Thích ứng, nắm bắt cơ hội từ các hiệp định FTA

Thu Huyền 30/11/2022 15:37

(Baonghean.vn) - Mặc dù thị trường có nhiều biến động, chi phí lưu thông hàng hóa tăng cao, nhưng các doanh nghiệp Nghệ An đã nắm bắt tốt các Hiệp định Thương mại tự do FTA để đẩy mạnh xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Phát huy lợi thế

3 năm trở lại đây, Việt Nam đã tham gia vào nhiều Hiệp định FTA với quy mô lớn như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...

Những hiệp định này mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng, vào các thị trường rộng lớn chưa từng có. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải luôn nỗ lực cải thiện chất lượng tiêu chuẩn hàng hóa để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cũng như để giữ được thị trường nội địa nếu không bị hàng hóa ngoại nhập chiếm lĩnh. Trong bối cảnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nghệ An đã đạt mức tăng trưởng khá như: Linh kiện điện tử, dệt may, dăm gỗ, bột đá, dây điện và cáp điện,...

Dây chuyền may xuất khẩu của Công ty TNHH Havina Kim Liên - Nam Đàn. Ảnh: Thu Huyền

Dệt may là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ các Hiệp định FTA. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc đáp ứng nguồn gốc xuất xứ theo yêu cầu của đối tác. Đồng thời, tăng cường liên kết, sử dụng sản phẩm, nguyên liệu trong nội khối hiệp định để tiếp cận các điều kiện ưu đãi được tốt hơn. Chính vì thế, hiện ngành hàng dệt may tiếp tục nằm trong top dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Mặt hàng có sự tham gia xuất khẩu khá sôi động của 33 doanh nghiệp, xuất khẩu hàng sang hơn 20 thị trường trên thế giới, bao gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản,...

Lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng được hưởng nhiều ưu đãi tại các FTA mới. Bà Hứa Thị Trung Thu - Giám đốc Công ty TNHH Greenfarms cho biết: Hàn Quốc là một trong những thị trường quan trọng và tiềm năng đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Nghệ An. Hiện công ty đang xây dựng nhà máy chế biến nông sản tại Quỳnh Lưu, trước mắt là sản xuất mặt hàng hành hoa sấy khô và cà rốt sang thị trường Hàn nên mong muốn được tìm kiếm đối tác, đồng thời kiểm tra giúp những mặt hàng mà Hàn Quốc quan tâm để đầu tư, chế biến.

“Để thâm nhập vào các thị trường khó tính như Hàn Quốc, chúng tôi đặc biệt quan tâm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; đầu tư quy trình khép kín từ vùng nguyên liệu đến sản xuất, chế biến. Đồng thời, không ngừng nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường được đánh giá, nâng cấp hàng năm. Nhờ đó, sản phẩm của doanh nghiệp được ưa chuộng và nhận được đơn đặt hàng lâu dài từ các đối tác” - bà Thu chia sẻ.

Doanh nghiệp Hàn Quốc tìm hiểu sản phẩm nông sản của Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Theo thống kê của ngành Công Thương, nhờ thích ứng linh hoạt với các hiệp định thương mại, việc xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 2,11 tỷ USD, tăng 76,04%, vượt 132,2% kế hoạch năm. 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch dự ước đạt 1,838 tỷ USD, tăng 10,27% so với cùng kỳ, đạt 92% chỉ tiêu kế hoạch.

Đồ họa: Hữu Quân

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Trong bối cảnh nước ta ngày càng tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các nước và khu vực trên thế giới, các dự án đầu tư của các doanh nghiệp FDI liên quan đến dệt may, linh kiện điện tử,... trên địa bàn được điều chỉnh mở rộng quy mô và cấp phép mới. Các doanh nghiệp địa phương ngày càng trưởng thành, nhạy bén và chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu của mình.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nhận được sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo kịp thời của các cấp, ngành liên quan trong việc tạo dựng nguồn hàng xuất khẩu, mở rộng thị trường, cải thiện hạ tầng logistics,… Trong đó, Sở Công Thương kịp thời triển khai các FTA đã có hiệu lực tới các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã cũng như các hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn về các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, xã và doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2021 - 2022, có 2.500 lượt đại biểu tham gia các lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định CPTPP; về Hiệp định EVFTA và lồng ghép phổ biến thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế, Hiệp định UKVFTA, RCEP.

Dệt may là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ các chính sách ưu đãi dòng thuế. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH may Kido Vinh. Ảnh: Thu Huyền

Ngoài ra, ngành Công Thương cũng làm tốt việc hướng dẫn các doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng xuất khẩu sang các nước tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực (các nước ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn độ, Nhật Bản, Chi Lê, Liên minh kinh tế Á Âu, Úc - Newzeland, Hong Kong, khối các nước CPTPP, Liên minh EU, RCEP). Trung bình mỗi năm có khoảng 8.000 giấy chứng nhận xuất xứ được cấp cho các nhãn hàng. Hiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 - 2022 đã đạt khoảng ~ 45% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.

Sở Công Thương cũng thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ trực tuyến giữa doanh nghiệp của tỉnh Nghệ An với Tham tán Thương mại của Việt Nam tại các nước đã ký kết FTA như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản,... nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của tỉnh.

Sản xuất cá hộp xuất khẩu tại Nhà máy Royal food, KCN Nam Cấm. Ảnh: Thu Huyền

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập từ các FTA, doanh nghiệp trong tỉnh cũng gặp không ít thách thức. Nguyên nhân là do Việt Nam thực hiện các FTA trong vị thế là thành viên có trình độ phát triển thấp hơn so với đa số các nước thành viên khác. Vì vậy, các doanh nghiệp chịu sức ép mở cửa thị trường trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. Theo phòng xuất nhập khẩu, Sở Công Thương, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về các hàng rào kỹ thuật thương mại như: Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; yêu cầu về an toàn, chất lượng; về ghi nhãn, thông tin tiêu dùng; các thủ tục đăng ký nhập khẩu... Trong khi đó, Nghệ An là tỉnh rộng, quy mô doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ; sự chủ động của các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế chưa cao.

Mặc dù khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch nhưng trong năm 2021, 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An đạt khá. Đồ hoạ: Hữu Quân

Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện nay, Hiệp định EVFTA đã bước vào năm thứ 3 thực thi, Hiệp định CPTPP đã bước sang năm thứ 4. Do đó, đây là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp ưu tiên đẩy mạnh xuất khẩu, khẳng định giá trị thương hiệu hàng hóa trên thị trường quốc tế.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và các cấp, ngành tại địa phương về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các hiệp định thương mại tự do đã ký kết nói riêng; hướng dẫn thực hiện các hiệp định thương mại tự do nước ta đã ký kết và đang thực thi. Chú trọng nâng cao kiến thức và năng lực cho các cán bộ làm công tác XNK trong việc xây dựng chính sách cũng như thực thi các cam kết quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương

Thu Huyền