Quanh chuyện dịch văn học Việt: Ý kiến người trong cuộc

Lan Khuê 29/12/2022 10:49

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, một số tác phẩm được chuyển ngữ, giới thiệu trên các báo, tạp chí nước ngoài thông qua kênh cá nhân hoặc nhóm dịch giả. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến trái chiều về hoạt động “xuất khẩu” văn chương Việt Nam theo kênh này.

Phóng viên có cuộc trao đổi với nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu - Ủy viên Ban Đối ngoại - Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội xung quanh vấn đề nêu trên.

Dịch giả Kiều Bích Hậu. Ảnh: NVCC

P.V: Thưa nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu, những năm qua, chúng ta không còn xa lạ với cụm từ “công dân toàn cầu”. Chị có nghĩ đã đến lúc văn chương Việt Nam cần xúc tiến nhiều hoạt động hơn nữa để ngày càng nhiều tác phẩm vượt ra khỏi biên giới quốc gia trở thành sản phẩm của khu vực và toàn cầu?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Từ năm 2012, khi xuất bản đến cuốn sách thứ tư, tôi đã nghĩ, làm thế nào để xuất bản tác phẩm ở nước ngoài? Quy trình ra sao? Tôi mong muốn được biết độc giả ngoài nước sẽ có phản ứng như thế nào với tác phẩm của mình. Rồi cũng đến lúc tôi có tác phẩm được đăng trên báo chí nước ngoài, có tập thơ đầu tiên song ngữ Anh - Ý với tựa đề “Ẩn số” xuất bản ở Ý, do nhà thơ Laura Garavaglia (người Ý) chuyển ngữ. Niềm vui lớn lao ấy khiến tôi nhận ra rằng, tôi đã mở được một cánh cửa ước mơ.

Khi tham dự một diễn đàn văn học ở nước ngoài, tôi thấy bạn văn quốc tế đều có “vốn liếng” ít nhất 5 cuốn sách được xuất bản bằng 5 thứ tiếng khác nhau, trong khi mình mới có 1 cuốn, thì tôi bắt đầu đặt mục tiêu cho mình. Việc này tôi làm là quá muộn! Rồi vào năm 2019, khi cần thu thập tác phẩm cho một cuốn hợp tuyển thơ văn Việt Nam - Ấn Độ, tôi tìm đỏ mắt không được tác phẩm đạt yêu cầu mà đã có phiên bản tiếng Anh.

Đứng trên diễn đàn quốc tế, ta chẳng có gì để nói, để minh chứng với bạn văn. Quá muộn và quá thiếu tác phẩm được chuyển ngữ, trong khi văn chương Việt Nam đương đại không thiếu tác phẩm xứng đáng để dịch. Hầu như các nhà văn Việt Nam chưa ý thức việc mình cần chuyển ngữ sẵn tác phẩm của mình sang tiếng Anh, Pháp… để quảng bá ra nước ngoài. Đây không đơn thuần là làm tên tuổi cho mình, mà là nghĩa vụ của nhà văn trong việc đối ngoại văn hóa, góp phần vào việc giúp quốc tế hiểu Việt Nam, tin tưởng và có thiện cảm với Việt Nam sâu sắc qua tác phẩm văn chương.

Cuốn "Nỗi buồn chiến tranh" của nhà văn Bảo Ninh được xuất bản bằng tiếng Anh, năm 1993.

P.V: Và chính từ thực trạng, mong muốn đó, Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội đã ra đời? Chị có thể chia sẻ thêm về cách thức hoạt động của nhóm nữ dịch giả cũng như tiêu chí chọn lựa tác phẩm, tác giả Việt Nam để quảng bá ra nước ngoài?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Đúng vậy. Tôi bắt đầu làm việc này âm thầm trong khoảng 1 năm thì thấy rằng lượng công việc ngày một nhiều hơn, làm không xuể. Mỗi ngày tôi đều phải dành ra hơn một tiếng để trau dồi kiến thức thần học, triết học để có thể trò chuyện với các nhà văn thế giới và hiểu hết tinh thần của họ. Dành hơn tiếng đồng hồ nữa để kết nối, trao đổi thông tin. Sau đó dịch tác phẩm, tìm các báo chí trong nước phù hợp để xuất bản tác phẩm đã dịch. Tiếp đó là dịch ngược tác phẩm trong nước để xuất bản nước ngoài.

