“Hồ sơ lửa” - Bộ tiểu thuyết hình sự hướng tới giá trị nhân văn

Khôi Nguyên Thảo 05/12/2022 19:09

(Baonghean.vn) - Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh vừa kết hợp với tác giả ra mắt bộ tiểu thuyết “Hồ sơ lửa”. Tác phẩm phản ánh cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm gian khổ, hào hùng của lực lượng công an TP. Hồ Chí Minh gần nửa thế kỷ qua...

3/6 tập của "Hồ sơ lửa" từng được giải thưởng của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam. Đây cũng là bộ tiểu thuyết hình sự vừa lập kỷ lục Việt Nam nhiều tập nhất của nhà văn Lại Văn Long - tác giả của tác phẩm “Kẻ sát nhân lương thiện” nổi tiếng một thời.


Từ cậu bé mê đọc sách…

Lại Văn Long kể, anh mê xem truyện tranh trước khi biết đọc, biết viết. Từ 6, 7 tuổi, anh mê truyện tranh, sau đó là truyện chữ. Ngày còn học tiểu học ở Đà Lạt, cậu bé Long thường nhịn ăn quà lấy tiền thuê truyện đọc, mơ mộng theo những nhân vật tài ba, anh hùng... và nuôi ước mơ lớn lên sẽ thành nhà văn, viết được những bộ truyện thật dày, thật hấp dẫn về những anh hùng trừ gian diệt ác, thực thi công lý.

Giấc mơ đó theo suốt tuổi thiếu niên để hình thành kế hoạch và ý chí thực hiện. Từ khi được về TP. Hồ Chí Minh học đại học, được đọc sách thoải mái trong các thư viện đầy ắp sách; được cầm trên tay những bộ tiểu thuyết dày cộp, lừng danh của thế giới thì mơ ước đó càng thôi thúc. Vì ước mơ đó, Lại Văn Long dự định sau khi tốt nghiệp đại học chỉ đi làm 7 - 10 năm giúp đỡ bố mẹ, nuôi các em ăn học, sau đó sẽ dành cả cuộc đời để viết văn.

Đầu năm 1992, với tác phẩm “Kẻ sát nhân lương thiện” đạt giải Nhất Cuộc thi truyện ngắn 1990 - 1991 của Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam và được về làm phóng viên của Báo Công an TP. Hồ Chí Minh, anh càng tin tưởng vào con đường viết văn đã ước mơ và chọn lựa. Từ đó, anh đã âm thầm tích lũy tài liệu, cảm xúc cho “bộ tiểu thuyết trong mơ” của mình. Chính nghề báo và môi trường làm việc ở Báo Công an TP. Hồ Chí Minh đã giúp Lại Văn Long hoàn thành ước mơ của mình sau hơn 30 năm suy nghĩ, tìm tòi, tích lũy kiến thức và cảm xúc.

Suốt chặng đường dài đó, dù gặp trắc trở, áp lực, anh cũng không buông bỏ ước mơ. Lúc đầu là viết các loạt bài vài kỳ, vài chục kỳ trên các số báo Công an TP. Hồ Chí Minh để “lấy ngắn nuôi dài”. Khi cơ hội đến (được Tổng Biên tập giao viết kịch bản cho Dự án phim “Hồ sơ lửa” 1.100 tập), anh làm việc say sưa, mỗi ngày chỉ ngủ 3 - 4 tiếng. Vì đã nhìn thấy hình hài của “bộ tiểu thuyết trong mơ” nên tác giả càng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn khi phải vừa làm báo, vừa chăm lo gia đình, vừa làm dự án phim, vừa âm thầm sắp đặt cho bộ sách rất công phu đó qua các phần kịch bản, truyện phim...

… đến bộ sách ước mơ

Tập 1 của “Hồ sơ lửa” là “Mật danh Đ9” được chuyển thể thành phim 38 tập, chiếu trên gần 40 kênh truyền hình, trong đó có cả kênh nước ngoài. Được giải thưởng “Ngôi sao xanh”, hạng mục “Phim truyền hình được yêu thích nhất” - các tập còn lại đều được các nhà đầu tư mua bản quyền chuyển thể làm phim. 3/6 tập “Hồ sơ lửa” đã được giải thưởng “Cây bút vàng” của Bộ Công an năm 2018 và giải thi tiểu thuyết “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” giai đoạn 2017 - 2020, do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức. Bộ tiểu thuyết là kết quả lao động sáng tạo 30 năm của nhà văn Lại Văn Long. Đó cũng là lý do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận kỷ lục bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất cho “Hồ sơ lửa” và tác giả Lại Văn Long.

