Trò chuyện với chàng trai 'hút đinh' xuyên Việt

Diệp Thanh 02/01/2023 19:13

(Baonghean.vn) - Đam mê du lịch và mong muốn được chia sẻ chính là động lực khiến Trần Đức Trung (SN 1989), quê ở huyện Quỳnh Lưu quyết định thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt, hút đinh (sắt) trên đường ở 63 tỉnh, thành.

Với mong muốn người rải đinh trên đường hãy dừng việc làm đó lại để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Trên hành trình có phần khác người của mình, anh đã được nhận và đã trao đi rất nhiều yêu thương. Phóng viên Báo Nghệ An có dịp gặp và trò chuyện với Trần Đức Trung.

P.V: Những tháng vừa qua, cái tên “Trần Đức Trung” và từ khóa “hút đinh” trở nên rất phổ biển và được chia sẻ rộng rãi trên thông tin đại chúng. Anh có thể chia sẻ mục đích của mình khi thực hiện hành trình này không?

Trần Đức Trung: Năm lớp 9, sau một lần chứng kiến hành động cứu người đuối nước của bạn mình, tôi ấp ủ mong muốn sau này có thể làm thật nhiều việc tốt để giúp mọi người. Đó là lý do tôi dành nhiều thời gian cho các hoạt động thiện nguyện, từ những việc nhỏ như hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, thành lập nhóm thiện nguyện, tham gia các hoạt động cộng đồng tại địa phương…

Hành trình của anh Trung xuất phát từ cột mốc 0001 Đất mũi Cà Mau. Ảnh: NVCC

Bên cạnh thiện nguyện, du lịch cũng là một đam mê lớn của tôi. Tôi từng nói vui rằng: “Hãy đi hết Việt Nam trước khi trở thành U60” với suy nghĩ, hãy đi thật nhiều khi còn có thể. Trước khi thực hiện chuyến đi này, tôi đã đi phượt bằng xe máy đến 30 tỉnh, thành trên khắp đất nước. Tuy nhiên, du lịch bằng xe máy khiến tôi có cảm giác trải nghiệm của mình khá hời hợt và tốn kém.

Năm 2021, sau khi tham khảo một vài người bạn cùng đam mê, tôi quyết định thực hiện chuyến đi bộ qua 63 tỉnh, thành với quãng đường khoảng 20.000 km. Để hành trình của mình ý nghĩa hơn, tôi kết hợp đi bộ với việc hút đinh và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mình gặp trên đường đi.

P.V: Được biết, theo kế hoạch, hành trình của anh sẽ kéo dài qua 3 cái Tết. Anh đã chuẩn bị những gì cho chuyến đi đặc biệt này và có gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu không?

Trần Đức Trung: Trước khi bắt đầu hành trình, bản thân tôi đã cân nhắc rất kỹ, tính toán đến mọi tình huống có thể xảy ra và trang bị cho mình đủ quyết tâm, kỹ năng cũng như sức khỏe. Một lịch trình chi tiết được vạch ra, từ số km trong những ngày đầu tiên, đến số tiền dự phòng trong người, từ đặc điểm khí hậu từng địa danh, đến thời gian lưu trú…

Anh Trung tự nấu ăn trong suốt chuyến đi để không làm phiền mọi người. Ảnh: NVCC

Là con trai cả, cũng là con trai duy nhất trong nhà, tôi phải vượt qua sự phản đối của gia đình nữa. Họ hàng, bạn bè của tôi cũng ngăn cản và cho rằng, nguyện vọng của tôi là gàn dở. Tôi hiểu lý do mọi người không ủng hộ, nhưng tôi cũng hiểu rằng, đây là thời điểm thích hợp nhất để tôi thực hiện chuyến đi của đời mình.

Khi cảm thấy đã sẵn sàng, tôi thiết kế xe hút đinh, đóng gói những món đồ thiết yếu như quần áo, nồi niêu, lều bạt… và bắt xe vào đất mũi Cà Mau để đi ngược ra phía Bắc.

Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng tôi vẫn gặp những khó khăn mà bản thân không lường trước được. Trong 2 ngày đầu tiên, với tổng quãng đường 27 km, 2 chân tôi bắt đầu nhức mỏi. Đến ngày thứ 5 thì tê buốt phần đầu gối, vừa đi vừa phải tì vào xe để đỡ đau. Đến ngày thứ 15, 2 bàn chân phồng rộp vì bỏng nước…

Nhưng cũng từ ngày thứ 15, khi đã quen với hành trình, chân tôi chỉ đau khi dừng đi. Sau khi đi qua tỉnh, thành thứ 13, thì tôi hoàn toàn tự tin vào sức khỏe của mình, kể cả khi phải đẩy chiếc xe gần 100 kg đi qua những vùng nhiều dốc hoặc gió lớn.

