Người Hà Nội và ký ức giáng sinh năm 1972
Một mùa Noel đang đến gần, đường phố Thủ đô tấp nập, đông vui. Trong niềm vui ấy, người Hà Nội không quên ngày Noel lịch sử năm 1972 - ngày lễ đau thương nhưng cũng đầy tự hào về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.
Ngày 25/12/1972 là 1 ngày yên bình của người dân Hà Nội khi đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom để đón Giáng sinh. Sau 7 ngày chiến đấu quyết liệt với pháo đài B52, Hà Nội có một khoảng lặng hiếm hoi để người dân trở lại với công việc thường nhật. Từng dòng người xếp hàng dài để mua lương khô, quần áo rét và những nhu yếu phẩm cho gia đình.
Nhưng chỉ 36 giờ sau, (đêm 26/12), ngay sau Giáng sinh 1 ngày, Mỹ lại tiếp tục rải bom B52 xuống Hà Nội. Toàn thành phố mất điện, còi báo động liên tục vang lên. Mọi người chạy xuống hầm trú ẩn. Dân quân, tự vệ sẵn sàng chiến đấu… Ông Trần Quang Phong - dân quân tự vệ khu phố Khâm Thiên khi đó nhớ lại: đêm 26/12, địch ném bom điên cuồng xuống Hà Nội. Còi báo động, người dân xuống hầm trú ẩn. Dọc con phố nhiều nhà đổ, sập, hè phố để đầy quan tài. Trong phút chốc, loạt bom đã cướp đi sinh mạng của 287 người dân vô tội, 178 đứa trẻ bỗng chốc trở thành mồ côi.
Khu phố Khâm Thiên tan hoang sau trận ném bom của Mỹ. |
Ông Nguyễn Văn Cầu vẫn nhớ như in những ngày tháng đau thương đó.
"Đêm 18/12 địch đánh ở Ga Yên Viên, đêm 21/12 thì đánh Ga Hàng Cỏ, 22/12 đánh Bệnh viện Bạch Mai. Khoảng 11h kém 15 phút đêm 25/12 thì báo động. Còi rú lên, tôi được lệnh lên số nhà 75 phố Hàng Bồ, có 2 phân xưởng in báo trên đấy. Lên tới nơi thấy súng bắn chung quanh 4 phía, sáng rực lên. Lúc báo in rồi, tôi xin phép về nhà xem như thế nào. Về đến ngõ, thấy cả khu đã bị bom trải thảm, 41 người chết, toàn hàng xóm, người quen. Vợ tôi và thằng cháu thứ hai mất cả. Nhà ông anh tôi mất một cậu con rể và cô con dâu. Tôi còn bị mất thằng em ruột nữa. Thế là gia đình mất 6 người. Tôi đi tìm vợ thì chỉ còn nửa thân trên. Thằng con chỉ còn mỗi cái chân. Tôi nhận ra được vì nó có cái sẹo bị bỏng ngày xưa. Thằng em chẳng thấy đâu. Lúc bấy giờ chỉ nhặt nhạnh cho vào túi nylon", ông Cầu ngậm ngùi.
Ông Nguyễn Văn Cầu mất đi 5 người thân trong trận bom tháng 12/1972. |
Sau đợt ném bom, phố Khâm Thiên tan hoang. Toàn bộ 6 khối phố bị xóa sạch, gần 2 nghìn ngôi nhà bị đánh sập, bom đạn đã cướp đi sinh mạng và làm thương hàng trăm người dân vô tội. Trong đó có những người con của bà Nguyễn Thị Mão, ngõ Sâm Quần, Khâm Thiên. Khi biết tin Mỹ ngừng ném bom ngày Giáng sinh, con dâu và con trai lớn của bà tranh thủ từ Lai Xá, Hoài Đức trở về lấy lương thực và trông nom nhà cửa. Nhưng lời hứa mang lương thực về cho mẹ cùng các em mãi mãi không thực hiện được, bà Mão nghẹn ngào.
Con phố Khâm Thiên, Hà Nội giờ chỉ còn duy nhất tấm bia tưởng niệm là dấu tích còn sót lại sau trận Mỹ rải bom B52 ngày 26/12/1972. Tấm bia đó người dân vẫn thường gọi là "bia căm thù". Mỗi lần đi qua đây, bà Nguyễn Thúy Nga - một người dân ở Khâm Thiên đều cúi đầu tưởng nhớ những người con Hà Nội đã ngã xuống.
"Bất kỳ đi qua một tượng đài liệt sĩ nào và với tượng đài Khâm Thiên nói riêng, tôi cũng cúi đầu và nhắc các cháu là hãy cúi đầu để tưởng nhớ, trân trọng vong linh của những liệt sĩ, những người dân đã hi sinh, để ghi ơn trong lòng mình sự đóng góp của những người dân thường cũng như của những liệt sĩ mang lại cho mình được sống ngày hôm nay. Tôi nghĩ rằng đó là điều mà thế hệ trẻ nên giữ gìn" - bà Nga trải lòng.
Đài tưởng niệm tại phố Khâm Thiên. |
Biết bao mùa Giáng sinh an lành đã trôi qua, những căn hầm trú bom xưa đã được lấp kín, những đổ nát ngày nào giờ là đã được xây dựng lại. Người người háo hức đón chờ đêm Chúa giáng sinh. Trong niềm vui ấy, người Hà Nội không quên những thời khắc lịch sử bởi có những hi sinh, những đau thương mất mát ngày ấy mới có hòa bình hôm nay./.