Bộ tiểu thuyết hình sự “Hồ sơ lửa” gồm 6 tập, 2.400 trang mô tả lịch sử đấu tranh gian khổ, hào hùng của quân, dân miền Đông Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng trong kháng chiến chống Pháp, Nhật, Mỹ... giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Bên cạnh đó là cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm kéo dài hàng chục năm của lực lượng Công an TP. Hồ Chí Minh.

Trong tiến trình đó, từ những trớ trêu của lịch sử đã sinh ra một gia tộc 4 thế hệ làm tướng, đồng thời cũng có thành viên liên đới là những lãnh đạo tỉnh, quân khu, lực lượng công an... đặc biệt là Hoàng Đức Định - sĩ quan cảnh sát hình sự, nhưng lại là con tướng cướp Hai Cuộc tàn bạo, cháu ngoại nữ tướng cướp khét tiếng Tám Lai. Cuộc đấu tranh giữa 2 thế lực chính - tà xung quanh các thế hệ của gia tộc này gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của miền Đông Nam Bộ và tiến trình đổi mới, phát triển của TP. Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung…

Cứ mỗi giai đoạn lịch sử, cuộc đấu tranh thiện - ác này lại mang dấu ấn của các thời đại khác nhau, giữa 2 lực lượng có lý tưởng, tính cách, sức mạnh khác nhau. Từ đó, phát sinh các bi kịch trớ trêu cho mỗi nhân vật. Từ đó, hơn 500 nhân vật trong toàn bộ tiểu thuyết cùng chi phối, giằng xé nhau để tăng thêm kịch tính bi hùng trong cuộc đấu tranh thiện - ác kéo dài trọn 1 thế kỷ. Cuối cùng, thế hệ thứ 4 dù có vài tướng cướp mới, nhưng đã xuất hiện những trí thức lỗi lạc, những sĩ quan công an ưu tú, những thầy thuốc, nghệ sĩ tài ba. Họ cùng nhìn về quá khứ của ông bà, cha mẹ mình với cảm thông nhiều hơn là trách móc, cùng đóng góp để xóa bỏ hận thù, hướng đến tương lai tươi sáng.

Hướng tới giá trị nhân văn

Có thể thấy, sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm này là sự hướng thiện, thức tỉnh. Từ nhỏ, khi đọc “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, tác giả “Hồ sơ lửa” đã rất yêu mến, cảm phục tư tưởng nhân văn, bác ái của văn hào này, nên khi được tập trung sáng tác “bộ tiểu thuyết trong mơ”, Lại Văn Long đặt mục tiêu phải là “ngòi bút hướng thiện”, tràn đầy tính nhân văn cao đẹp.

Vì vậy, các sĩ quan công an từ thời chống Pháp, chống Mỹ như Đại tá Anh hùng Lực lượng vũ trang Hoàng Đức Liêm (Út Liêm) đến các tướng lĩnh lãnh đạo Công an TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn đổi mới hội nhập, tới thế hệ hiện tại như cháu nội của Đại tá Út Liêm là Đại úy Hoàng Đức Định và các cấp trên, đồng đội, đều chấp pháp theo tư tưởng khoan dung, độ lượng, tạo mọi điều kiện để những người phạm pháp ăn năn, hối cải, phấn đấu làm lại cuộc đời.

Trong tất cả các vụ án, dù đối đầu với các sát thủ máu lạnh giết người không ghê tay, họ đều lấy tình người, tình phu thê, phụ tử, mẫu tử, huynh đệ ra để khơi gợi mầm mống thiện lương dù rất ít ỏi trong những kẻ phạm tội đó, giúp họ trả giá tội ác với tư cách một con người còn lương tri, chứ không phải “cỗ máy” tàn bạo, hung tính.

Ở chuyên án cuối cùng trong bộ sách “Hồ sơ lửa” (tập 6 - Hồng nhan sương khói) - Đại tá Minh - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hồ Chí Minh còn đặt tên “chuyên án bàn tay Phật” để minh oan và cứu sinh mệnh cho tướng cướp Sơn Cụt. Các cấp dưới của ông như: Thiếu tá Thanh, Đại úy Hoa, Đại úy Định, Thượng úy Thu... còn tạo điều kiện cho Sơn được toại nguyện với tình đầu để chữa vết thương lòng cho nhau. Từ đó, Sơn có động lực phấn đấu trong trại giam để sớm được trở về với vợ con. Vũ nữ Saly - tình đầu của Sơn cũng từ bỏ những tham vọng danh lợi để sống cuộc đời bình an, hạnh phúc, chờ Sơn được giảm án trở về, gia đình sum họp...

Dù viết trong thời gian 30 năm - khá dài cho việc sáng tác một bộ tiểu thuyết nhưng có thể thấy sự giữ nhịp khá chắc tay, đồng đều và vững phong cách của tác giả. Đó cũng chính là sức hấp dẫn ở bộ tiểu thuyết hình sự hàng nghìn trang này.

Khôi Nguyên Thảo