Tình báo Ukraine: Nga có kế hoạch động viên nửa triệu quân ngay trong tháng này
Tình báo Ukraine dự báo một đơn động viên quân mới, với 500.000 tân binh, sẽ được Moskva công bố vào ngày 15/1.
Ảnh minh họa: TASS |
Moskva sẽ huy động thêm 500.000 tân binh để chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới ở Ukraine - theo phát ngôn viên Cơ quan Tình báo Quân đội Ukraine Vadym Skibitskyi nói với tờ Guardian (Anh) ngày 6/1.
Ông Skibitskyi cho biết một làn sóng huy động mới của Nga sẽ được công bố vào ngày 15/1. Sau đó, Moskva sẽ mất khoảng hai tháng để tập hợp các đội hình quân sự và hiệu quả chiến trường của họ sẽ phụ thuộc vào việc lực lượng tân binh được trang bị và huấn luyện tốt như thế nào.
Theo ông Skibitskyy, chiến dịch huy động mới sẽ tạo điều kiện cho các cuộc tấn công của Nga ở Ukraine vào mùa xuân và mùa hè năm 2023.Hôm 4/1, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cũng cho biết trong bối cảnh chịu tổn thất lớn về nhân sự, Nga đang chuẩn bị cho đợt thứ hai của cái gọi là "động viên một phần" vào quý 1 năm 2023.
Trước đó, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine đã báo cáo rằng đợt huy động quân tiếp theo ở Nga đã được lên kế hoạch diễn ra từ tháng 1 đến tháng 2/2023.
Trong khi đó, các quan chức Nga đã từng phủ nhận rằng Bộ Quốc phòng nước này có kế hoạch chuẩn bị đợt động viên quân thứ hai. Tổng thống Vladimir Putin công khai tuyên bố vào tháng 12 năm ngoái rằng việc huy động đợt mới là "vô nghĩa" khi chỉ mới một nửa số binh sĩ Nga được huy động vào mùa thu năm ngoái đã được gửi ra tiền tuyến ở Ukraine.
Tuy vậy hôm 22/12/2022, Moskva đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm tăng cường quân đội từ 1 triệu lên 1,5 triệu binh sĩ và thành lập nhiều đơn vị mới. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố rằng nước này cần một lực lượng 1,5 triệu người “để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh của Nga”. Ông Shoigu không nói khi nào quân đội sẽ đạt đến quy mô đó.
Bộ trưởng Shoigu cho biết quân đội Nga mở rộng sẽ bao gồm 695.000 binh sĩ hợp đồng tình nguyện, 521.000 người trong số họ sẽ gia nhập hàng ngũ vào cuối năm 2023. Ông thông báo độ tuổi nhập ngũ nghĩa vụ sẽ được thay đổi từ 21 đến 30 (thay vì luật hiện hành là từ 18-27 tuổi), và các tân binh sẽ được lựa chọn giữa việc phục vụ trong một năm với tư cách lính nghĩa vụ hoặc ký hợp đồng với quân đội với tư cách tình nguyện viên.
Quân đội Nga hiện có khoảng 1 triệu binh sĩ, so với lực lượng 2 triệu của Trung Quốc và lực lượng của Mỹ là khoảng 1,4 triệu. Ấn Độ cũng có hơn 1,4 triệu binh sĩ.
Điện Kremlin trước đây coi quy mô quân đội của mình là đủ, nhưng tính toán đã thay đổi sau khi hy vọng giành chiến thắng nhanh chóng trong chiến dịch quân sự tại Ukraine không đạt được.
Vào tháng 8, Tổng thống Nga Putin đã ra lệnh tăng quy mô quân đội lên 1,15 triệu người bắt đầu từ ngày 1/1/2023. Và vào tháng 9, ông đã ra lệnh huy động 300.000 quân dự bị để tăng cường lực lượng ở Ukraine.
Mặc dù Tổng thống Putin nói rằng không cần thiết phải bổ sung thêm, sắc lệnh động viên của ông là không giới hạn, cho phép quân đội gọi thêm quân nhân dự bị khi cần thiết. Sắc lệnh của Tổng thống Nga cũng cấm các binh sĩ tình nguyện kết thúc hợp đồng.
Trong tuyên bố của mình, ông Putin cam kết những người được huy động sẽ nhận được mức lương hàng tháng ít nhất là 195.000 rúp (khoảng 2.800 USD), cao hơn khoảng 5 lần so với mức lương trung bình của Nga. Một số chính quyền khu vực cũng hứa sẽ có tiền thưởng riêng.
Bên cạnh việc tăng cường quân đội, vào tháng 12/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu cũng thông báo kế hoạch thành lập các đơn vị quân đội mới và các nhóm lực lượng ở miền tây nước Nga, bao gồm cả một quân đoàn sẽ được triển khai đến khu vực tây bắc Karelia gần Phần Lan.
Các kế hoạch này đánh dấu sự quay trở lại cấu trúc quân sự thời Liên Xô, mà Nga đã từ bỏ trong các cuộc cải cách quân sự gần đây với việc thành lập các đơn vị nhỏ hơn, cơ động hơn.
Bên cạnh đó, Moskva cũng ưu tiên hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân, điều mà Tổng thống Putin vào tháng 12/2022 đã mô tả là “sự đảm bảo chính cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta, cân bằng chiến lược và cân bằng lực lượng toàn cầu”. Ông Putin cho biết tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat mới sẽ sớm được đưa vào sử dụng. Sarmat dự định sẽ thay thế các tên lửa đạn đạo cũ kỹ do Liên Xô chế tạo và tạo thành cốt lõi của lực lượng hạt nhân Nga, với khả năng "né tránh bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào".