Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cho ý kiến về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội

Thành Duy 29/11/2022 12:31

(Baonghean.vn)- Sáng 29/11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An họp phiên thường kỳ tháng 11/2022 cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách, công tác cải cách hành chính, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2023.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự cuộc làm việc có đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí đại diện lãnh đạo một số ban Đảng Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số sở, ngành.

KINH TẾ - XÃ HỘI PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN TÍCH CỰC

Năm 2022, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng kết quả về kinh tế - xã hội của Nghệ An đạt được rất tích cực. Dự kiến có 27/28 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Đáng chú ý là kinh tế phục hồi và phát triển toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 9,05%.

Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày các báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Thành Duy

Ngành nông nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 14%. Các ngành dịch vụ có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng với tổng kim ngạch ước đạt 2,49 tỷ USD, tăng 2,55% so với năm 2021. Đây là năm thứ 2 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội (mục tiêu đến năm 2025 là 1,765 tỷ USD).

Kết quả thu hút đầu tư là dấu ấn quan trọng của năm nay, tính đến ngày 15/11/2022, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trên 41,6 ngàn tỷ đồng, tăng 50,91% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên Nghệ An nằm trong nhóm 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước (đạt 935,22 triệu USD tính đến ngày 10/11/2022).

Đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo tháo gỡ một số khó khăn của TP. Vinh như: Giải quyết 14 khu tập thể cũ còn tồn đọng, di dân khu vực có nguy cơ sạt lở ở núi Quyết,... Ảnh: Thành Duy

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực. Tỉnh đã cơ bản hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm, nội dung lớn, quan trọng ở cấp tỉnh như: Hoàn thành các nội dung trình Ban Chỉ đạo Trung ương phục vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 26); hoàn thành công tác thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, nhất là đã tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự tỉnh và 5 huyện đảm bảo an toàn, đúng kế hoạch, được Quân khu 4 đánh giá cao. Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, đồng bộ, hiệu quả, toàn diện.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Nguyễn Thị Kim Chi đề nghị, bên cạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, thì nên quan tâm thu hút đầu tư, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác... để giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân. Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, ý kiến các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, thống nhất với các kết quả đạt được của tỉnh trong năm 2022, đồng thời nêu lên một số tồn tại, hạn chế, khó khăn cần tiếp tục tập trung, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để giải quyết trong năm 2023 và giai đoạn 5 năm 2021 -2025 nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đặc biệt là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách bền vững hơn nữa, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các nhà đầu tư, trong đó không chỉ các nhà đầu tư lớn, mà còn các nhà đầu tư, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị cần tiếp tục quan tâm hơn nữa giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp ở các huyện, thành, thị. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, nhiều ý kiến các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều cho rằng cần thúc đẩy công tác cải cách hành chính mạnh mẽ, đạt hiệu quả thực chất hơn nữa, nhất là có giải pháp, hướng tháo gỡ để nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ các cấp, tránh tâm lý sợ sai, không dám làm dẫn để đình trệ công việc.

Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã phân tích, đánh giá, làm rõ thêm về kết quả thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng của năm 2022 như: GRDP, giải ngân vốn đầu tư công, công tác cải cách hành chính…

Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh đề nghị thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra kết quả thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Ảnh: Thành Duy

Về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023 - năm bản lề của nhiệm kỳ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: Xác định đây là năm rất quan trọng, tuy nhiên dự báo tình hình trong năm tới sẽ rất khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp khi chịu áp lực về lãi suất, tỷ giá, lạm phát nên Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh đã cân nhắc rất kỹ các chỉ tiêu, trong đó đặt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP tăng 9 -10%. Đây là mục tiêu có cơ sở để thực hiện được vì trong năm tới, một số dự án hạ tầng hoàn thành như: Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu; một số dự án FDI lớn đi vào sản xuất sẽ tạo dư địa cho phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng cho biết, trong năm 2023, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Chuẩn bị để tổng kết Nghị quyết số 26; rà soát lại một số mục tiêu, chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX; tiếp tục tập trung cho 2 dự án hạ tầng chiến lược là cảng biển nước sâu và nâng cấp sân bay Vinh.

