Hé lộ 'đại gia' ngành tài chính tài trợ dự án nâng cấp sông Vinh

P.V 01/12/2022 08:00

(Baonghean.vn) - Dự án nâng cấp, cải tạo sông Vinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong những quy hoạch hạ tầng đặc biệt quan trọng của thành phố Vinh. Dự án được bảo trợ nguồn vốn lên tới 178 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới - tổ chức đồng hành cùng Việt Nam trong nhiều dự án “khủng”.

Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) là tổ chức tài chính quốc tế chuyên cung cấp các chương trình vay vốn nhằm thúc đẩy kinh tế cho các nước đang phát triển. Nhiều năm qua, WB đã hỗ trợ nguồn lực, tư vấn chính sách vĩ mô, đóng góp tích cực để Việt Nam phát triển toàn vẹn kinh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Đối tác phát triển chiến lược của Việt Nam

Năm 1978, IDA (một tổ chức thuộc WB) đã cho Việt Nam vay 60 triệu USD để thực hiện dự án thủy lợi Dầu Tiếng. Năm 1993, WB tiếp tục xúc tiến cho vay với hai dự án: Dự án đường Quốc lộ 1A với 112,4 triệu USD và Dự án giáo dục tiểu học 70 triệu USD.

Những năm tiếp theo, WB và Việt Nam duy trì quan hệ đối tác toàn diện với các dự án lớn như: 221,5 triệu USD giúp phục hồi toàn diện từ Chính phủ điện tử, năng lượng tái tạo đến dịch vụ chăm sóc trẻ em và thanh toán di động; 100 triệu USD hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy sử dụng dữ liệu không gian tích hợp và minh bạch cho quản lý đô thị; 178 triệu USD cho dự án hạ tầng TP Vinh với hợp phần Nâng cấp, cải tạo sông Vinh; 450 triệu USD cho dự án quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng Sông Cửu Long…

Việt Nam đã và đang tiếp nhận hàng chục tỷ USD từ nguồn vốn WB để thực hiện các dự án quan trọng. Ảnh: Nguồn Bộ Công thương Việt Nam

Tính đến năm 2019, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Việt Nam 24 tỷ USD vốn vay và viện trợ không hoàn lại thông qua 165 dự án, hoạt động, bao gồm các lĩnh vực: Công tác xoá đói giảm nghèo; Giáo dục nông thôn và thành thị; Dịch vụ, cơ sở hạ tầng; Năng lượng mới và Bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong 30 quốc gia trên toàn thế giới được WB xây dựng Báo cáo Khí hậu và phát triển quốc gia. Báo cáo hoàn thiện vừa được công bố trong tháng 7 vừa qua cho thấy tầm nhìn và tâm huyết của các chuyên gia WB trong việc giúp đỡ Việt Nam kiểm soát các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới Axel van Trotsenburg vào tháng 7/2022. Ảnh: Nguồn Báo Tuổi trẻ

Cũng trong tháng 7/2022, tại cuộc gặp ở Việt Nam với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Axel van Trotsenburg - Tổng Giám đốc Điều hành WB cho biết, WB sẵn sàng cử đội ngũ chuyên gia toàn cầu hỗ trợ Chính phủ xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045, góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Ông Axel cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trên chặng đường phát triển sắp tới, bao gồm mọi lĩnh vực tài chính, nâng cao năng lực hệ thống y tế, ứng phó dịch bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu…

“Ông lớn” đứng sau 2 dự án trăm triệu USD TP Vinh

Với hơn 40 năm hợp tác và phát triển, WB đã để lại nhiều dấu ấn tại Việt Nam, trong đó phải kể đến TP Vinh với hai dự án có tổng kinh phí lên đến hàng trăm triệu đô.

Tháng 6/2013, Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh (thuộc Dự án phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam) do WB tài trợ đã được khởi công. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 168 triệu USD gồm các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản, cải thiện vệ sinh môi trường và đường giao thông của Thành phố.

Hào thành cổ Vinh “lột xác” ngỡ ngàng nhờ dự án Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh do WB tài trợ. Ảnh: Tư liệu Nhật Lân

Đến tháng 12/2018, dự án đã cơ bản được hoàn thành với 85% vốn được giải ngân, thay đổi toàn diện bộ mặt TP Vinh với các gói thầu nâng cấp, cải tạo Hào thành cổ Vinh; xây dựng đường nối QL46 với đường ven sông Lam; đường 72m Vinh – Hưng Tây…

Sau thành công của Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh, WB tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn 178 triệu USD cho Dự án "Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, Nghệ An”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2212/QĐ-TTg.

Trong đó, hợp phần Nâng cấp và cải tạo sông Vinh nhận được nhiều sự quan tâm bởi tính cấp thiết và quan trọng trong hành trình nâng tầm cuộc sống người dân, đưa không gian vui chơi, giải trí mang tầm châu lục về với trung tâm thành phố.

Cụ thể, với các hạng mục thiết kế Làng sinh thái, Giao lộ di sản, Đường dạo ven sông, Chợ nổi, Công trình giải trí – thương mại bên sông…, dọc hai bờ sông Vinh hiện lên với hình ảnh đầy mới mẻ và hiện đại, hứa hẹn trở thành tâm điểm du lịch, thương mại của thành phố và cả Nghệ An trong tương lai gần.

Dự án Nâng cấp, cải tạo sông Vinh dự kiến được đấu thầu thi công vào năm 2024.

Theo công bố của WB, trung bình mỗi năm có khoảng 852 triệu USD và 316.000 việc làm trong các ngành kinh tế chủ chốt của Việt Nam chịu ảnh hưởng từ nguy cơ lũ lụt ven sông và ven biển.

Chính vì đó, dự án Nâng cấp và Cải tạo sông Vinh nằm trong số danh mục được ưu tiên hàng đầu, hướng tới mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Vinh. Sau khi triển khai, bên cạnh thay đổi cảnh quan, diện mạo đô thị, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, dự án còn mang đến giải pháp thoát nước hiệu quả cho thành phố Vinh trong mùa mưa lũ.

Với sự hỗ trợ của “đại gia” ngành tài chính WB, dự án Nâng cấp, cải tạo sông Vinh được đánh giá có tính khả thi cao và sẽ là mốc son nối tiếp trong hành trình hợp tác chiến lược của tổ chức này với Việt Nam. Sau khi dự án được triển khai, cảnh quan đô thị Vinh sẽ được “khoác áo mới” hiện đại và văn minh, đồng thời bảo tồn được các giá trị văn hoá - lịch sử và vai trò huyết mạch vốn có của dòng sông Vinh.

P.V