Tự hào hai tiếng Việt Nam!
(Baonghean.vn) - Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Bắc đã tổ chức chiến dịch phòng không quy mô lớn vào những ngày cuối tháng 12/1972, đánh bại chiến dịch tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương.
Tầm vóc của thắng lợi được ghi tạc vào lịch sử với niềm tự hào của dân tộc Việt Nam: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Tự vệ Nhà máy Y Hà Nội ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác, luyện tập sẵn sàng chiến đấu để tiêu diệt máy bay Mỹ. Ảnh: Tư liệu lịch sử |
Âm mưu của đế quốc Mỹ
Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon phê chuẩn chiến dịch quân sự “Linebacker II” đánh phá ồ ạt bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền Bắc nước ta. Mục tiêu của chiến dịch này là đưa Thủ đô Hà Nội về “thời kỳ đồ đá” nhằm bắt Chính phủ ta phải ngồi lại đàm phán theo hướng có lợi cho đế quốc Mỹ.
Để phục vụ cho chiến dịch quân sự “Linebacker II”, đế quốc Mỹ đã huy động lực lượng lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đế quốc Mỹ đã sử dụng 193 máy bay ném bom chiến lược B-52 (chiếm gần 50% số B-52 Mỹ có lúc đó) với tần suất 663 lần chiếc; cùng 1.077 chiếc máy bay chiến thuật (chiếm hơn 1/3 số máy bay chiến thuật Mỹ có lúc đó và bằng tổng số máy bay chiến thuật của 2 nước Anh, CHLB Đức cộng lại), với tần suất 3.920 lần chiếc.
Bên cạnh đó, đế quốc Mỹ còn huy động số lượng lớn máy bay gây nhiễu điện tử từ xa, máy bay tiếp dầu trên không, máy bay trinh sát không người lái tầng thấp, máy bay có người lái trinh sát tầm cao, máy bay trinh sát không người lái tầng cao… Đồng thời, nhiều tàu sân bay, tàu chiến đấu tối tân, hiện đại đã được đế quốc Mỹ sử dụng để phục vụ cho chiến dịch này.
Các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam, Thái Lan, Nhật Bản, Philippines cũng làm việc hết công suất đến phục vụ chiến dịch ném bom chiến lược này. Để chỉ huy thống nhất, đế quốc Mỹ lập Bộ Chỉ huy lâm thời đóng ở căn cứ Utapao (Thái Lan) đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Bộ Chỉ huy không quân chiến lược Mỹ và Bộ Quốc phòng Mỹ.
Sau nhiều lần nâng cấp công nghệ quân sự, đế quốc Mỹ tự tin bằng kỹ thuật điện tử, không lực Mỹ sẽ bịt mắt hoàn toàn hệ thống ra-đa và vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống phòng không của ta. Đế quốc Mỹ còn cho rằng, máy bay B-52 có thể bị rơi do thời tiết, hoặc do trục trặc kỹ thuật chứ không thể bị bắn rơi. Bởi vậy, phi công Mỹ được tuyên truyền B-52 là “bất khả xâm phạm” và các cuộc ném bom của B-52 là “đi dạo chơi vào chỗ trống”.
Bộ đội tên lửa phòng không những ngày đánh trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh: Tư liệu lịch sử |
Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 (từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972), Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc đã phải hứng chịu ước tính hơn 20.000 tấn bom tàn phá, hủy diệt của đế quốc Mỹ. Riêng Thủ đô Hà Nội, đế quốc Mỹ đã sử dụng 444 lượt máy bay B-52 cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 10.000 tấn bom hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại 2.380 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác. Còn theo các nhà sử học quân sự Mỹ, trong 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội, khối lượng bom đạn ném xuống nơi đây tương đương với 5 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, bằng bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, trải qua 12 ngày đêm chiến đấu, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi tổng cộng 81 máy bay các loại, trong đó, có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F111, 21 máy bay F4, 12 máy bay A7, 1 máy bay F105, 4 máy bay AD6, 1 máy bay trực thăng HH-53, 1 máy bay không người lái, bắt sống nhiều giặc lái. Trong đó, quân dân Hà Nội lập công to lớn hơn cả với thành tích bắn rơi 32 chiếc máy bay (trong đó có 25 máy bay B-52).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc bấy giờ là Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhận định: “Nếu số lượng B-52 bị rơi từ 1 - 2% thì Mỹ vẫn chịu được, nếu số lượng B-52 rơi từ 6 - 7% thì Nhà Trắng sẽ rung chuyển, nếu tỷ lệ B-52 rơi trên 10% thì Mỹ sẽ chịu thua”. Khi kết thúc chiến dịch, số lượng máy bay B-52 bị lực lượng phòng không và không quân Việt Nam bắn rơi là 34 trên tổng số 193 chiếc mà Mỹ huy động (tỷ lệ tổn thất là 17,6%).
“Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B-52 quá nặng nề”.
Richard Nixon
Đúng như nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tướng George Etter - Phó Chỉ huy không quân chiến lược Mỹ, đã thú nhận trên Tạp chí US.Air Forces (Không lực Mỹ) vào ngày 30/12/1972: “Tổn thất về máy bay chiến lược B-52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm góc”. Trong hồi ký của mình, Tổng thống Mỹ Richard Nixon cũng thú nhận: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B-52 quá nặng nề”.
Ngày 30/12/1972, Chính phủ Mỹ buộc phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, đề nghị nối lại cuộc đàm phán Paris. Đế quốc Mỹ sau đó phải đồng ý ký Hiệp định Paris (27/1/1973).
Theo Hiệp định này, quân xâm lược Mỹ phải cuốn cờ rút khỏi Việt Nam. Trong cuốn sách “Không còn những Việt Nam nữa”, Tổng thống Mỹ Richard Nixon chua xót nhận ra: “Đỉnh cao của cuộc leo thang chiến tranh ở Việt Nam là đợt chúng ta đưa B-52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng dịp lễ Noel năm 1972. Nhưng chúng ta đã thất bại và phải ký Hiệp định Paris”.
Nguyên nhân thắng lợi
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn, không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó thì không thể thắng được…”. Nhưng Người cũng khẳng định: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”[1]. Bởi vậy, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người nhấn mạnh phải: “Động viên toàn dân đoàn kết chống Mỹ”.
Xác máy bay B-52 rơi ở đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Ảnh: Tư liệu lịch sử. |
Ngay từ năm 1966, khi máy bay B-52 của Mỹ ném bom miền Bắc nước ta thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị lực lượng phòng không - không quân phải tìm ra cách đánh B-52. Đến ngày 17/9/1967, sau một thời gian dày công nghiên cứu, nhận dạng, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84 - Trung đoàn Tên lửa 238 đã bắn rơi 1 chiếc B-52. Đây là lần đầu tiên ta bắn rơi “Siêu pháo đài bay” của đế quốc Mỹ.
Ngày 29/12/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại giao nhiệm vụ cho đồng chí Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài rằng: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà chuẩn bị”.
Cuốn “Cẩm nang đỏ” mang tên “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa” ra đời kịp thời, đã đúc kết kinh nghiệm trong gần 7 năm đối đầu với B-52, tìm ra cách đánh hay, phù hợp với điều kiện thực tế về vũ khí, trang bị của ta. Trên cơ sở tài liệu này, ngày 31/10/1972, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức Hội nghị cán bộ để thảo luận, phổ biến cách đánh B-52.
Ngày 24/11/1972, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam thông qua và phê chuẩn kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng của Quân chủng Phòng không - Không quân và ra lệnh phải hoàn thành nhiệm vụ công tác chuẩn bị trước ngày 3/12/1972.
Tự vệ Nhà máy Dệt kim Đông Xuân ra sức luyện tập kỹ thuật để đón đánh máy bay Mỹ. Ảnh: Tư liệu lịch sử |
Đầu tháng 12/1972, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn nhận định: “Để gây sức ép với ta, trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng Không - Không quân, phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng”. Bởi vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Bắc đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, sẵn sàng đương đầu với chiến dịch “Linebacker II” của đế quốc Mỹ.
