Tăng cường quảng bá các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ từ khu Dự trữ sinh quyển

Thu Huyền 19/12/2022 17:02

(Baonghean.vn) - Chiều 19/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An tổ chức hội nghị tổng kết năm 2022, xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2023.

Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An chủ trì; Tham dự có thành viên Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An; Trung tâm môi trường và tài nguyên sinh học CEBR; Đại diện Vườn quốc gia Pù Mát và các khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Pù Huống; Hội Khoa học lâm nghiệp; Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An và các sở, ngành, địa phương liên quan.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thu Huyền

Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, được Ủy ban Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận vào ngày 18/9/2007. Đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới trên cạn lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha, phạm vi thuộc địa giới hành chính của 9 huyện miền Tây Nghệ An gồm: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.

Rừng săng lẻ Tương Dương. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được thành lập từ năm 2013. Những năm qua, Ban phối hợp với các ban, ngành xây dựng các đề án, nhiệm vụ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học. Ban đã lập được danh lục các loài động thực vật trong Khu Dự trữ sinh quyển trong đó gồm: 209 họ, 1.048 chi, 3.019 loài thực vật; động vật có 39 bộ, 131 họ, 480 giống, 942 loài.

Đại diện Ban quản lý Khu DTSQ miền Tây Nghệ An báo cáo kết quả hoạt động của Khu, trình bày kế hoạch năm 2023. Ảnh: Thu Huyền

Năm 2022, Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An phối hợp với Ban quản lý dự án BR, UNDP triển khai xây dựng mô hình trồng loài khôi tía, ba kích tím, bách bộ đứng tạo sinh kế cho người dân ở vùng đệm Khu Dự trữ sinh quyển; Phát triển mô hình mét theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình chè hoa vàng, lùng, mét… Nâng cao kiến thức, năng lực cộng đồng và xây dựng mô hình sinh kế trong bối cảnh Covid-19. Khu cũng đã triển khai xây dựng phương án bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn loài; Quan trắc đa dạng sinh học dự án BR; hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.

Năm 2023, Khu Dự trữ sinh quyển tiếp tục triển khai các hoạt động thực hiện chiến lược khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An giai đoạn 2017-2027, tầm nhìn đến năm 2030; tổ chức các hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào Khu Dự trữ sinh quyển; Triển khai kế hoạch gắn nhãn sinh thái Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An kết hợp với công tác xúc tiến, quảng bá cho các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ tiềm năng có xuất xứ từ Khu Dự trữ sinh quyển. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh, tăng cường hợp tác trong mạng lưới các Khu Dự trữ sinh quyển trong nước và quốc tế nhằm thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư liên quan.

Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát phát biểu đề nghị quan tâm quảng bá cho các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ tiềm năng, dán nhãn khu dự trữ sinh quyển. Ảnh: Thu Huyền

Triển khai các hoạt động được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường; thực hiện kế hoạch hành động Li Ma về chương trình con người và sinh quyển của UNESCO và mạng lưới toàn cầu…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng nghe báo cáo Dự án lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam (dự án BR) do Quỹ môi trường toàn cầu GEF thông qua chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP tài trợ, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng Cục Môi trường thực hiện.

Đồng thời, thông qua quyết định phê duyệt kiện toàn bộ máy và quy chế hoạt động của Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An; Tham vấn, góp ý dự thảo báo cáo đánh giá cơ hội phát triển các sản phẩm du lịch và chứng nhận cơ sở du lịch thân thiện với đa dạng sinh học tại Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.

Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Thu Huyền

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu trăn trở đề xuất các kiến nghị để khu dự trữ sinh quyển phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho tỉnh. Tiềm năng đã có nhưng cần chuyển hoá tài nguyên thành sản phẩm du lịch thân thiện, phát triển kinh tế, tạo sinh kế bền vững cho vùng dự án; Cần tăng cường phối kết hợp, lồng ghép các dự án triển khai để phát huy hiệu quả...

Phát biểu tại hội nghị, bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó BQL Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An ghi nhận những kết quả đạt được của Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, đồng thời đề xuất sớm hoàn thiện thể chế, chính sách, kiện toàn bộ máy, mở tài khoản... để Khu Dự trữ sinh quyển thành hệ thống chính thống trong hoạt động quản lý Nhà nước về công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Để hỗ trợ hoạt động của các Khu Dự trữ sinh quyển hiệu quả hơn, kiến nghị Trung ương củng cố vị trí pháp lý cơ quan MAB ở cấp Trung ương nhằm tăng cường vai trò, chức năng quyền hạn của MAB Việt Nam. Ủy ban Quốc gia UNESCO, uỷ ban quốc gia MAB Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động nhằm tạo ra các diễn đàn, mạng lưới các Khu Dự trữ sinh quyển ở Việt Nam nhằm tăng cường học tập và hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác giữa các Khu Dự trữ sinh quyển trong nước và quốc tế./.

Thu Huyền