Nghệ An: 5 nhóm vấn đề cần quan tâm giải quyết được Mặt trận Tổ quốc gửi đến HĐND tỉnh

Mai Hoa 07/12/2022 10:22

(Baonghean.vn) -  Thông báo về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tham gia xây dựng chính quyền; đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đề xuất, kiến nghị với HĐND, UBND tỉnh 5 nhóm vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Các đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh điều hành kỳ họp.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh uỷ. Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện Ban Tổ chức Trung ương; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành, thị xã.

Nhiều hoạt động xây dựng chính quyền

Thông báo đến kỳ họp HĐND tỉnh về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tham gia xây dựng chính quyền năm 2022, đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh nhấn mạnh, công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân tiếp tục được MTTQ các cấp trong tỉnh và các thành viên tiếp tục đổi mới và có nhiều sáng tạo.

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An thông báo hoạt động của Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng chính quyền. Ảnh: Thành Cường

Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổng hợp 2.615 báo cáo tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân để phản ánh đến cấp ủy, chính quyền xem xét giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp; tổ chức 3.509 cuộc giám sát, 202 hội nghị phản biện xã hội, góp ý trực tiếp 768 dự thảo văn bản, chương trình, đề án; chỉ đạo, hướng dẫn Ban Thanh tra Nhân dân cấp xã giám sát 1.037 cuộc; Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức giám sát 1.449 công trình, dự án.

Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp với cử tri; kịp thời tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân và cử tri phản ánh đến Quốc hội, HĐND, UBND các cấp xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Các đại biểu tham gia kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Phong trào “chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” được cả hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân đồng thuận vào cuộc với nguồn huy động hơn 322 tỷ đồng (bao gồm tiền và hàng hóa quy đổi).

Cử tri đặt ra nhiều lo lắng, băn khoăn

Bên cạnh khẳng định cử tri và Nhân dân trong tỉnh bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ; sự đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh; sự quản lý, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cũng cho rằng, cử tri và Nhân dân trong tỉnh cũng đang đặt nhiều lo lắng, băn khoăn về giá cả nguyên vật liệu đầu vào chưa ổn định; nhiều mặt hàng và các dịch vụ tăng cao, trong khi tiền lương tổi thiểu chưa tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Cử tri và Nhân dân cũng lo lắng về công tác dự báo thiên tai, mưa, bão, lũ; công tác điều tiết nước, điều hành xả lũ của các hồ, đập, thủy điện; nguy cơ sạt lở núi, lũ quét ở các huyện miền núi; hệ thống tiêu thoát nước nội thành và các địa phương còn nhiều bất cập.

Các đại biểu tham gia kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Cử tri và Nhân dân lo ngại tình trạng nhiều cơ sở y tế còn thiếu bác sĩ và nhân lực chuyên môn có trình độ cao, nhất là ở tuyến huyện và các bệnh viện chuyên khoa; xu hướng nhân viên y tế nghỉ việc tại các bệnh viện công lập ngày càng cao;việc thu hút bác sĩ về trạm y tế gặp khó khăn; việc cung ứng thuốc, vật tư y tế chưa kịp thời; bất cập trong cơ chế đầu thấu, cơ chế tự chủ chưa được tháo gỡ; vướng mắc trong thanh quyết toán bảo hiểm y tế…, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu và công tác khám, chữa bệnh của Nhân dân.

Cử tri cho rằng mặc dù đã được chỉ đạo triển khai quyết liệt nhưng việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong một số cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi thực hiện chưa tốt; vi phạm về đạo đức công vụ còn xảy ra, đặc biệt là một số công chức vi phạm đạo đức công vụ đến mức phải kỷ luật, nhiều trường hợp đã bị khởi tố.

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An gặp gỡ, trao đổi với người dân huyện Nghi Lộc. Ảnh: Mai Hoa

Cử tri và Nhân dân bất bình, bức xúc về một số dự án đầu tư (kể cả đầu tư công và các dự án đầu tư của một số doanh nghiệp) triển khai trong nhiều năm, mặc dầu đã được tỉnh cho gia hạn nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng; thậm chí một số dự án chia lô đất ở sau đấu giá vẫn chưa được xây dựng, còn bỏ trống, gây lãng phí vốn và tài nguyên đất đai, làm mất cơ hội đầu tư của tỉnh và lãng phí niềm tin của những người dân đã đồng thuận ủng hộ dự án.

Mặc dầu đã được tuyên truyền và cảnh báo, nhưng cử tri và Nhân dân vẫn rất lo lắng về nguy cơ tiềm ẩn tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” làm ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân.

Tổ chức Hội Phụ nữ huyện Kỳ Sơn hỗ trợ mô hình sinh kế cho người nghèo. Ảnh: CTV

Kiến nghị giải quyết 5 nhóm vấn đề

Trên cơ sở lắng nghe tâm tư, ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân, đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã nhấn mạnh 5 nhóm đề xuất, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc đối với HĐND, UBND tỉnh.

1. Đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo nhà đầu tư và các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ để đưa Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An - giai đoạn 2 (quy mô 600 giường bệnh) vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân.

2. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thành, thị và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất phương án sắp xếp tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn để trình thẩm định phê duyệt, tránh lãng phí nguồn lực

Công chức huyện Nam Đàn hướng dẫn người dân làm thủ tục tại Bộ phận một cửa huyện. Ảnh: Mai Hoa

3. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành liên quan phối hợp đánh giá, rà soát các bất cập trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh (Điều 3) về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2015 để có giải pháp tháo gỡ phù hợp với thực tiễn.

4. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo Sở Y tế và các ngành liên quan đánh giá việc thực hiện chính sách thu hút, đào tạo nhân lực bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học từ 2015 – 2022 theo Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND ngày 06/01/2015 của UBND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực y tế công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bổ sung, điều chỉnh chính sách phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của và đảm bảo hài hòa chính sách giữa các vùng miền.

5. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và Bộ Nông nghiệp & PTNT quan tâm bố trí nguồn vốn bổ sung cho Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng; phối hợp chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện giao đất tái định cư cho các hộ dân và có giải pháp trong việc tái lấn chiếm đất dự án để trồng cây lâu năm.

Mai Hoa