Thực chất, hiệu quả trong chuyển đổi số
(Baonghean.vn) - Dấu mốc quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số ở Nghệ An năm 2022 là lần đầu tiên, tỉnh ban hành hoàn chỉnh chủ trương, lộ trình, giải pháp cụ thể về chuyển đổi số; qua đó, bước đầu tạo nhiều chuyển biến hết sức tích cực, thực chất.
Nhiều cách làm mới, sáng tạo
Xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) là 1 trong 3 đơn vị cấp xã trong tỉnh được lựa chọn thực hiện mô hình thí điểm về chuyển đổi số cấp xã. Đến nay, sau 6 tháng triển khai, UBND xã Minh Hợp có 122 thủ tục hành chính cung cấp trên hệ thống; 100% văn bản chỉ đạo điều hành đều thông qua phần mềm (ứng dụng) quản lý văn bản và điều hành.
Xã đã tạo bước chuyển biến rõ nét trong tiến trình chuyển đổi số, đặc biệt về chính quyền số; giúp người dân thuận tiện hơn trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Lãnh đạo chính quyền nắm tình trạng xử lý công việc của các hồ sơ được dễ dàng hơn và có cái nhìn tổng quát hơn về hoạt động chung".
Cán bộ Phòng Tư pháp UBND huyện Quỳ Hợp tìm kiếm thông tin trên thư viện điện tử. Ảnh tư liệu: KL |
Ngày 12/12 vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Đề tài: “Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và đề xuất giải pháp, mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An” thực hiện tại 3 xã: Minh Hợp (Quỳ Hợp), Khánh Hợp (Nghi Lộc) và Thành Sơn (Anh Sơn). Kết quả cho thấy, các địa phương đã triển khai tốt hơn các ứng dụng dùng chung. Người dân thuận tiện hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Cán bộ, công chức xã chủ động hơn trong xử lý hồ sơ. Các dịch vụ về giáo dục số, y tế số, thanh toán không dùng tiền mặt đã giúp chính quyền và người dân có công cụ tiện lợi, nhanh gọn, chính xác hơn.
Còn tại huyện Thanh Chương, thực hiện chuyển đổi số, UBND huyện đã ký kết phối hợp với VNPT Nghệ An và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn để triển khai. Thực hiện đồng bộ trên cả 3 trụ cột là: Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số; song giai đoạn hiện nay, Thanh Chương đang tập trung mạnh vào công tác xây dựng chính quyền số thông qua ứng dụng triệt để các tiện ích của hệ thống về quản lý văn bản và điều hành, thực hiện chữ ký số và đẩy mạnh triển khai các dịch vụ trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4, đặc biệt là các dịch vụ công về tư pháp vốn liên quan nhiều đến người dân.
Ứng dụng tương tác số Thanh Chương (huyện Thanh Chương). |
Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương - Trình Văn Nhã cho biết: 234 xóm trên địa bàn huyện đều đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn người dân chuyển đổi số. Mục tiêu đến hết năm 2022 là mỗi gia đình có ít nhất một tài khoản trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Huyện cũng đã ra mắt hệ thống phản ánh tương tác trực tuyến giữa người dân và chính quyền có thể cài đặt trên điện thoại thông minh.
Chuyển đổi số cũng được triển khai mạnh mẽ ở các sở, ngành của tỉnh như: Sở Y tế đã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn ngành; Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai hệ thống “Quản lý học tập trực tuyến” tại 95% trường học. Nghệ An cũng đã ra mắt Ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hành động cụ thể, quyết liệt hơn
Chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là xu hướng tất yếu. Năm 2022 Nghệ An đã có những bước đi quyết liệt ngay từ đầu năm để hòa nhập với xu hướng này. Theo đó, tỉnh đã chọn đây là năm chuyển đổi số nhằm thống nhất ý chí, hành động của cả hệ thống chính trị và người dân.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thực hiện nghi thức công bố Ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Duy |
Ngày 5/8/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; trọng tâm là phát triển cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số; gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp; phấn đấu luôn giữ vị trí thuộc nhóm 25 - 30 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về chuyển đổi số.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025. Với các giải pháp trên, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là của người đứng đầu các cấp, các cơ quan, đơn vị và cả người dân về chuyển đổi số được định hình, nâng cao hơn. Các sở, ban, ngành, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và 21 huyện, thành, thị đều xây dựng kế hoạch và đang từng bước thực hiện các nội dung.
Mặc dù còn nhiều việc phải thực hiện song từ nhận thức rõ hơn nên đã hành động cụ thể, quyết liệt hơn, kết quả thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số tại tỉnh ta theo đó bước đầu mang lại tương đối rõ nét, thực chất hơn”.
Lãnh đạo tỉnh trao đổi, làm việc với cán bộ xã thông qua hệ thống họp trực tuyến tương tác hai chiều. Ảnh: Thành Duy |
Năm 2023, Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành về chuyển đổi số trên các lĩnh vực theo Nghị quyết số 09; tăng cường công tác tuyên truyền về chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tiếp tục triển khai Đề án thí điểm xây dựng đô thị thông minh tỉnh Nghệ An; vận hành có hiệu quả Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh; đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát an toàn thông tin và an ninh mạng.
Đặc biệt, tỉnh sẽ đưa vào vận hành kho cơ sở dữ liệu dùng chung, từng bước tạo lập, kết nối các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào kho cơ sở dữ liệu chung của tỉnh để chia sẻ, dùng chung theo quy định; khai thác, vận hành hiệu quả hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh kết nối với Trung ương (trục kết nối liên thông, hệ thống quản lý danh mục dùng chung, định danh điện tử, hệ thống giám sát, cơ sở dữ liệu dùng chung,...); giám sát, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các quy định của Chính phủ về đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Mặt khác, Nghệ An cũng sẽ đưa vào sử dụng phần mềm phục vụ đánh giá Chỉ số chuyển đổi số của sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh; nhân rộng mạng lưới Tổ công nghệ số cộng đồng và triển khai nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới cho các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.