UBND tỉnh thông qua Đề án xây dựng huyện Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến năm 2025
(Baonghean.vn) - Tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2022, UBND tỉnh đã thông qua Đề án xây dựng huyện Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chiều 24/11, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11/2022 của UBND tỉnh để nghe và cho ý kiến về các nội dung quan trọng.
Quang cảnh phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 11 chiều 24/11. Ảnh: Phạm Bằng |
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Phan Văn Tuyên trình bày dự thảo Đề án xây dựng huyện Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến năm 2025 và định hướng xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2030; Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể của Đề án trong giai đoạn 2021-2025, có ít nhất 19 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 50% số xã của huyện); có 3 - 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; các xã còn lại đạt ít nhất 10 tiêu chí trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao.
Thị trấn Yên Thành giữ vững danh hiệu đô thị văn minh; có 9/9 tiêu chí đạt chuẩn của Bộ Tiêu chí Quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao; trên 95% tỷ lệ người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao cấp huyện; trên 90% tỷ lệ người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao cấp xã. Đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện.
Đồng chí Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành trình bày dự thảo 2 đề án. Ảnh: Phạm Bằng |
Trong giai đoạn 2026-2030, đến năm 2028 có thêm 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 100%). Đến năm 2030, có thêm 3-5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện lên 6-10 xã. Đến năm 2030, Yên Thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái ứng dụng công nghệ cao.
Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, dự kiến kinh phí thực hiện dự án giai đoạn 2022-2030 là hơn 15.152 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hơn 3.722 tỷ đồng, chiếm 24,57%; vốn đầu tư từ doanh nghiệp hơn 4.298 tỷ đồng, chiếm 28,37%; vốn vay tín dụng hơn 3.101 tỷ đồng; vốn lồng ghép khác hơn 1.351 tỷ đồng, chiếm 8,92%; vốn huy động từ nhân dân hơn 2.677 tỷ đồng, chiếm 17,67%.
Trong đó, giai đoạn 2022-2025, dự kiến kinh phí thực hiện hơn 6.315 tỷ đồng, chiếm 41,68% tổng vốn thực hiện đề án, trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ 1.527 tỷ đồng; vốn lồng ghép, hợp pháp khác 4.787 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030, dự kiến kinh phí hơn 8.837 tỷ đồng, chiếm 58,32% tổng vốn thực hiện đề án, trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ hơn 2.195 tỷ đồng; vốn hợp pháp khác hơn 6.641 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Thành đóng góp ý kiến vào dự thảo đề án. Ảnh: Phạm Bằng |
Để có nguồn lực thực hiện Đề án, huyện Yên Thành đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết, cho phép để lại 100% tiền đất tại 2 khu quy hoạch ở xã Văn Thành và thị trấn Yên Thành; Hỗ trợ ngoài chỉ tiêu cho huyện 6.000 tấn xi măng/năm để ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi trên địa bàn; Để lại 100% tiền bảo vệ đất trồng lúa đối với các dự án trong khu quy hoạch thực hiện đề án.
Trong giai đoạn 2010-2021, tổng kinh phí huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Thành đạt hơn 12.458 tỷ đồng. Đối với cấp xã, huyện Yên Thành có 5/38 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 13,16%. Đối với cấp huyện, Yên Thành đã đạt 2/9 tiêu chí; đạt 23/38 chỉ tiêu của 9 tiêu chí trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021-2025.
Đối với đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ, huyện Yên Thành phấn đấu đến năm 2030, giá trị thu nhập của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 65-70% giá trị thu nhập của ngành Nông nghiệp toàn huyện. Đến năm 2025, xây dựng các vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, tập trung vào các sản phẩm chủ lực: lúa gạo, cam, bưởi, gà thịt, lợn thịt, bò, cây lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Đến năm 2030, tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đóng góp ý kiến vào dự thảo đề án. Ảnh: Phạm Bằng |
Cho rằng 2 đề án có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá cao khi huyện Yên Thành lựa chọn lĩnh vực nông nghiệp là trọng điểm phát triển, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Yên Thành nên tập trung đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên. Huyện phải rà soát, sắp xếp, lựa chọn các danh mục dự án, công trình theo hướng trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đầu tư hạ tầng, mặt bằng để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.
UBND tỉnh thống nhất thông qua 2 đề án và đề nghị huyện Yên Thành phối hợp với các ngành, Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện đề án, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến, trình HĐND tỉnh xem xét.