Tôi cần thêm người chung sức. May mắn thay, tôi đã kết nối được 4 thành viên khác, họ đều là những nhà thơ, nhà văn, giáo viên có vốn tiếng Anh tốt, ở Việt Nam hoặc nước ngoài, hiểu chí hướng của tôi và đồng hành. Song song đó, chúng tôi kết nạp các cộng tác viên là những dịch giả trong nước, nước ngoài, các biên tập viên nước ngoài chung tay góp sức…

Trước tiên, họ là các Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc Hội viên của Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, có tác phẩm đã xuất bản trong nước. Tác phẩm chọn dịch cũng vừa cần có tinh thần dân tộc, vì con người và phẩm giá con người, mà tư tưởng và cách thể hiện không quá xa lạ với tinh thần văn hóa chung nhân loại.

P.V: Vậy thì trách nhiệm và quyền lợi của những tác giả có tác phẩm được chọn dịch, giới thiệu là gì?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Trách nhiệm của tác giả là họ phải đảm bảo về mặt tác quyền, tự đầu tư dịch tác phẩm sang tiếng nước ngoài, sau đó chuyển bản dịch và bản gốc cho Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội xem xét, khi thấy đạt thì chúng tôi gửi cho biên tập viên báo chí nước ngoài. Họ hiệu đính xong thì xuất bản tác phẩm. Quyền lợi của tác giả là được quảng bá (miễn phí) tác phẩm của mình trên các tạp chí, báo in, tạp chí điện tử và các nền tảng văn học nước ngoài. Tác giả vẫn giữ bản quyền sở hữu tác phẩm gốc bằng tiếng mẹ đẻ, và dịch giả cũng có quyền đứng tên (cùng với tác giả) trên bản dịch tác phẩm sang tiếng nước ngoài.

Các tác giả có tác phẩm được giới thiệu trên tạp chí NEUMA của Romania.

P.V: Thời gian qua, có những ý kiến trái chiều, tỏ ra băn khoăn, thậm chí là nghi ngờ về mục đích, thù lao cho người dịch thuật, chất lượng bản dịch, độ uy tín và sức lan tỏa của các báo, tạp chí nước ngoài đăng tải tác phẩm mà Nhóm giới thiệu? Chị có thể làm sáng tỏ điều này?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Có một số báo chí viết bài khen ngợi, động viên thành quả của Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến trái chiều. Chúng tôi tiếp thu và điều chỉnh khi thấy ý kiến góp ý có tính xây dựng. Mục đích của Nhóm là cải thiện tình trạng thiếu trầm trọng tác phẩm văn học Việt Nam được chuyển ngữ sang các ngôn ngữ mạnh của thế giới. Chúng tôi khá tự hào là đã giúp được hơn 100 tác giả Việt Nam có trong tay ít nhất 1 đến 5 tác phẩm đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh, Pháp, Hàn, Đức, Hungary, Romania, Nga, Uzbek…

Về chất lượng bản dịch, nếu có ai đó chỉ ra thật cụ thể bản dịch nào của Nhóm là thiếu chất lượng thì chúng tôi sẵn sàng ngồi lại trao đổi với họ. Thù lao dịch thuật hiện nay thì Nhóm đang tính với mức phí hỗ trợ cho tác giả. Nhiều tác giả được Nhóm dịch tác phẩm cho họ mà không tính thù lao do đó là tác giả đã qua đời, hoặc do họ có khó khăn, hoặc đang trong tình trạng sức khỏe tồi tệ, hay là do có mối quan hệ anh em thân tình và đang đồng hành với chúng tôi…

Về độ uy tín và sức lan tỏa của các báo, tạp chí nước ngoài mà Nhóm đang cộng tác, thì có những tạp chí đã có trên thị trường nhiều năm, và thậm chí còn được nhà nước Romania hỗ trợ kinh phí in như Tạp chí NEUMA (tạp chí in) của Romania, Tạp chí Humanity của Nga (in) cũng có lượng bạn đọc trên toàn cầu, Tạp chí điện từ Poliz của Hy Lạp có 22.000 bạn đọc thường xuyên.

P.V: Quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài là công việc dài hơi, rất quan trọng trong tiến trình hội nhập văn hóa, nhưng để đạt được hiệu quả tối ưu, bền vững chắc hẳn phải cần đảm bảo nhiều yếu tố? Theo chị, những yếu tố ấy là gì?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Điều quan trọng nhất là chúng ta cần thay đổi tư duy về hoạt động quảng bá văn học Việt Nam. Cùng với đó, cần đầu tư xứng tầm về kinh phí, đẩy mạnh công tác đào tạo dịch giả trong nước, kết nối với các dịch giả nước ngoài, thành lập nhà xuất bản, các giải thưởng chuyên biệt cho lĩnh vực dịch thuật, tổ chức quảng bá thật sâu đậm cho một vài tác giả Việt Nam đương đại tiêu biểu, có những tác phẩm giá trị hướng tới các giải thưởng danh giá của thế giới như Nobel, Pulitzer, Man Booker quốc tế…

P.V: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Lan Khuê