Với quan điểm tự đi, tự túc, hạn chế làm phiền người khác, nên tôi chỉ xin nhờ tắm, giặt nhà dân vào ban ngày và thường dựng lều ngủ ngoài đường vào ban đêm. Việc này cũng dẫn đến những tình huống thiếu an toàn, bị kẻ xấu dòm ngó. Rất may cho đến thời điểm này, vì có kinh nghiệm từ trước và luôn cảnh giác nên tôi vẫn làm chủ được các tình huống như vậy.

Số đi sắt hút được dọc đường được anh Trung tặng lại cho những người thu gom phế liệu. Ảnh: NVCC

P.V: Đã đi qua hơn 20 tỉnh, thành và cập nhật, chia sẻ clip về hành trình mỗi ngày trên các nền tảng mạng xã hội, anh mong muốn có thể lan tỏa điều gì qua những clip đó?

Trần Đức Trung: Tôi cho rằng, giá trị lớn nhất mà tôi nhận được trên hành trình này chính là sự yêu thương: Sự yêu thương tôi được nhận từ mọi người và sự yêu thương tôi được chứng kiến mọi người dành cho nhau.

Ngay trong ngày đầu ở tỉnh Cà Mau, trong điều kiện thời tiết mưa gió lớn, tôi đã nhận được sự yêu thương đó. Nhìn chiếc xe của tôi, một cặp vợ chồng lớn tuổi đã tò mò và chủ động bắt chuyện. Sau khi nghe tôi chia sẻ, hai bác nằng nặc bắt tôi vào nhà ngủ.

Tối ngày thứ 2, mưa vẫn rất lớn, hai bác gọi điện thoại hỏi thăm tôi đi đến đâu, có an toàn không. Sang ngày thứ 3, khi tình cờ gặp lại ở thành phố Cà Mau, hai bác đã rất xúc động, vẫy tay theo tôi mãi…

Rồi thì một đôi vợ chồng trẻ với đứa con trai chạy cả quãng đường dài để tặng tôi nước và sữa, rất nhiều người đuổi theo xe tôi chỉ để tặng suất cơm, một bạn công nhân đón đường tôi cả buổi để tặng tôi lốc nước, những em học sinh phụ tôi đẩy xe hàng km…

Xúc động nhất là câu chuyện một người phụ nữ nhặt ve chai năm lần, bảy lượt năn nỉ tôi nhận 50.000 đồng hỗ trợ từ chị. Từ chối không được, tôi đành phải đồng ý nhận số tiền đó và dùng nó tặng lại cho những hoàn cảnh khó khăn khác. Người ta sẵn sàng cho đi, kể cả khi bản thân họ còn vô cùng vất vả.


Những vật chất nhận được từ mọi người được tôi chia sẻ lại cho những hoàn cảnh khó khăn mà mình gặp trên đường đi. Đó có thể là một gia đình neo đơn, một em nhỏ mồ côi hoặc những gia cảnh đáng thương trong xóm chạy thận… Sự chia sẻ này cũng chính là lý do lớn nhất khiến tôi cảm thấy hành trình của mình ý nghĩa.

P.V: Với những gì đã và đang làm và từ những trải nghiệm của bản thân, anh định hướng gì cho tương lai?

Trần Đức Trung: Tôi luôn tâm niệm, cuộc sống này là của chính mình và trong cuộc sống luôn có hạnh phúc, quan trọng là mình phải đi tìm hạnh phúc đó bằng chính ý chí và nghị lực.

Anh Trần Đức Trung trao quà cho những bệnh nhân ở xóm chạy thận tại Bình Phước. Ảnh: NVCC

Trên hành trình tìm hạnh phúc đó, hãy tranh thủ mọi cơ hội để trải nghiệm và học hỏi mỗi ngày để không phải hối hận vì sống hoài, sống phí. Bản thân tôi đã gặp nhiều người tài năng, nổi tiếng, tích lũy nhiều bài học quý, có thêm nhiều kinh nghiệm sống, hiểu hơn về văn hóa, con người các vùng, miền… trong chuyến đi “gàn dở” của mình. Và tôi tin những gì mình tích lũy được sẽ giúp tôi rất nhiều trong tương lai, có ích cho những kế hoạch phát triển dịch vụ du lịch tại địa phương.

P.V: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Số đi sắt hút được dọc đường được anh Trung tặng lại cho những người thu gom phế liệu. Ảnh: NVCC

Tính đến đầu tháng 1/2023, tổng số đinh, sắt mà Trần Đức Trung hút được tại 21 tỉnh, thành anh đã đi qua là gần 20 kg.

Diệp Thanh