Bóng đá và bài học tôn trọng đối thủ
(Baonghean.vn) - Tại World Cup 2022 đang diễn ra ở Qatar, trận đấu vòng bảng, Đội tuyển Đức-Đội tuyển Nhật Bản (1-2) để lại khá nhiều dư âm, nhiều bài học cho đội bóng được mệnh danh là “Cỗ xe tăng Đức” và cả cầu thủ, trong đó có trung vệ lừng danh Antonio Rudiger về câu chuyện tôn trọng đối thủ.
Đó là tình huống ở phút 64 của trận đấu, khi Đội tuyển Đức đang dẫn Đội tuyển Nhật với tỷ số tạm thời 1-0, A. Rudiger đã có động tác chạy cao chân và cười cợt với tiền đạo Tasuka Asano của Nhật Bản với chủ ý bề trên, coi thường đối thủ. Để rồi cuối trận đấu, chính người bị khiêu khích đó lại là tác giả của bàn thắng để đời, cực kỳ xuất sắc nâng tỷ số trận đấu lên 1-2, khiến cho hành động của Rudiger càng trở nên “ngứa mắt” hơn bao giờ hết trong con mắt của không chỉ người hâm mộ Đức mà trên toàn thế giới.
Tác giả của bàn thắng để đời, cực kỳ xuất sắc nâng tỷ số trận đấu lên 1-2. |
Thế giới bóng đá từng có vô số câu chuyện về tôn trọng đối thủ, không chỉ giữa cầu thủ hai đội mà cả giữa các huấn luyện viên, các cổ động viên với nhau. Patrick Kluivert, cựu cầu thủ Ajax và Barca cùng Đội tuyển Hà Lan từng kể một câu chuyện rất đáng khâm phục về việc cần phải tôn trọng đối thủ, được rất nhiều đồng đội nể phục và báo chí đăng tải rộng rãi. Ấy là khi cầm bóng và đi qua đối thủ là một trung vệ vô cùng dễ dàng, giống như cách người lớn lừa bóng qua một…em bé, anh suýt bật cười và định bụng sẽ “diễu” tiếp đối thủ một lần nữa. Nhưng rồi ngay lập tức anh hiểu rằng, không bao giờ được cười diễu, không bao giờ được hành động theo cách đó, tuyệt đối không bao giờ. Và anh đã nhanh chóng vượt qua khoảnh khắc suýt nữa sẽ đưa anh từ một ngôi sao sáng chói thành một “vết đen” tệ hại trong sự nghiệp đang thăng tiến vùn vụt của mình.
Trong cuộc sống cũng như trong bóng đá luôn cần những con người-cầu thủ có bản sắc, có cá tính mạnh mẽ. Ở trong khu kỹ thuật của các đội bóng lớn luôn có một vị huấn luyện viên giỏi, nhiều thành tích, nhiều phát ngôn chấn động trước và sau mỗi trận đấu, đồng thời, cũng có những hành động không giống ai, luôn là “đề tài” nóng cho truyền thông khai thác. Jugen Klopp (Huấn luyện viên trưởng Liverpool hiện nay) là một con người điển hình về tài năng, về tính cách và cả đôi khi trở nên nóng tính để rồi bị coi là thiếu tôn trọng đối thủ thông qua những hành động và phát ngôn thiếu kiềm chế. Mùa bóng 2019 từng có một vị huấn luyện viên đối thủ “tố” Klopp "có hành vi thiếu tôn trọng tôi. Tôi có cảm giác như ông ta muốn sỉ nhục mình” “Klopp đòi trọng tài phạt thẻ vàng với cầu thủ của tôi khi cậu ấy phạm lỗi với Salah, nhưng khi tôi làm điều tương tự thì ông ta thè lưỡi và chế nhạo tôi”… Có người cho rằng, Klopp dần thay đổi tính nết sau khi đạt được thành công với Liverpool, trở nên kiêu ngạo hơn khi sử dụng từ ngữ và hành xử trên băng ghế huấn luyện… Tất nhiên, bất kỳ mọi hành vi nào của ban huấn luyện các đội bóng đều rất khó qua khỏi con mắt của trọng tài thứ 4, của giám sát trận đấu, của việc xem lại băng hình, xem lại báo cáo trận đấu và kết luận của hội đồng kỷ luật, trong đó có việc xử lý các hành vi không tôn trọng đối thủ như thực tế vô vàn các án phạt được ban ra.
Có một việc nữa ít người chú ý nhưng thực ra cũng nằm trong “ô” tôn trọng đối thủ, liên quan đến câu chuyện ứng xử với cổ động viên đối thủ của các ban tổ chức sân. Bóng đá Việt từng có chuyện ban tổ chức sân nọ bố trí khán đài sát cột cờ góc, hoặc sau gôn cho nhóm cổ động viên đối thủ, lấy lý do là để đảm bảo an toàn cho trận đấu. Thực ra, với bóng đá chuyên nghiệp, mỗi khán giả vào sân, bất kỳ là cổ động viên của đội bóng nào thì đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Dồn khán giả đội khách vào một góc là phân biệt, đối xử không công bằng, là gây ức chế, là phản cảm. Tất nhiên, nếu cổ động viên cố tình gây rối, có thói quen gây rối mà kỷ luật không có giá trị thì cần nhiều biện pháp mạnh, cấm vào sân chẳng hạn.
Để thấy câu chuyện không tôn trọng đối thủ đã và đang diễn ra với “thiên hình vạn trạng”, bóng đá chuyên nghiệp hay nghiệp dư, phong trào đều không tránh khỏi “căn bệnh” khó chữa này. Hành động của Rudiger nói ở đầu bài, thực ra hồi anh này thi đấu ở Chelsea cũng từng diễn đi, diễn lại, nên không thể nói là bột phát hay sơ suất? Vấn đề là sau trận thua muối mặt của Đội tuyển Đức trước Nhật Bản, Rudiger và những ai mang trong lòng sự thiếu tôn trọng đối thủ, đã thể hiện và đang ngấm ngầm, có kịp nhận ra để tập trung thi đấu với đúng khả năng tốt nhất của từng cá nhân và cả tập thể hay không?
Trong bóng đá, dù mọi khoảng cách sẽ tiếp tục được thu hẹp theo thời gian, dù bất ngờ là điều luôn khiến cho bóng đá có sức hấp dẫn nhất hành tinh, thì một kỳ World Cup, một kỳ ASIAD hay AFF Cup, thậm chí một mùa V-League, vẫn luôn có những đội bóng mạnh cỡ Brazil hay Argentina và không ít đội bóng lần đầu dự ngày hội bóng đá thế giới ở Châu Á, Châu Phi hay Mỹ latinh; ở khu vực thì bên cạnh Thái Lan, Việt Nam lại vẫn có Timor Leste hay Brunei, nghĩa là rất rất khó để triệt tiêu hết thái độ không tôn trọng đối thủ. Cái chính là mỗi cầu thủ phải học được, phải thấm nhuần và thực thi trong thi đấu như cách của Kluivert, giảm thiểu sai lầm kiểu như Rudiger đã mắc phải. Các huấn luyện viên, các nhà tổ chức sân cũng phải chuyên nghiệp hơn, chuyên nghiệp nữa trong mọi lúc, mọi nơi thì mọi việc sẽ đi dần tới hoàn thiện và đạt tới chất lượng cao như mong mỏi.,.