Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng

Thành Duy 04/01/2023 12:50

(Baonghean.vn) - Đây là một trong các nhiệm vụ được đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đặt ra khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Nội chính Đảng.

Sáng 4/1, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Nội chính Đảng.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng dự, chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, lãnh đạo các ban Đảng Trung ương, cơ quan Trung ương.

Đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương và các đồng chí Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương đồng chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Đức Cường - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Hồ Lê Ngọc - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành trong khối Nội chính.

SỐ VỤ VIỆC CHUYỂN SANG CƠ QUAN ĐIỀU TRA TĂNG GẤP 2 LẦN

Năm 2022, ngành Nội chính Đảng đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, đảm bảo hài hòa 3 mảng: Nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

Toàn ngành đã xây dựng 7 đề án lớn (nếu tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay là 17 Đề án) trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành “Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”.

Song song với Đề án này, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị giao cho Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng các đề án kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; trong quản lý tài chính, tài sản công cũng sẽ được Bộ Chính trị thông qua vào đầu năm 2023. Ba quy định này sẽ góp phần rất quan trọng vào việc hoàn thiện thể chế chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và ngành dự hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Điểm nhấn khác trong năm 2022 là Đề án thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh đã được Ban Chấp hành Trung ương thống nhất thông qua tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII); tạo ra dấu ấn rất quan trọng về việc hình thành bộ máy, tổ chức, lực lượng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp địa phương và cơ sở.

Toàn ngành đã chủ động theo dõi, nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan Nội chính tham mưu cho Đảng, Nhà nước chỉ đạo, xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Trong năm qua, các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, đem lại nhiều kết quả đáng kể, số vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra xử lý 646 vụ, tăng gấp 2 lần.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan tố tụng tham mưu đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo 10 vụ việc, vụ án, trong đó có nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp xảy ra trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín như: Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, AIC…; tham mưu đường lối xử lý bảo đảm nghiêm minh, không có vùng cấm, nhưng có tính nhân văn, có lý, có tình, nhất là vụ án liên quan đến Công ty Việt Á được dư luận đồng tình.

Lãnh đạo các ban, ngành dự hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Ngành cũng đã tham mưu chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án tham nhũng. Chỉ tính riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, trong năm đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản trị giá trên 160.000 tỷ đồng; cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được 27.400 tỷ đồng, tăng gần 18.000 tỷ đồng so với năm 2021.

Ngoài ra còn phối hợp cùng các cơ quan liên quan tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử 63 vụ án, xử lý 45 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

E NGẠI THỰC THI CÔNG VỤ LÀ THÁI ĐỘ TIÊU CỰC

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao và biểu dương những thành tích mà ngành Nội chính Đảng đạt được trong năm 2022.

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tuy nhiên, bối cảnh có nhiều khó khăn, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu, ngành Nội chính Đảng cần chủ động, tích cực nghiên cứu tham mưu với Đảng các chủ trương, định hướng lớn về công tác Nội chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Trong đó nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; nghiên cứu, đề xuất cơ chế bảo vệ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;…

Ngành cũng cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương và ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Nội chính Trung ương cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương tham mưu xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh yêu cầu tập trung tham mưu chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và các tập đoàn, công ty: FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, AIC…

Đồng thời tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; tập trung xử lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Các đại biểu theo dõi hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Trước thực trạng cán bộ có tâm lý e ngại trong thực thi công vụ, Thường trực Ban Bí thư khẳng định, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là trừng trị cái xấu, nhưng đồng thời khuyến khích người làm đúng, làm tốt, thúc đẩy phát triển.

Còn để xảy ra tâm lý e ngại trong thực hiện công việc phải nhận định rằng, đó là thái độ tiêu cực, các cấp ủy phải lưu ý để khắc phục điểm này. Ban Nội chính và các ban Đảng phải tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả, không để những tư tưởng tiêu cực đó hình thành, len lỏi, lấy lý do đó làm chậm trễ công việc của Đảng, của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng yêu cầu, cùng với tăng cường phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; phải hết sức coi trọng, chủ động hơn nữa trong công tác phòng ngừa sai phạm; tiếp tục tham mưu có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài;…

Thành Duy