Nghệ An: Nhiều địa phương đấu giá đất không có người mua

Hải An 25/11/2022 08:45

(Baonghean.vn) - Sau những phiên đấu giá đất thu hút hàng nghìn người tham gia tại các huyện ở địa bàn Nghệ An (thời điểm sốt đất), thì đến nay, thị trường bất động sản rơi vào cảnh trầm lắng, nhiều địa phương tổ chức đấu giá đất nhưng có rất ít người tham gia.

Đấu giá đất nhưng ít người tham gia

Tại huyện Nghi Lộc, sau thời gian đất nền “sốt”, thị trường bất động sản đã hạ nhiệt, xuất hiện tình trạng các giao dịch bị “bỏ cọc”. Hiện nay, nhiều xã tổ chức đấu giá đất nhưng có rất ít người tham gia đấu giá.

Ông Phạm Ngọc Duyên - Chủ tịch UBND xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc cho biết: Thời điểm tháng 10/2022 đến nay, xã tổ chức đấu giá 10 lô đất, tuy nhiên, qua 3 lần tổ chức đấu giá chỉ bán được duy nhất 1 lô đất, giá thấp nhất 6,5 triệu đồng/m2. Trước đó, xã tổ chức đấu giá 36 lô đất, nhưng chỉ 31 lô nộp tiền, 5 lô còn lại bỏ cọc.

Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Lộc cho biết thêm: Tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện Nghi Lộc có 36 lô đất bị “bỏ cọc”, sau 90 ngày, UBND huyện Nghi Lộc đã ra quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá đất và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Được biết, thời điểm đấu giá đất đầu năm tại huyện Nghi Lộc rất “nóng”, lượng người tham gia đông, đất đấu giá tăng cao. Tuy nhiên, có khá nhiều hộ gia đình, cá nhân được công nhận trúng đấu giá quyền sử dụng đất đã không nộp tiền, hoặc nộp không đủ tiền theo thời gian quy định.

Nguyên nhân nhiều phiên đấu giá đất có ít người tham gia và nhiều nhà đầu tư bỏ cọc là do thị trường bất động sản đã hạ nhiệt, lãi suất ngân hàng tăng cao, kinh doanh bất động sản hiện nay bấp bênh.

Trước thực trạng thị trường bất động sản trầm lắng, thời gian vừa qua, huyện Nghi Lộc không tổ chức đấu giá với quy mô lớn như trước đây, phê duyệt chi tiết 1/500 để khảo sát lựa chọn địa điểm xây dựng hạ tầng đấu giá đất ở các khu vực phù hợp, hạn chế tình trạng bỏ cọc.

Khu hạ tầng ở huyện Đô Lương được đầu tư đồng bộ, nhưng thời điểm này rất khó giao dịch. Ảnh: Hải An

Cũng nằm trong tình cảnh trên, địa bàn huyện Đô Lương hiện có khá nhiều lô đất đang bị bỏ cọc phải tổ chức đấu giá lại. Như ngày 24/3/2022 xã Lưu Sơn, Đô Lương tổ chức đấu giá đất vùng hạ tầng Trọt Bông, lô đất có giá thấp nhất được bán 2,048 tỷ đồng, lô cao nhất lên tới 6,1 tỷ đồng, tuy nhiên sau quy định 90 ngày phải nạp đủ tiền đất thì có 28/59 lô bỏ cọc.

Ông Nguyễn Quốc Giáp - Chủ tịch UBND xã Lưu Sơn cho biết: UBND huyện Đô Lương đã có Quyết định về việc hủy bỏ kết quả trúng đấu giá đất và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền trên 12 tỷ đồng tiền bỏ cọc 28 lô đất. Theo kế hoạch đầu tháng 3/2023, xã sẽ tổ chức đấu giá 28 lô bỏ cọc, theo đó xã sẽ xây dựng lại giá đất phù hợp với thị trường, bởi trước đó xã xây dựng giá đấu cao vì thời điểm đó sốt đất.

Ông Trần Doãn Phú - Trưởng phòng Tư pháp huyện Đô Lương cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Đô Lương có trên 100 lô đất bị “bỏ cọc” như xã Bắc Sơn bỏ cọc 12/19 lô, thị trấn Đô Lương bỏ cọc 9/17 lô... Để giải quyết các lô đất “bỏ cọc”, huyện Đô Lương đang tiếp tục tổ chức đấu giá đất lại ở một số địa phương. Như mới đây, trong tháng 11/2022, các xã Thái Sơn, Tân Sơn đấu giá đất thành công được 24/26 lô đất. Tuy nhiên, phải chờ sau 90 ngày mới biết được là người mua có bỏ cọc hay không.