Đồng chí Hồ Lê Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy đề nghị

Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải nghe tổng thể quy hoạch 3 loại rừng, qua đó có chỉ đạo việc giao đất, giao rừng, cũng như triển khai các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo đời sống nhân dân, cũng như an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, người đứng đầu UBND tỉnh khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung giải quyết những hạn chế trong công tác cải cách hành chính, nhất là chấn chỉnh công tác tham mưu để tạo chuyển biến hơn nữa, đồng thời triển khai đánh giá và công bố Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành và địa phương (DDCI).

Về giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thẳng thắn nhìn nhận, dù chưa năm nào có nhiều chỉ đạo như năm nay song người đứng đầu của một số ngành, địa phương vẫn còn thiếu quyết liệt. Do đó, trong thời gian tới, người đứng đầu UBND tỉnh khẳng định sẽ chỉ đạo nội dung này quyết liệt hơn nữa gắn với tiếp tục thực hiện chủ trương, quan điểm là đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tập trung chủ yếu cho các công trình trọng điểm của tỉnh.

Thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung mong muốn Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tiếp tục thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022 và thực hiện các mục tiêu năm 2023 đạt kết quả cao nhất.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu, phân tích, đánh giá, làm rõ thêm nhiều nội dung về kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với các giải pháp chỉ đạo trọng tâm của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh. Ảnh: Thành Duy

PHẤN ĐẤU KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU NĂM 2023 CAO HƠN NĂM 2022

Kết luận nội dung này, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý ghi nhận, đánh giá những kết quả đạt được của tỉnh trong một năm nhiều khó khăn như năm 2022. Có được kết quả đó, trước hết công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, MTTQ đã tạo được sự tập trung cao.

Đặc biệt, người đứng đầu Tỉnh ủy đánh giá công tác điều hành của các cơ quan chính quyền quyết liệt, đặt yêu cầu cao hơn của cả các cấp, các ngành; phân công trách nhiệm khá rõ; tranh thủ rất tốt các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tạo động lực rất lớn từ Trung ương cho sự phát triển của tỉnh. Tình hình an ninh trật tự đảm bảo, địa bàn yên bình, nhân dân rất đồng thuận, ủng hộ.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận nội dung về kinh tế - xã hội. Ảnh: Thành Duy

Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Những mong muốn của tỉnh về giải quyết nút thắt, điểm nghẽn về cảng biển nước sâu, sân bay Vinh nhằm làm “bàn đạp” cho những bước tiến xa hơn trong thời gian tới chuyển biến còn chậm; đầu tư công giải ngân chậm do những yếu tố khách quan nhưng trong đó cũng có nhiều yếu tố chủ quan; thu ngân sách còn có những băn khoăn về tính ổn định, còn nợ thuế, thất thoát thuế; còn chậm làm rõ trách nhiệm quản lý của lãnh đạo các sở, ngành tại những đơn vị đã phát hiện ra vi phạm về đạo đức công vụ của cán bộ cấp dưới;…

Thống nhất với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp do Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị trong năm 2023 quan tâm thêm một số nội dung, đặc biệt là cần đẩy mạnh cải cách hành chính, theo đó Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nghiên cứu trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến để thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban và có sự tham gia của các đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tạo chuyển biến rõ nét hơn.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu tiếp tục tập trung để tháo gỡ các nút thắt về cảng biển nước sâu, sân bay; xây dựng và triển khai phương án gắn với đôn đốc, nhắc nhở quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; chuẩn bị tốt để tổng kết Nghị quyết số 26 và tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về Nghệ An; quan tâm giáo dục y tế, an sinh - xã hội, quốc phòng, an ninh. Mục tiêu tổng thể là cố gắng kết quả thực hiện của năm 2023 đạt được cao hơn năm 2022.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã trực tiếp cho ý kiến các báo cáo gồm: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách, công tác cải cách hành chính năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách và công tác cải cách hành chính năm 2023; báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023; báo cáo kết quả xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế đối ngoại năm 2022 và kế hoạch năm 2023. Báo cáo kết quả thực hiện dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2023; kết quả 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Thành Duy