Nhiều hệ lụy do lạm dụng rượu, bia
(Baonghean.vn) - Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, thể hiện rõ quyết tâm trong việc kiểm soát và hạn chế tác hại của rượu, bia. Thế nhưng, kể cả khi luật này có hiệu lực, những vụ án giết người, những vụ TNGT liên quan đến rượu, bia vẫn diễn ra đáng lo ngại.
Vụ việc sau những cuộc nhậu
Mới đây, đầu tháng 10/2022, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử bị cáo Vừ Bá Già (SN 2007), trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn về tội “Giết người”. Theo cáo trạng, tối 21/3/2022, Vừ Bá Già là học sinh Trường Phổ thông cơ sở dân tộc bán trú Tây Sơn đang uống rượu tại nhà một người bạn cùng bản thì nhóm bạn trong ký túc xá của trường đến tìm.
Khi nghe bạn kể về mâu thuẫn với Lầu Bá T. (SN 2004, trú tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) là học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện và muốn nhờ mình cùng nhóm bạn “hỗ trợ” để dằn mặt. Dù không quen biết hay thù hằn gì, nhưng sẵn có men rượu trong người, Già nhận lời ngay và không quên dắt thêm con dao để làm vũ khí. Biết Lầu Bá T. cùng bạn đang có mặt ở ký túc xá của Trường Phổ thông cơ sở dân tộc bán trú Tây Sơn nên Già cùng cả nhóm đi đánh nhau với số nam sinh cấp 3 này.
Bị cáo Vừ Bá Già phạm tội “Giết người” sau khi uống rượu bị xét xử tại tòa. Ảnh: Trần Vũ |
Cuộc đụng độ giữa nhóm học sinh lớp 9 và 2 nam sinh cấp 3 diễn ra ngay trong ký túc xá. Khi gặp Lầu Bá T., cả nhóm 4 nam sinh lớp 9 xông vào đánh, 2 người đứng bên ngoài phòng. Bị đánh hội đồng, T. bỏ chạy thì Vừ Bá Già đuổi theo, dùng dao chém liên tiếp vào đầu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu, điều trị đến ngày 25/3/2022 thì tử vong. Nguyên nhân T. chết do suy hô hấp, suy tuần hoàn cấp do vết thương làm vỡ xương hộp sọ, phù não, xuất huyết não. Vừ Bá Già và nhóm bạn liên đới, bị công an bắt giữ. Quá trình điều tra xác định chính Già là người gây ra cái chết cho nạn nhân nên bị truy tố tội "Giết người", 5 người bạn bị xử lý về hành vi "Gây rối trật tự công cộng".
Đối tượng Trần Văn Ngự tại hiện trường vụ việc. Ảnh tư liệu: Thùy Chi |
Trong một vụ án khác, hung thủ đã gây án với người có quan hệ anh em họ hàng với mình. Cụ thể, vào khoảng 15h ngày 18/3, ông B. qua nhà Trần Văn Ngự (SN 1973, trú thôn Chính Thanh, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương). Sau đó không lâu thì người dân phát hiện ông B. đã tử vong, trên người có 4 vết đâm và 3 vết chém. Nhận được tin báo, Công an huyện Thanh Chương đã kịp thời có mặt để khám nghiệm hiện trường. Hung thủ nhanh chóng được xác định là chủ nhà Trần Văn Ngự. Được biết, nạn nhân và hung thủ có mối quan hệ họ hàng, ông B. là con bác còn Ngự là rể chú. Thỉnh thoảng hai người vẫn hay ngồi uống rượu với nhau.
Trưa cùng ngày, Ngự gọi điện rủ ông B. đến nhà mình để uống rượu. Tuy nhiên, trong lúc uống rượu giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn, đến chiều cùng ngày thì người dân phát hiện ra sự việc. Một trinh sát cho hay, khi lực lượng chức năng có mặt, nghi can đang trong tình trạng bất tỉnh do say rượu. Lúc tỉnh lại, đối tượng định bỏ chạy nhưng đã bị cảnh sát kịp thời bắt giữ.
Kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe. Ảnh tư liệu: Đ.C |
Ngoài việc là chất “xúc tác” dẫn đến các vụ án mạng thì sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông. Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, 11 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 145 vụ TNGT, làm 99 người chết, 96 người bị thương. Trong các vụ tai nạn xảy ra thì có 15% số vụ TNGT nghiêm trọng có nguyên nhân bắt đầu từ việc lạm dụng rượu, bia rồi đi sai phần đường, làn đường, không làm chủ tốc độ, không chú ý quan sát, tránh vượt sai quy định…
Đâu là giải pháp?
Theo Đội Điều tra án trật tự xã hội, Phòng CSHS Công an tỉnh, mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, song thực tế việc lạm dụng rượu, bia không những khiến gia tăng tai nạn giao thông, mà còn khiến gia tăng các vụ án hình sự. Bởi thực tế, qua nhiều vụ việc cho thấy sau khi sử dụng rượu, bia, nhiều người nổi máu côn đồ, quá khích, mất kiểm soát bản thân nên dễ dẫn đến án mạng, gây hậu quả lớn.
Lý giải về vấn đề này, Bác sĩ CK 1 Nguyễn Cảnh Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cho biết: Cồn gây tác động rất lớn đến hệ thống thần kinh mà đặc biệt là lên não, chúng làm cho góc nhìn bị thu hẹp lại và thời gian phản ứng chậm đi. Do vậy, người uống rượu, bia bị hạn chế rất lớn trong việc điều khiển các loại phương tiện giao thông và rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Đáng nói, khi người uống rượu trong trạng thái say, ở giai đoạn đầu của say rượu là giai đoạn hưng phấn cảm xúc. Rượu tác động lên hệ thần kinh trung ương khiến người ta không làm chủ được suy nghĩ và hành vi của mình. Đặc biệt, tại thời điểm này nếu ai đó chọc tức hoặc ngăn cản, họ rất dễ nổi khùng, sinh ra gây gổ đánh lộn và rất dễ xảy ra án mạng vì hành vi thiếu kiểm soát.
Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh tuyên truyền, tổ chức ký cam kết về chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại các nhà hàng, quán nhậu, quán karaoke trên địa bàn. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên |
Cán bộ Đội Điều tra án trật tự xã hội, Phòng CSHS Công an tỉnh cho hay: Cùng với công tác phòng ngừa xã hội, lực lượng chức năng sẽ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nếp sống lành mạnh, tiến bộ cho nhân dân. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở cần phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể, kịp thời hòa giải những mâu thuẫn nhỏ trong nhân dân, không để xảy ra xung đột, đâm chém dẫn đến thương tích, chết người.
Còn theo Thượng tá Nguyễn Nam Hồng - Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn luôn nằm trong kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT của Công an tỉnh. Thời gian qua, lực lượng CSGT Công an Nghệ An đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó tăng cường lực lượng, phương tiện kỹ thuật, tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm trên cơ sở Công điện của UBND tỉnh, chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng sẽ tập trung kiểm tra mạnh vào buổi trưa, tối, các ngày nghỉ, ngày lễ và các tuyến đường có lưu lượng người tham gia giao thông đông, với quan điểm bất cứ ai vi phạm đều bị xử lý.
Đội CSGT-TT Công an TP Vinh lập chốt kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên |
Thiết nghĩ, để phòng tránh, giảm thiểu những tác hại của rượu bia, đặc biệt không để rượu, bia làm kích động dẫn đến các vụ án mạng, nguy cơ tai nạn giao thông, bên cạnh sự vào cuộc xử lý nghiêm của lực lượng chức năng với một chế tài khá mạnh theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, các cấp chính quyền; các tổ chức, đoàn thể cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tác hại và hậu quả do rượu, bia, đảm bảo trúng và đúng đối tượng, để thay đổi hành vi ép uống rượu, khích bác uống rượu bia... Tuy nhiên, quan trọng hơn là mỗi người cần phải làm chủ bản thân, không lạm dụng rượu, bia để phải gánh những hậu quả đau lòng.