Việc sử dụng lực lượng hợp lý các loại vũ khí hiện có và hợp đồng tác chiến chặt chẽ giữa Bộ đội Ra-đa, Bộ đội Tên lửa phòng không, Bộ đội pháo phòng không, Bộ đội Không quân tiêm kích, lực lượng phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ đã tạo ra lưới lửa phòng không, nên máy bay Mỹ dù bay ở độ cao nào, từ hướng nào, ở khung thời gian nào cũng có thể tiêu diệt chúng. Ngoài ra, lực lượng cán bộ, nhân dân toàn miền Bắc cũng được tổ chức, huy động tối đa để phục vụ chiến đấu. Đây thực sự là nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, thể hiện sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân.
Riêng đối với việc tiêu diệt B-52, Quân đội ta đã biết vạch nhiễu để phát hiện ra chúng,, dù B-52 được gây nhiễu cực mạnh. Binh chủng Tên lửa phòng không dựa vào đó đã bắn rơi 29 máy bay B-52 trên tổng số 34 chiếc B-52 bị bắn rơi. Thậm chí có 2 Trung đoàn Tên lửa (H61, H57) chưa từng “chạm trán” với B-52 trước đó, nhưng nhờ vận dụng đúng cẩm nang đánh B-52 đã lập thành tích bắn hạ đến 24 máy bay B-52. Do đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Chúng ta đánh được B-52 Mỹ là do nhiều nguyên nhân, trong đó, có sự đóng góp hết sức quan trọng của cuốn sách này” và Đại tướng cũng nhấn mạnh: “Một trong những yếu tố quyết định để chiến thắng là phải có cách đánh tốt và được huấn luyện chu đáo”.
Biên đội Mig-21 rút kinh nghiệm sau trận bắn rơi F4 yểm hộ cho các lực lượng đánh B-52, ngày 27/12/1972. Ảnh: Tư liệu lịch sử. |
Trung tướng Lê Văn Tri - nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân đã nhận định: “Việc tìm ra cách đánh B-52 là cả một quá trình, là công lao tập thể, từ các cơ quan trên Bộ, từ Bộ Tư lệnh và các cơ quan Quân chủng, Binh chủng xuống đến các đơn vị cơ sở. Nhưng trước hết là công lao của các anh em ngồi trong ca-bin, trước màn hiện sóng, là các trắc thủ và sĩ quan điều khiển, các cán bộ chỉ huy và các cán bộ, nhân viên kỹ thuật, bất chấp bom đạn, kiên trì lấy buồng máy và màn hình hiện sóng làm trận địa. Bằng vũ khí hiện đại của Liên Xô, bằng vốn kiến thức trang bị từ ghế nhà trường, cùng với trí thông minh và lòng dũng cảm, họ đã góp phần sáng tạo nên những cách đánh có hiệu quả”. Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô Anatoly Ivanovich Khiupenen cũng đã nhận xét với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân rằng: “Trao vũ khí tên lửa cho các bạn Việt Nam là trao nó cho những bộ óc sáng tạo và những bàn tay vàng”.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của thế trận phòng không nhân dân; là chiến thắng của nghệ thuật quân sự sáng tạo của Đảng và Quân đội ta. Trong cuốn sách “Cuộc chiến tranh không quân ở Đông Dương” xuất bản ở Mỹ có lời đánh giá nổi tiếng của Giáo sư Neil Seehan: “Thắng lợi của người Việt Nam là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì nhận định: “Đây là thắng lợi to lớn nhất, chiến công xuất sắc nhất của cuộc chiến tranh nhân dân trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ… Quân dân Hà Nội, quân dân miền Bắc anh hùng đã đập tan cuộc tập kích chiến lược của Không quân Mỹ, lập nên một “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Hiệp định Paris”.
Do đó, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng đã giành được, tạo ra bước chuyển chiến lược căn bản về cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 89