Khát khao khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của những người Nghệ trẻ

Mỹ Hà 11/12/2022 14:00

(Baonghean.vn) - Hatonet - nền tảng kết nối nguồn lực cộng đồng IT đầu tiên tại Việt Nam là dự án vừa được trao giải Nhì cuộc thi Tìm kiếm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Nghệ An mở rộng 2022. Tác giả của dự án là Hachinet Takumi – doanh nghiệp phát triển phần mềm khởi nghiệp tại Nghệ An.

Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với anh Quan Văn Trường - đại diện Hachinet Takumi xung quanh việc triển khai dự án và câu chuyện khởi nghiệp của người trẻ hiện nay.

Kết nối chia sẻ nguồn lực

PV: Hatonet - nền tảng kết nối nguồn lực cộng đồng IT đầu tiên tại Việt Nam là dự án thuộc lĩnh vực công nghệ và vượt lên hàng trăm đề cử khác để đạt giải Nhì ở cuộc thi năm nay. Anh có bất ngờ về giải thưởng này không và điều đó có ý nghĩa với anh như thế nào?

Anh Quan Văn Trường: Tôi và toàn bộ các thành viên của dự án (Takumi) rất bất ngờ về quy mô của cuộc thi và giải thưởng lần này. Chúng tôi tham gia với mục đích có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với các sản phẩm và doanh nghiệp tại Nghệ An. Đó cũng là cách để đưa sản phẩm ra thị trường tại một cuộc thi mang tính uy tín của tỉnh nhà. Giải thưởng này không những mang ý nghĩa lớn đối với đội phát triển Hatonet mà còn đánh dấu một bước tiến mới của Takumi Software – Hachinet Groups tại Nghệ An.

Dự án Hatonet - nền tảng kết nối nguồn lực cộng đồng IT đầu tiên tại Việt Nam được trao giải Nhì tại cuộc thi Tìm kiếm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Nghệ An mở rộng năm 2022. (anh Quan Văn Trường - áo trắng, thứ 2 từ trái sang). Ảnh: NVCC

Trước đó, nhận được lời mời kêu gọi tham gia Techfest của Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, chúng tôi đã quyết định đăng ký tham dự cuộc thi khi toàn đội phát triển đang làm việc tại Hà Nội. Đội đã họp gấp để đưa ra kế hoạch ra mắt sản phẩm cho kịp ngày khai mạc cuộc thi. Cả đội đã rất cố gắng không kể ngày đêm để hoàn thành sản phẩm.

Rất vui vì Hatonet nhanh chóng đạt được những phản hồi tích cực từ người dùng sau khi ra mắt. Hiện tại đã có hơn 60 doanh nghiệp Công nghệ thông tin đăng ký tham gia cộng đồng chia sẻ nguồn lực.

PV: Đây là một dự án nhằm kết nối nguồn lực IT cộng đồng. Việc triển khai dự án phải chăng được anh “thai nghén” khi mà nỗi đau tối ưu nguồn nhân lực ở các công ty công nghệ đang gặp nhiều khó khăn. Tại sao anh lại chọn đề tài này?

Anh Quan Văn Trường: Đúng là việc triển khai dự án đã được chúng tôi suy nghĩ, thai nghén và phân tích thị trường trong khoảng hơn 1 năm. Năm 2021, khi đại dịch COVID - 19 đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, cả khâu tìm kiếm đối tác và khâu sản xuất. Vì thế chúng tôi đã đặt bước đầu cho đề án: Sử dụng nguồn lực giữa các doanh nghiệp với nhau.

Đối với nỗi đau khi thiếu đối tác, cả khủng hoảng thừa và thiếu đối với doanh nghiệp là bài toán luôn thường trực của doanh nghiệp. Bắt nguồn từ nỗi đau thực tế đấy chúng tôi đưa ra giải pháp chia sẻ và kết nối. Hiểu một cách đơn giản, khi các doanh nghiệp phần mềm đang đau đầu đi tìm lời giải cho bài toán nhân sự, Hatonet đã ra đời giúp Doanh nghiệp có thể kết nối và chia sẻ nguồn nhân lực onsite nhằm tối ưu nguồn nhân lực của cộng đồng doanh nghiệp IT.

Tác giả Quan Văn Trường là cựu học sinh Trường THPT Thái Hòa. Ảnh: NVCC

PV: Có những khó khăn nào khi triển khai dự án và anh kỳ vọng gì khi dự án của mình được ứng dụng vào thực tiễn?

Anh Quan Văn Trường: Đối với khởi nghiệp, theo chúng tôi đánh giá thì luôn tồn tại khó khăn, bằng hình thức này hay hình thức khác. Tuy nhiên, mỗi khó khăn đều sẽ là trải nghiệm cho mỗi thành viên trong nhóm chúng tôi.

Một sản phẩm mới khi ra mắt, nhất là sản phẩm về công nghệ và sản phẩm có khả năng chia sẻ thông tin nhân sự của công ty mình, đâu đó các doanh nghiệp CNTT vẫn còn nhiều hoài nghi và còn mong muốn sản phẩm đạt được những kỳ vọng cao hơn cho từng doanh nghiệp.