Hiện nay, có khá nhiều huyện khác cũng trong tình trạng đấu giá nhưng ít có người tham gia tập trung ở huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn…

Đóng băng các giao dịch

Thanh khoản bất động sản sụt giảm và đóng băng các giao dịch là tình trạng chung ghi nhận thời gian gần đây tại địa bàn Nghệ An. Tại nhiều huyện từng xảy ra sốt giá đất nền, giờ đây thị trường đang rơi vào trầm lắng với đại đa số đất nền, chung cư.

Khu hạ tầng xã Diễn Phúc (Diễn Châu) được đầu tư hạ tầng khá tốt nhưng ít khách quan tâm. Ảnh: Hải An

Anh Trần Cao ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) kể, thời điểm giá đất sốt, anh đã bỏ hơn 2,4 tỷ đồng đầu tư 1 lô đất tại xã Diễn Phúc bám Quốc lộ 7. Bởi tại đây gần điểm giao nhau giữa Quốc lộ 7 và cao tốc Bắc-Nam, có lợi thế mở được nhà hàng kinh doanh, tuy nhiên, đến thời điểm này anh đã “hạ” 100 triệu đồng cắt lỗ rao bán 2,3 tỷ đồng cũng không có ai hỏi mua.

Tại địa bàn huyện Yên Thành, có khá nhiều văn phòng môi giới bất động sản phải tạm dừng hoạt động bởi thị trường đất nền nhiều tháng qua gần như “đóng băng” giao dịch. Những lô đất được chủ đầu tư gửi rao bán cũng không có mấy lượt quan tâm. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư ở Nghệ An muốn “cắt lỗ” nhưng hầu như không có giao dịch bất động sản khiến cho những người bị “ôm đất” đứng ngồi không yên, nhất là những người vay lượng tiền ngân hàng khá nhiều đầu tư mua đất thời điểm sốt đất cao.

Một khu hạ tầng của huyện Yên Thành có khá nhiều lô đất bị bỏ cọc. Ảnh: Hải An

Theo báo cáo của Cục Thuế Nghệ An, từ đầu năm 2022 đến nay, Nghệ An thu từ tiền sử dụng đất (đất dự án và khai thác đấu giá quyền sử dụng đất) đạt trên 6.900 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 là 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên đây là số thu hầu hết trong khoảng 4 tháng đầu năm. Ngành chức năng đã thu trên 50 tỷ đồng (từ trên 200 lô đất bỏ cọc) nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định. Số lô đất bỏ cọc nhiều tập trung ở các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu…

Theo một số chuyên gia, sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất đầu vào, các ngân hàng thương mại cũng liên tục tăng lãi suất huy động nên dòng tiền đang có xu hướng chảy vào kênh ngân hàng thay vì đầu tư vào các kênh khác. Khi thị trường chứng khoán, bất động sản có dấu hiệu chững lại thì xu hướng của đa số người dân là gửi tiết kiệm nên dự báo trong ngắn hạn, giá bất động sản khó có khả năng tăng.

Đất dự án ở huyện Diễn Châu vẫn đang có giao dịch do giá cả hợp lý, đầu tư hạ tầng đồng bộ. Ảnh: Hải An

Ông Nguyễn Thế Phiệt - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Nghệ An cho biết thêm: Khác với đất nền nông thôn, hiện nay, đất nền dự án trên địa bàn tỉnh vẫn có giao dịch, bởi hạ tầng được đầu tư đồng bộ, giá cả hợp lý, chủ đầu tư điều tiết để thanh khoản được sản phẩm. Trong khi đất nền nông thôn nhiều người mua với giá quá cao, nay bán lại mặc dù có giảm nhưng vẫn còn cao nên thanh khoản thấp.

Thời của bất động sản giá trị thực: Đất nền dự án chuẩn vẫn 'sống khỏe'

11/05/2022

Săn đất nền sổ đỏ, giới đầu tư đổ bộ vào Diễn Châu (Nghệ An)

15/11/2021

Hải An