Nghệ An khuyến cáo người chăn nuôi ngăn chặn dịch cúm gia cầm H5N1

Q.A 29/11/2022 06:36

(Baonghean.vn) - Dịch cúm gia cầm H5N1 ở Nghệ An đã bùng phát tại một số địa phương, đáng nói dịch có khả năng lây sang người. Bà con chăn nuôi cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng tránh dịch để bảo vệ tổng đàn chăn nuôi, nhất là trong thời điểm Tết đang cận kề.

Liên tiếp xuất hiện các ổ dịch

Chỉ hơn 1 tháng vừa qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận sự xuất hiện của các ổ dịch cúm gia cầm H5N1. Các ổ dịch này xảy ra kể từ thời điểm Nghệ An vừa phải hứng chịu đợt thiên tai nặng nề sau hoàn lưu bão số 4.

Cụ thể, ổ dịch đầu tiên xuất hiện vào ngày 6/10/2022, tại gia đình anh Phan Trọng Minh, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành. Sau khi mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với dịch cúm gia cầm H5N1, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy 2.500 con vịt của gia đình. Được biết, đàn vịt này được gia chủ mua giống ở xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, chỉ vài ngày đã xảy ra hiện tượng co giật, chết đồng loạt.

Gia cầm nhiễm dịch H5N1 buộc phải tiêu hủy cả tổng đàn. Ảnh: Q.A

Đến giữa tháng 11/2022, đàn gà của gia đình bà Phạm Thị Sen, xóm Xuân Trung, xã Nghi Đức (TP.Vinh) cũng có tình trạng tương tự. Tuy nhiên, thay vì báo lên chính quyền địa phương, bà Sen lại tự chôn gà rải rác tại nhiều khu vực, đến khi số lượng gà chết quá nhiều, bà mới báo lên cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 18/11, cho kết quả dương tính với H5N1. Chính quyền xã Nghi Đức buộc phải tiêu hủy tổng đàn gà, đồng thời căng dây khoanh vùng nguy hiểm, nghiêm cấm hành vi mua bán gia cầm ở khu vực mới xuất hiện dịch.

Mới đây nhất, đàn vịt của gia đình ông Trần Văn Dương, khối 2, thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên với tổng số 2.000 con cũng có kết quả dương tính với H5N1 trong ngày 22/11. Địa phương đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ gia cầm của gia đình. Điều đáng nói, đàn vịt của ông Dương không nuôi khép kín trong gia trại mà thường xuyên để chạy đồng, nguy cơ lây lan dịch rất lớn.

Lực lượng chức năng huyện Hưng Nguyên tiêu hủy đàn vịt nhiễm bệnh. Ảnh: Thanh Tâm

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 3 dịch ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 3 địa phương khác nhau, bao gồm Yên Thành, TP.Vinh và Hưng Nguyên. Tổng số gia cầm buộc phải tiêu hủy trên 5.000 con. Điều đáng nói, nguy cơ lây lan dịch vẫn còn hiện hữu do thói quen chăn nuôi cũng như xử lý tình trạng gia cầm nhiễm bệnh của bà con chưa đúng quy trình.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bùng phát các ổ dịch H5N1 trong thời gian qua, có thể kể đến như thời tiết diễn biến thất thường, đặc biệt là sau các đợt mưa lũ, mầm bệnh có điều kiện sinh sôi, phát triển. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng vắc - xin của các hộ chăn nuôi còn thấp, là nguyên nhân dẫn đến việc dịch lây lan nhanh chóng, khó kiểm soát. Đáng nói, khi phát hiện bệnh, bà con không báo lên chính quyền mà tự ý xử lý không đảm bảo an toàn, dẫn đến nguy cơ bùng dịch diện rộng.

Việc phun khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại phải được thực hiện thường xuyên trong các đợt dịch cao điểm. Ảnh: Q.A

Không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho người dân, nguy hiểm hơn, dịch cúm H5N1 có thể lây sang người với các triệu chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong đáng báo động. Trường hợp mới đây nhất nhiễm H5N1 là một bé gái 5 tuổi ở tỉnh Phú Thọ. Chiều ngày 8/10/2022, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện trong tình trạng suy đa phủ tạng, suy nhiều cơ quan rất nặng, sốc nhiễm khuẩn. Ngày 10/10, trẻ được Bệnh viện Nhi Trung ương xét nghiệm xác định type cúm A/H5N1. Đến ngày 17/10, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định bệnh nhi dương tính với virus cúm A/H5N1. Đây là ca bệnh cúm A/H5N1 trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2-2014. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1, trong đó có 64 người tử vong (chiếm gần 50%).

Tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp

Sau khi có kết quả xét nghiệm các đàn gia cầm dương tính với cúm H5N1, chính quyền các địa phương đã khẩn trương thực hiện các biện pháp dập dịch cũng như khoanh vùng, ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng. Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm nhiễm bệnh bằng biện pháp chôn lấp, phun thuốc khử trùng, rải vôi bột theo đúng quy trình để đảm bảo mầm bệnh bị tiêu diệt hoàn toàn.

Song song với đó, các địa phương cũng tiến hành lập chốt, khoanh vùng nguy hiểm. Đồng thời, cắt cử lực lượng túc trực, đề phòng việc bán tháo gia cầm ra ngoài, làm tăng nguy cơ lây lan dịch.

Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện rất thấp. Ảnh: Q.A

Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh là tập trung tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm. Tuy nhiên thực tế, tỉ lệ tiêm vắc xin trên địa bàn tỉnh còn thấp. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, toàn tỉnh có khoảng 20 triệu gia cầm thuộc diện phải tiêm phòng vắc xin, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại với chỉ tiêm được 1,3 triệu liều, số lượng gia cầm chưa được tiêm vắc xin còn rất lớn, việc phủ vắc xin để tạo lớp bảo vệ diện rộng chưa được thực hiện hiệu quả.

Ông Ngô Đức Quỳnh – Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Việc tiêm phòng vắc xin là biện pháp hiệu quả, an toàn nhất để đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong mùa cao điểm bùng phát các loại dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tế việc tiêm phòng chỉ thực hiện tốt ở các trang trại, gia trại, đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì ý thức tự giác của bà con chưa cao. Ngoài ra, tình trạng tự ý mua vắc xin tràn lan, không đúng nguồn gốc, chủng loại diễn ra còn phổ biến, dẫn đến việc vừa không phòng ngừa được bệnh, vừa khiến sức đề kháng của gia cầm bị sụt giảm.

Hiện đơn vị cũng đã khuyến cáo các địa phương, người chăn nuôi tăng cường áp dụng đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng trại bằng vôi bột, hóa chất; tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong khu vực chăn nuôi.

Tiêm phòng vắc xin đầy đủ là biện pháp an toàn nhất để ngăn chặn H5N1 bùng phát mạnh. Ảnh: Q.A

Đồng thời chính quyền địa phương cần có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Tăng cường truyền thông để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm ốm bệnh. Đối với hộ chăn nuôi tuyệt đối không vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường làm tăng nguy cơ lây lan dịch mà phải báo lên cơ quan chức năng để xử lý đúng quy trình. Đối với người tiêu dùng, cần chọn lựa thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn./.

Q.A