Nghệ An: Chỉ thị 40 tiếp sức cho hoạt động tín dụng chính sách

Thu Huyền 20/12/2022 07:04

(Baonghean.vn) - Việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Bước chuyển tích cực

Huyện Yên Thành được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu, có quy mô tín dụng chính sách lớn của Nghệ An. Thời gian qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện Yên Thành không ngừng tăng trưởng đã ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014.

Lãnh đạo Ngân hàng CSXH huyện Yên Thành kiểm tra hộ vay vốn phát triển chăn nuôi. Ảnh: Thu Huyền

Ông Phan Hữu Trang - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Yên Thành cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 40 và kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào thành viên Ban Đại diện HĐQT đã đưa tín dụng chính sách lên tầm cao mới. Đến nay, ngoài ngân sách Trung ương, tỉnh, ngân sách huyện và cấp xã đã ủy thác cho vay qua Ngân hàng CSXH đạt 3,7 tỷ đồng, tăng trong năm 2022 là 630 triệu đồng. UBND huyện thường xuyên quan tâm công tác hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất và phương tiện làm việc; Ngân hàng CSXH huyện đã có trụ sở khang trang trên khuôn viên đất gần 3.000 m2, với các thiết bị, máy móc đầy đủ, hiện đại, đáp ứng thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trên địa bàn.

Tại huyện Diễn Châu, đến nay, nguồn vốn nhận ủy thác ngân sách địa phương là hơn 11 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn cho vay từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng CSXH 6,378 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách huyện, ngân sách xã ủy thác qua Ngân hàng CSXH huyện là 4,640 tỷ đồng.

Công ty TNHH may mặc Trọng Phúc ở huyện Diễn Châu vay vốn Ngân hàng CSXH trả lương cho lao động. Ảnh: Thu Huyền

Ông Phạm Xuân Sánh - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Diễn Châu cho biết, nguồn vốn ngân sách huyện, ngân sách xã ủy thác qua Ngân hàng CSXH tăng lên đáng kể đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40, UBND huyện đã cân đối ngân sách chuyển gần 4 tỷ đồng, UBND xã, thị trấn chuyển 840 triệu đồng sang Ngân hàng CSXH huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu hàng năm của huyện về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Ông Phạm Xuân Sánh - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Diễn Châu.

Hiện nay, có nhiều địa phương quan tâm, thực hiện tốt Chỉ thị 40, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng như thành phố Vinh, TX. Hoàng Mai, các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc,… Đặc biệt, nhiều huyện miền núi dù còn khó khăn, nhưng rất quan tâm hoạt động tín dụng chính sách như: Quỳ Châu, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn... Sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% thôn, xóm trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi.

Từ nguồn vốn NHCSXH, nhiều gia đình vùng biển Diễn Châu đầu tư công trình nước sạch hợp vệ sinh. Ảnh: Thu Huyền

Theo Ngân hàng CSXH tỉnh, dự ước đến ngày 31/12 tổng dư nợ đạt 10.881 tỷ đồng, tăng 1.211 tỷ đồng, tăng trưởng 12,52%, hoàn thành 100% kế hoạch các chương trình Trung ương giao và hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch do chi nhánh đề ra từ đầu năm là 4,52%, vượt mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Ngân hàng CSXH tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Doanh số cho vay năm 2022 đạt 3.291 tỷ đồng; doanh số thu nợ ước đạt 2.077 tỷ đồng; tổng thu lãi ước đạt 820 tỷ đồng, hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch xây dựng đầu năm.

Năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách vẫn chủ yếu tập trung vào một số chương trình trọng tâm phục vụ mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội; các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về cho vay hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Song song với tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng nâng cao, nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ và tiếp tục giảm 2,4 tỷ đồng so với năm 2021.

Tăng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn

Bám sát nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW và các văn bản triển khai thực hiện, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức hội nhận ủy thác và Ngân hàng CSXH đã tích cực vào cuộc, phối hợp chặt chẽ trong việc đầu tư vốn với hoạt động hỗ trợ chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế được triển khai và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra thu nhập ổn định cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, thu hút được lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Nhờ có nguồn vốn ưu đãi thông qua các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong những năm qua đã giúp cho hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát được nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách đã cấp vốn cho 65,9 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Đồ hoạ: Hữu Quân

Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Thực hiện chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội”, cùng với nguồn vốn của Trung ương; chính quyền địa phương các cấp quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay; đồng thời, chỉ đạo Ngân hàng CSXH tập trung huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ các tổ chức, cá nhân, từ tiết kiệm dân cư và từ nguồn tiền thực hành tiết kiệm của chính hộ nghèo và các đối tượng chính sách thông qua mạng lưới Tổ Tiết kiệm vay vốn, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Đến nay, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 245,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,24%, tăng 30 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 120% chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng Trung ương giao năm 2022; bao gồm: Ngân sách tỉnh 175,9 tỷ đồng; ngân sách huyện 69,7 tỷ đồng. Nguồn lực tài chính đầu tư cho tín dụng chính sách không ngừng được tăng lên, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Theo thống kê, năm 2022, đã kịp thời cấp vốn cho 65,9 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Có 23,8 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát được nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo.

Ngân hàng CSXH Con Cuông giải ngân tại xã Thạch Ngàn. Ảnh: Thu Huyền

Tuy nhiên, dù nguồn lực đã được quan tâm đầu tư, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các đối tượng chính sách, nhất là nguồn vốn để thực hiện cho vay tạo việc làm và duy trì việc làm, chuyển đổi nghề của người lao động... Hàng năm, nguồn vốn ngân sách địa phương đã được UBND các cấp quan tâm bổ sung để ủy thác Ngân hàng CSXH cho vay các đối tượng chính sách, song chiếm tỷ trọng còn rất thấp (2,24%) so với tổng nguồn vốn (trong khi bình quân cả nước chiếm trên 8%), một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc bố trí nguồn vốn ngân sách để ủy thác Ngân hàng CSXH cho vay theo nội dung Chỉ thị 40-CT/TW.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40 cần có các chính sách, giải pháp cụ thể từ tỉnh đến cơ sở, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của Ngân hàng CSXH trên địa bàn, nhằm chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng. Tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực để bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách gắn với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; tổ chức các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo và chuyển giao công nghệ gắn với hoạt động vay vốn, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả./.

Thu Huyền