Nghệ An: Tiếp tục tăng cường nguồn lực cho tín dụng chính sách

Thu Huyền 05/01/2023 16:18

(Baonghean.vn) -  Năm 2022, tín dụng chính sách tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An, giúp cho 23,8 ngàn hộ nghèo và hộ cận nghèo thoát nghèo.

Chiều 5/1, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức phiên họp thường kỳ lần thứ 74 đánh giá kết quả hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh chủ trì hội nghị.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Thu Huyền

78.688 hộ nghèo, đối tượng chính sách được cấp vốn tín dụng ưu đãi

Năm 2022, hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Bám sát chỉ đạo của cấp trên, Ban đại diện Hội đồng quản trị đã lãnh đạo, chỉ đạo Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2022.

Đến ngày 31/12/2022, tổng nguồn vốn đạt 10.878 tỷ đồng/23 chương trình tín dụng chính sách, đạt tốc độ tăng trưởng 12,35%.

Đồ hoạ: Hữu Quân

Doanh số cho vay năm 2022 đạt 3.323 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021. Các chương trình có doanh số giải ngân cao tiếp tục tập trung vào các chương trình có đối tượng và nhu cầu lớn như: Cho vay hộ cận nghèo đạt 977 tỷ đồng, cho vay hộ nghèo đạt 575 tỷ đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 502 tỷ đồng, cho vay tạo việc làm và hỗ trợ việc làm 439 tỷ đồng, cho vay nhà ở xã hội 134,6 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Văn Vinh - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh báo cáo hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ 2023. Ảnh: Thu Huyền

Tổng dư nợ đạt 10.865,8 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 12,36%, hoàn thành vượt mục tiêu tăng trưởng Ban đại diện đề ra (mục tiêu đề ra: 7%-8%).

Trên cơ sở nhu cầu vốn của địa phương, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã cấp vốn tín dụng ưu đãi cho chi nhánh thực hiện các chương trình theo Nghị quyết số 11 trong năm 2022 là 548,4 tỷ đồng/05 chương trình.

Năm 2022, Ngân hàng CSXH Nghệ An đã cấp vốn tín dụng ưu đãi cho 78.688 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tín dụng chính sách tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022, giúp cho 23,8 ngàn hộ nghèo và hộ cận nghèo thoát nghèo. Với những thành tích đạt được, Hội đồng thi đua-khen thưởng Ngân hàng CSXH đã ghi nhận, đánh giá cao kết quả của Chi nhánh Nghệ An và đã xét khen thưởng đơn vị xuất sắc nhất toàn quốc năm 2022.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An Nguyễn Thị Thu Thu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thu Huyền

Quan tâm nguồn vốn cho tín dụng chính sách

Mục tiêu năm 2023: Tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ đạt 7%-8% (dự kiến tăng khoảng 760 tỷ đồng - 870 tỷ đồng). Nhận vốn ủy thác từ nguồn ngân sách địa phương đạt 35 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn huy động thị trường theo chỉ tiêu Trung ương giao. Tỷ lệ thu lãi đạt tối thiểu 95%.

Đồng chí Bùi Thanh An - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Thu Huyền

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Năm 2023, để đạt mục tiêu đề ra, đề nghị Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, cấp huyện tham mưu và chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2030; chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch tín dụng các chương trình đã được giao tăng trưởng ngay từ đầu năm; tiếp tục triển khai kịp thời gói tín dụng chính sách ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022-2023; triển khai chương trình tín dụng chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị định định số 28 của Chính phủ. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW nhằm tăng cường nguồn lực và huy động cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc đối với hoạt động tín dụng chính sách.

Đối với Ngân hàng CSXH cấp tỉnh, cấp huyện làm tốt trách nhiệm tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị tỉnh thực hiện các nhiệm vụ theo Quy chế về thực hiện chế độ sinh hoạt, điều hành phân bổ nguồn vốn, chỉ đạo, giám sát hoạt động tín dụng chính sách. Đẩy mạnh huy động các nguồn vốn đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trong năm 2023, phấn đấu hoàn cơ bản thành mục tiêu tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trước ngày 30/9/2023...

Hàng năm, Ban đại diện, Ngân hàng Chính sách cần có báo cáo kết quả hoạt động với Ban Thường vụ của địa phương. Tăng cường sự phối kết hợp giữa các sở, ban, ngành với các tổ chức nhận uỷ thác, Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc hỗ trợ giúp đỡ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay của các đối tượng chính sách. Gắn hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện trên địa bàn. Tiếp tục rà soát các nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 để thực hiện các chỉ tiêu liên quan hoạt động chính sách.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An

Dịp này, hội nghị cũng cho ý kiến, thông qua tờ trình khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh năm 2022.

Thu Huyền