Chống hiện tượng ‘trụ hạng’ !

Anh Đặng 08/01/2023 07:55

(Baonghean.vn) - Thực tế hiện nay, ở các cấp, một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ ở mức thấp, thậm chí vi phạm khuyết điểm phải xử lý, nhân dân không còn tín nhiệm nhưng không chịu rời ghế.

Từ năm 1952, Bác Hồ đã viết: "Nước ta là một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn, cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đầy tớ cho dân". Vì vậy, những người được tổ chức phân công, Nhân dân tín nhiệm bầu ra phải ghi lòng, tạc dạ lời căn dặn của Bác: "Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quyền lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó, rất phức tạp, vì nó liên quan đến xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ". Sự suy thoái của cán bộ, đảng viên bình thường đã làm mất lòng tin của người dân với Đảng, với chế độ. Nhưng sự suy thoái của một quan chức, lãnh đạo sẽ tác động nguy hiểm và lớn hơn nhiều. Nó làm suy thoái ngay chính xã hội, suy yếu thể chế kinh tế, và hệ thống chính trị vốn cũng đang rất cần đổi mới, điều chỉnh để phù hợp quy luật và sự phát triển.

Trong một xã hội văn minh, khi người được giao trách nhiệm nhưng không đủ khả năng làm tròn nhiệm vụ thì với lòng tự trọng của mình, người đó sẽ tự nguyện xin từ chức. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, ta thấy rất nhiều vị từ Thị trưởng, Bộ trưởng cho đến Thủ tướng, Tổng thống, có khi chỉ vì một câu nói sai, một vụ việc liên quan đến người thân, đến lĩnh vực mình phụ trách đã công khai xin lỗi trước dân hoặc tự nguyện xin từ chức. Trong các trường hợp đó, họ tự nhận thấy: Đã không đảm đương được công việc hoặc để xảy ra những hậu quả, làm mất lòng tin của dân chúng thì vì lợi ích của người dân và cũng vì sự liêm sỉ và lòng tự trọng của mình - người đã từng được dân tin tưởng, họ sẵn sàng từ chức. Cũng có người từ chức vì nhận thấy khi sự việc đáng tiếc xảy ra, dù chỉ liên quan một phần rất nhỏ, nhưng mình phải chịu trách nhiệm với tư cách là người lãnh đạo. Từ chức, dù không phải là việc làm dễ dàng nhưng đối với họ là cần thiết và nên làm. Nó đã trở thành một nét văn hóa trong đời sống chính trị.

Ảnh minh họa.

Ở nước ta, từ cổ chí kim đã có nhiều vị quan chức như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Sinh Sắc,... (vì nhiều lý do khác nhau) đã thể hiện bản lĩnh, khí phách của một kẻ sĩ, treo ấn từ quan.

Ngay khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa giành được những thắng lợi cơ bản nhất, năm 1951, tại Đại hội II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Khi tổ chức Chính phủ lâm thời, có những đồng chí trong Ủy ban Trung ương do Quốc dân đại hội bầu ra, đáng lẽ tham dự Chính phủ, song các đồng chí ấy đã tự động xin lui, để nhường chỗ cho những nhân sĩ yêu nước nhưng còn ở ngoài Việt Minh. Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học”. Trong số những đồng chí đó có cả đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh và một số đồng chí lãnh đạo cao cấp khác, như Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh.

Rất tiếc, không phải mọi cán bộ, đảng viên đã làm đúng được như vậy. Thực tế hiện nay, ở các cấp, một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ ở mức thấp, thậm chí vi phạm khuyết điểm phải xử lý, nhân dân không còn tín nhiệm nhưng không chịu rời ghế. Xã hội không thiếu người tài, họ nhầm tưởng chỉ có mình mới làm được. Quả thật "đưa vào thì dễ, đưa ra khó lòng"... Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc".

Ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Văn phòng Quốc hội có viết: "Từ chức là chuyện văn hóa hơn là chuyện pháp lý, chế tài ở đây chính là lương tri. Nếu có một văn hoá chính trị dựa trên lương tri thì việc từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ là điều gần như bắt buộc,... Tại nhiều nước, những nhân vật có tiềm năng kinh tế sau đó mới đi vào con đường chính trị,... Với họ, làm chính trị như một sự thôi thúc chứ không phải là lẽ kiếm sống. Họ đã có nền tảng kinh tế rất tốt, chuyện từ chức với họ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Còn ở Việt Nam, không khéo người ta làm chính trị vì mục đích kinh tế, điều đó dẫn tới tệ tham nhũng. Ban đầu anh là lãnh đạo tốt nhưng quyền lực có thể làm tha hoá con người".

Cán bộ còn cố gắng giữ ghế thì có những người dân "cố trụ hạng hộ nghèo" là điều dễ hiểu?

Mọi công việc thành hay bại suy cho cùng do cán bộ quyết định. "Quan tồi thì dân khổ". Chúng ta nên "chọn quan hay chọn dân"? Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp cần soi lại mình: Mình đang đóng góp gì cho địa phương, đơn vị hay mình đang sống nhờ vào cái ghế của dân, của Đảng trao cho (khi "lợi thì có lợi mà danh không còn")?

Ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41-QĐ/TW “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”. Quy định này có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta đang quyết tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Quy định đã “mở đường” cho “văn hóa từ chức” trong Đảng và trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện đại.

Anh Đặng