Nghệ An: Tập trung chăm sóc đàn vật nuôi phục vụ thị trường Tết
(Baonghean) - Cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt động vật trên địa bàn tỉnh tăng từ 20 - 30% so với ngày thường. Để chủ động nguồn cung, các trang trại, hộ chăn nuôi đang tích cực tái đàn, chăm sóc gia súc, gia cầm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tăng đàn, vỗ béo vật nuôi
Dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán, trại của anh Trần Đình Ngọc sẽ xuất bán ra thị trường 300 con lợn thịt. Ảnh: Thanh Phúc |
Bắt đầu từ tháng 9, gia đình anh Trần Đình Ngọc (làng Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) đã vào đàn trên 300 con lợn thịt để cung ứng cho thị trường cuối năm. Theo anh Ngọc thì đây là lứa lợn nhiều nhất trong năm và được kỳ vọng giá lợn cũng đạt mức cao nhất, có lợi nhuận lớn nhất. Anh Ngọc cho biết: “Hiện nay, trong trại có gần 350 con lợn thịt, trọng lượng từ 30 - 40kg/con. Dự kiến đến giữa tháng Chạp sẽ xuất bán. Ngoài cho lợn ăn đủ bữa, đủ thành phần thì tôi chủ động bổ sung thêm khoáng chất hàng ngày để lợn đạt trọng lượng tốt”.
Duy trì sản xuất liên tục trong năm nhưng riêng trong vụ nuôi này, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại được gia đình ông Lê Văn Sáu (xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu) tập trung cao độ. Bởi đây là vụ nuôi quan trọng trong năm khi giá bán cao, đầu ra thuận lợi do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh. Theo đó, từ giữa tháng 10, gia đình ông đã vào đàn 1.500 con gà thịt.
Các trang trại chăn nuôi gia cầm đã mạnh dạn tăng đàn phục vụ Tết. Ảnh: Thanh Phúc |
Ông Sáu cho biết: “Dịp Tết, nhu cầu thị trường tăng cao, nhất là gà thịt và gà cúng. Do đó, trang trại tập trung tái đàn gà mía, gà trống lông đẹp, mào đẹp. Hiện nay, công tác chăm sóc, phòng dịch bệnh cho gà được gia đình hết sức quan tâm”.
Thời điểm này, các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn các huyện Tân Kỳ, Đô Lương, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn cũng đang dồn sức để vỗ béo cho gia súc. “Năm nào cũng vậy, trước Tết khoảng 2 - 3 tháng thì gia đình tăng số lượng đàn bò lên 10 - 12 con, trâu cũng 10 - 12 con, tăng 3 - 5 con so với trước đó. Đồng thời, đẩy mạnh vỗ béo cho trâu, bò để đạt phẩm chất thịt và trọng lượng, kịp xuất bán ra thị trường vào dịp Tết. Riêng Tết Quý Mão này, với 24 con trâu, bò sẽ đem lại nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng”, anh Võ Khả, một hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo ở xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) cho biết.
Còn nhiều nỗi lo
Nuôi bò vỗ béo ở Nghĩa Dũng (Tân Kỳ). Ảnh: Thanh Phúc |
Thời điểm này, người chăn nuôi đang tập trung cho vụ Tết, từ trang trại đến các nông hộ đều tăng đàn, tái đàn để đảm bảo nguồn cung cho thị trường cuối năm. Thế nhưng, hầu hết đều khá thận trọng với nhiều nỗi lo về giá cả cũng như dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Bà Vi Thị Lá, chủ một trang trại chăn nuôi lợn ở xã Môn Sơn cho biết: “Giá lợn những tháng gần đây lên xuống thất thường trong khi giá thức ăn gia súc tăng cao. Do đó, dù đầu tư tăng đàn để đủ nguồn cung cho thị trường cuối năm song gia đình vẫn lo ngại nếu giá lợn xuống thấp thì không ăn thua. Tuy nhiên, do chủ động được nguồn giống; tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên hy vọng, lứa lợn cuối năm sẽ cho doanh thu khá”.
Chọn con giống chất lượng là yếu tố then chốt để chăn nuôi có lãi. Ảnh: Thanh Phúc |
Hiện tại, dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương xuất hiện dịch như: Thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Yên Thành… Do đó, người chăn nuôi khá thận trọng khi tái đàn, tăng đàn. Xã Diễn Trung (Diễn Châu) là địa phương trọng điểm chăn nuôi gia cầm, dự kiến dịp Tết các trang trại chăn nuôi sẽ cung ứng ra thị trường trên 300 tấn gà, vịt. Để đảm bảo các điều kiện tái đàn an toàn, chính quyền địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân chủ động các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Ông Hồ Công Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Trung cho biết: “Hiện nay, dịch cúm gia cầm đang diễn biến hết sức phức tạp. Để hạn chế tối đa việc xâm nhập của mầm bệnh, chúng tôi khuyến cáo người dân thực hiện chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, quản lý chặt chẽ người ra vào khu vực nuôi”.
Giá cả gia súc, gia cầm bấp bênh đang là nỗi lo của các hộ chăn nuôi. Ảnh: Thanh Phúc |
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh còn nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày. Cộng vào đó, Nghệ An chuẩn bị bước vào thời kỳ rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống thấp, gia súc, gia cầm rất dễ nhiễm bệnh. Do đó, người chăn nuôi ngoài việc tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, người dân cần chú trọng hơn trong việc giữ ấm chuồng trại, bổ sung thêm vitamin, men tiêu hóa tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
Bên cạnh đó là nỗi lo về giá cả. Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tiếp tăng, chi phí đầu vào khá cao nên thu nhập từ chăn nuôi giảm sút mạnh. Anh Hữu Huỳnh, chủ một trang trại chăn nuôi tổng hợp ở xã Nghi Văn (Nghi Lộc) cho biết: “Hiện 1kg gà phải đầu tư 55.000 - 60.000 đồng. Với giá gà thịt của thị trường từ 60.000 - 65.000 đồng/kg như hiện nay thì người chăn nuôi rất khó có lãi nếu không bảo đảm được đầu ra. Giá lợn hơi trong 10 ngày nay cũng lên xuống thất thường, hiện giá lợn đang ở mức dưới 60.000 đồng/kg, do đó, dù xác định Tết là vụ nuôi lớn trong năm nhưng tôi cũng không dám tăng đàn nhiều”.
Theo ước tính, nhu cầu thịt gia súc, gia cầm vào dịp cuối năm tăng 20-30% so với những ngày bình thường. Với tổng đàn hiện nay, chăn nuôi Nghệ An cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh: Thanh Phúc |
Theo thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến hết tháng 10/2022, đàn trâu của tỉnh ước đạt 267.682 con, tổng đàn bò ước đạt 513.806 con, tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2021; tổng đàn lợn ước đạt 950.012 con, tăng 2,97% so với cùng kỳ năm 2021; Tổng đàn gia cầm ước đạt 31.848 nghìn con, tăng 7,54 % so với cùng kỳ năm trước. Với tổng đàn như hiện nay, chăn nuôi cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh và bán ra thị trường trong nước vào dịp Tết Nguyên đán.
“Để bảo đảm tái đàn hiệu quả và giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Chi cục khuyến cáo người chăn nuôi cần cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, thị trường cũng như thực hiện nghiêm túc các quy định trong chăn nuôi. Ngoài nhập con giống rõ nguồn gốc, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết vào khẩu phần ăn cho vật nuôi. Ngoài ra, Chi cục cũng khuyến khích người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chú trọng bảo đảm chất lượng và phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ”.