Xây dựng cộng đồng công nghệ thông tin người Nghệ

PV: Anh sinh năm 1995 và còn rất trẻ. Anh hãy chia sẻ về mình và con đường của anh đến với công nghệ thông tin?

Anh Quan Văn Trường: Tôi là học sinh của Trường THPT Thái Hòa. Năm 2013, tốt nghiệp THPT tôi thi đậu vào Trường Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội ngành Khoa học máy tính và tốt nghiệp năm 2017. Đối với thời đại trước thì cũng có thể đánh giá mình rất trẻ. Tuy nhiên đối với ngành Công nghệ thông tin thì có nhiều bạn trẻ hơn tôi và đã rất thành công.

Sau gần 10 năm tham gia vào ngành công nghệ thông tin, tôi đã trải qua nhiều vị trí và lĩnh vực như xuất khẩu phần mềm, sản xuất sản phẩm, triển khai sản phẩm và bây giờ là khởi nghiệp với các sản phẩm trong nước. Tôi tự hào vì là một trong những người Nghệ đang cùng nhau xây dựng đất nước có thêm nhiều ngoại tệ hơn nữa.

Và còn vui hơn, khi hàng ngày tôi cùng các cộng sự của mình đang làm việc tại chính quê hương Nghệ An, cùng các doanh nghiệp khác tại Nghệ An xây dựng cộng đồng công nghệ thông tin tại tỉnh nhà, trở thành điểm đến thu hút về công nghệ thông tin của Bắc Trung Bộ.

Anh Quan Văn Trường (bên trái) cùng đồng nghiệp tại lễ trao giải cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Nghệ An. Ảnh: NVCC

PV: Hiện nay, câu chuyện khởi nghiệp đang được nói đến rất nhiều. Với anh, vì sao lại chọn tham gia dự án khởi nghiệp? Sau dự án này, anh sẽ còn ấp ủ những kế hoạch gì để dự án của mình có thể phát triển trong tương lai?

Anh Quan Văn Trường: Cá nhân tôi nhận thấy việc khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin thực sự là chìa khóa giúp cho Việt Nam có thể dễ dàng khẳng định hơn trên đấu trường quốc tế. Toàn thể xã hội, chính phủ và các ban, ngành liên quan cũng đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp rất tốt và tận tình. Đơn cử, trong cuộc thi Techfest Nghệ An 2022 chúng tôi đã được hỗ trợ, dẫn dắt và nhận được rất nhiều sự quan tâm.

Với tôi, khởi nghiệp là góp phần thúc đẩy xã hội đi lên theo một khía cạnh, khởi nghiệp công nghệ thông tin là góp phần tối ưu, giúp đỡ được cho một nhóm người trong công cuộc chuyển đổi số hiện tại. Chúng tôi có khẩu hiệu “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”, khởi nghiệp là mục đích lâu dài, gắn bó sâu sát với doanh nghiệp.

Nhiều thành viên tham gia dự án đều là những người Nghệ trẻ thuộc thế hệ 9X. Ảnh: NVCC

Có lẽ giải thưởng lần này chính là khởi đầu của những khó khăn mà một doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ phải vượt qua. Nhưng chúng tôi sẽ luôn cố gắng nghiên cứu để có thêm nhiều sản phẩm có ý nghĩa hơn đối với xã hội, đó vừa là công việc, vừa là đam mê cũng vừa là trách nhiệm chung của các thành viên Takumi chúng tôi.

PV: Khi nói đến khởi nghiệp, chắc hẳn có rất nhiều khó khăn. Anh có lường trước được những thử thách mà mình sẽ phải đối mặt hay không. Điều gì khiến anh tin vào dự án của mình và con đường mà mình đã lựa chọn?

Anh Quan Văn Trường: Theo tôi khi khởi nghiệp khó khăn lớn nhất là nguồn nhân lực đang chưa ổn định và chất lượng chưa được tốt. Thông thường, với ứng cử viên giỏi không chỉ tìm kiếm công việc phù hợp mà còn đặt ra tiêu chí khắt khe về chính sách đãi ngộ, vị trí làm việc… Đến khi gặp được những anh em chúng tôi cùng chí hướng, mang trong mình khao khát lớn, chúng tôi đã từng bước vượt qua những khó khăn trên và tự tin đưa ra sản phẩm hữu ích nhất cho người dùng và góp phần xây dựng xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực Công nghệ thông tin này.

PV: Cảm ơn anh đã tham gia cuộc trò chuyện!

Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Nghệ An mở rộng năm 2022 (Techfest Nghệ An Open 2022) có chủ đề “Chuyển đổi số với khởi nghiệp sáng tạo”, hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề của cộng đồng, xã hội bằng việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số góp phần tạo sự đột phá trong công tác cải cách hành chính và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An trong trạng thái bình thường mới.

Cuộc thi thu hút 116 dự án tham gia với nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm: Ứng dụng Công nghệ, chuyển đổi số phục vụ trong lĩnh vực kinh tế - xã hội để chế biến các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn công nghiệp, đô thị, giao thông vận tải, logistic, văn hóa, du lịch, giáo dục, y tế, thương mại, tài chính - Fintech, An toàn thông tin... Ban tổ chức đã trao 10 giải, trong đó có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích.

Mỹ Hà