi ngày; mong có nhiều hơn sự sẻ chia của xã hội đối với học sinh vùng cao. Về phần mình, các cô chỉ mong bản thân có đủ sức khỏe để tiếp tục đồng hành, hướng dẫn, dạy học cho các em… Ảnh: Đức Anh |
Trong Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, món quà lớn nhất của những cô giáo ở đây mong mỏi nhận được không phải là những bó hoa hay vật chất, mà đó là sự chăm ngoan, ham học, mạnh dạn trong giao tiếp của các em học sinh của mình... Sự phát triển của vùng cao gắn liền với yếu tố phát triển con người. Các cô giáo vẫn luôn cố gắng vì sự phát triển đó. Ảnh: Đức Anh |