Ngư dân Quỳnh Lưu chuẩn bị hải sản phục vụ Tết Nguyên đán
(Baonghean.vn) - Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán, tranh thủ những chuyến tàu về, ngư dân vùng biển Quỳnh Lưu đang hối hả sơ chế các loại cá, mực, chuẩn bị nhiều kho đông lạnh để cất trữ hàng hóa, đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Gia đình chị Trần Thị Hoàn là hộ kinh doanh và chế biến hải sản lâu năm tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu. Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ biển sẽ tăng cao vào dịp cuối năm, thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng 2 tháng, chị Hoàn đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để thu mua các loại hải sản như mực khô, cá thu, tôm tươi, mực tươi, sơ chế, phân loại và đóng gói cất trữ trong kho đông lạnh.
Nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng cao vào dịp cuối năm. Ảnh: Như Thủy |
Trung bình 1 tháng gia đình chị thu mua và xuất bán khoảng 2 tấn hải sản các loại, nhưng riêng vào dịp Tết nhu cầu tăng gấp 3 đến 4 lần. Do vậy, để đảm bảo chất lượng hải sản tươi ngon, gia đình chị đã đầu tư 2 kho đông lạnh để bảo quản hàng hóa lâu hơn và giữ được độ tươi.
Các hộ kinh doanh ở huyện Quỳnh Lưu phân loại, đóng gói mực khô cất trữ phục vụ thị trường Tết. Để giữ hải sản được tươi ngon, người dân thường bọc kín cá bằng báo hoặc giấy, đóng thùng xốp, rồi bỏ vào kho đông lạnh. Ảnh: Hồng Diện |
Ông Nguyễn Văn Thắm - hộ sản xuất nước mắm ở xã Sơn Hải cho biết: Nhằm đáp ứng đủ, kịp thời các đơn hàng thì trước Tết khoảng 30 ngày, khi mắm cá các loại như cá đốm, cá trỏng được ủ đủ thời gian gần 2 năm, các hộ sản xuất tiến hành chắt lọc để tích trữ trong các thùng lớn.
Để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao nhất, người dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất. Từ khâu lựa chọn nguồn cá tươi không qua ướp đá, muối biển, gia vị làm thính đều phải chuẩn và kể cả thời gian của việc phơi, đảo mắm dưới ánh nắng mặt trời, giúp cho cá chín đều, dậy mùi hương. Nhờ đó, nước mắm ở huyện Quỳnh Lưu có hương vị đặc trưng, thơm ngon, màu sắc đẹp, an toàn, được thị trường ưa chuộng.
Toàn huyện có 5 địa phương có làng nghề chế biến nước mắm truyền thống, với hơn 2.000 hộ làm nghề. Ảnh: Như Thủy |
Hiện nay, không chỉ cơ sở chế biến hải sản mà các làng nghề chế biến nước mắm ở huyện Quỳnh Lưu cũng đang hối hả chuẩn bị hàng Tết. Toàn huyện có 5 địa phương có làng nghề chế biến nước mắm truyền thống, với hơn 2.000 hộ làm nghề. Trung bình 1 năm, huyện Quỳnh Lưu chế biến khoảng 40 triệu lít nước mắm các loại.
Với khối lượng tàu thuyền có công suất lớn với hơn 800 phương tiện, mỗi năm ngư dân huyện Quỳnh Lưu đã cung cấp cho thị trường nguồn hải sản phong phú, với sản lượng trên 80 ngàn tấn. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết bất lợi, giá xăng, dầu tăng cao nên ngư dân ra khơi gặp không ít khó khăn, tổng sản lượng khai thác cả năm ước đạt 75.000 tấn với giá trị thu về khoảng 3.000 tỷ đồng.
Để nâng cao giá trị các mặt hàng hải sản, huyện Quỳnh Lưu đã quan tâm chỉ đạo các xã vùng biển tuyên truyền, vận động ngư dân tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ vào chế biến sản phẩm như cá khô, mực khô, tôm sấy khô để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Trung bình giá trị hàng hóa sau khi được chế biến sẽ tăng từ 20 - 30% so với hàng tươi.
Trung bình 1 năm bà con huyện Quỳnh Lưu chế biến khoảng 40 triệu lít nước mắm các loại. Ảnh: Hồng Diện |
Bà Vũ Thị Bích Hằng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết: Nhằm chuẩn bị nguồn hải sản phong phú trong dịp Tết Nguyên đán, bà con vùng biển đã tích cực vươn khơi bám biển, khai thác nhiều loại hải sản có giá trị cao và đều được trữ đông tốt ngay tại thời điểm đánh bắt. Những mặt hàng đặc trưng ở huyện Quỳnh Lưu như: Mực khô, mực câu một nắng, tôm sấy, cá thu nướng, cá chỉ vàng, cá lệch xay, cá thửng, cá chim, cá trỏng... đều là hải sản có lượng tiêu thụ dịp Tết rất cao, gấp 3 - 5 lần so với ngày thường.
Hiện nay, các sản phẩm hải sản chế biến của ngư dân huyện Quỳnh Lưu được đánh giá có chất lượng thơm ngon và tiêu thụ ở khắp các tỉnh trong cả nước. Tuy nhiên, để tăng giá trị các loại hải sản, huyện Quỳnh Lưu đang định hướng bà con ngư dân chú trọng vào khâu chế biến, chất lượng sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tiến tới xây dựng đạt tiêu chuẩn OCOP. Từ đó, có thể quảng bá thương hiệu cũng như tạo hành lang pháp lý để các mặt hàng đặc sản của ngư dân tiếp cận với thị trường xuất khẩu, tăng thu nhập cho người dân...