Chuyện những người buôn hoa Tết trên phố Vinh

Thanh Phúc 13/01/2023 09:49

(Baonghean.vn) - Thành phố Vinh những ngày cuối năm thường xuyên mưa phùn, gió bấc lạnh tê tái. Trên các con phố đã ngập sắc hoa, sắc Xuân, Tết đang đến rất gần. Phía sau những sắc màu rực rỡ ấy là cảnh đời những người buôn hoa dạo tứ xứ đổ về… 

1. Trên đường phố Lê Hồng Phong (TP. Vinh), những dòng người tấp nập ngược xuôi, tất tả về nhà, cùng ăn bữa cơm tối ấm cúng. Bên góc đường, Trần Văn Nam và em trai lúi húi nhóm lửa, chong đèn để sưởi ấm cho những gốc mai. Nam sinh năm 1991, quê ở Hoài Nhơn (Bình Định) làm nghề buôn mai năm nay là năm thứ 2. “Làm lao động tự do ở Sài Gòn, gần Tết, em về quê, gom mai của các hộ trồng rồi thuê xe chở ra Nghệ An bán, kiếm thêm thu nhập”, Nam cho biết.

Em Trần Văn Nam đến từ Hoài Nhơn (Bình Định) chia sẻ với phóng viên những nỗi niềm về nghề buôn hoa Tết. Ảnh: P.V

200 chậu mai với số vốn gần 200 triệu đồng và cước phí 20 triệu đồng, tiền thuê mặt bằng 5 triệu đồng trong 20 ngày, chưa kể chi phí ăn uống trong những ngày “cắm lều” ở Vinh bán mai. “Đó là số tiền lớn, là số vốn em tích góp và vay mượn để đi buôn. Nhưng hàng hoa, khó nắm chắc được thắng - thua. Cứ liều mà buôn vậy, may mắn, gặp khách bán được hết hàng thì có thêm thu nhập. Lỡ gặp năm ế ẩm, cũng đành bán tống, bán tháo vớt vát vốn về quê”, Nam chia sẻ.

Hơn nửa tháng bám trụ ở Vinh để bán mai Tết, hai anh em Nam căng bạt dựng tạm một túp lều che nắng, trú mưa. Điện thắp sáng cũng kéo, ngoắc tạm bợ. Một chiếc võng mắc vào 2 cọc bê tông là chỗ ngả lưng. Trong lều là 1 bình nước suối, 1 thùng mỳ tôm và 1 cái ăng gô i-nốc, vừa dùng để nấu nước sôi, vừa dùng làm bát pha mỳ.

Để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, Nam phải kiếm củi khô, đốt lửa sưởi ấm. Ảnh: Thanh Phúc

“Năm nay, bọn em ra sớm quá, từ 11 tháng Chạp nên lúc đó, bãi đất trống này chưa có ai. 200 chậu mai đặt xuống là cả gia tài của 2 anh em nên lo lắm. Đêm mệt rã nhưng nào có dám chợp mắt, phải chia phiên, anh ngủ thì em thức, anh thức thì em ngủ để canh mai. Ở quê em không rét như ngoài này, ban ngày còn đỡ, chứ đêm gió lùa lạnh thấu xương, ngoài đèn sưởi còn phải đốt thêm củi để đỡ rét”, vừa cời than, bỏ thêm củi khô vào bếp lửa, hơ hai bàn tay lấy hơi ấm, giọng Nam vẫn run run vì chưa quen với khí hậu lạnh ẩm ở Nghệ An.

Đêm đêm, anh em Nam lo lắng chăm sóc cho mai, tìm cách để thúc mai nở đúng Tết. Ảnh: Thanh Phúc

Với Nam, mong ước lớn nhất lúc này là mau chóng bán hết hàng, để kịp bắt xe quay về Bình Định ăn Tết cùng gia đình.

2. 20h tối, khi trên phố dập dìu người đi mua sắm, đi dạo chơi, đi cà phê thì Trần Văn Dương ở phường Trường Thi (TP. Vinh) xới cơm từ cặp lồng giữ nhiệt mà mẹ vừa mang đến. “Chị chờ em xíu, em ăn đã, kẻo nguội lạnh hết”, Dương chào khách bằng sự vội vàng. Sau tán quất vàng trĩu quả, từ ánh đèn đường hắt vào, Dương ăn vội bữa tối để kịp tưới cho 700 chậu quất vừa hạ tải.

Bữa cơm ăn vội của Trần Văn Dương, bán quất Tết trên Đại lộ Lê Nin. Ảnh: Thanh Phúc

7 năm làm nghề buôn quất Tết là cũng chừng ấy năm Dương không có “khái niệm” sắm sửa Tết, dọn nhà đón Tết với vợ con, có những năm, còn không kịp về ăn bữa cơm tất niên với gia đình, mãi tới lúc sắp đón giao thừa mới dọn hàng để nghỉ. Năm nay, Dương đánh đường ra Văn Giang (Hưng Yên) sỉ 700 chậu quất các loại về bán Tết. Dương thuê mặt bằng ngay trước cổng Trường Cao đẳng Dạy nghề số 1 trên Đại lộ Lê Nin.

Tối 16 tháng Chạp, hàng về Vinh, trước đó, Dương đã đến dọn mặt bằng, dựng tạm một lều bạt để ăn, ngủ, nghỉ tại chỗ. “Hơn nửa tháng ăn cơm cặp lồng, uống nước đóng chai và ngủ trong lều bạt. Nhà cách chỗ bán chỉ 2 cây số mà không thể rời hàng mà về được, lỡ khách đến xem, đến mua thì mình phải tư vấn, bán hàng nữa chứ! Năm nay, vợ mang bầu nên đành ở nhà cơm nước, còn trước đó, cứ dịp này là hai vợ chồng và con nhỏ “đóng quân” ở đây luôn”, Dương cười chia sẻ.

Nơi tá túc của Dương trong hơn nửa tháng gần Tết. Ảnh: Thanh Phúc

Dương kể, có năm, 28 Tết, ở Vinh người ta sắm sửa về quê hết, phố vắng tanh mà vẫn còn cả trăm chậu quất. Không còn cách nào khác, Dương phải thuê xe tải nhỏ, chuyển quất đi dọc lên Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương bán dạo. Hết hàng thì cũng đã chiều 30 Tết. Vội vã trở về, dọn nhà, dọn ban thờ và đón Giao thừa. “Mỗi nghề một nghiệp chị ạ. Kiếm đồng tiền không dễ. Làm nghề buôn hoa, cây cảnh Tết như bọn em, trăm thứ lo. Lo thời tiết, lỡ nắng quá quất héo, không bán được; lỡ mưa rét, che chắn không kỹ thì quả rụng, bể ụ, quất xấu mã cũng khó bán. Lo gặp năm ế ẩm, không bán được hàng, lỗ, cụt vốn, coi như mất Tết”, giọng Dương chùng xuống.

Bữa cơm tối muộn của một nhóm buôn cây cảnh Tết trên Đại lộ Lê Nin. Ảnh: Thanh Phúc

Nhưng cũng như Dương chia sẻ, với đồng lương ít ỏi của một nhân viên văn phòng, nếu không tranh thủ đi buôn vào dịp Tết thì Dương làm sao gồng gánh được cả gia đình. Ngôi nhà tầng vừa xây xong cũng là nhờ vào những Tết qua gom góp từng đồng lãi từ buôn quất Tết. Thế nên, buôn bán thì “lúc được, lúc mất”, phải chấp nhận thôi…

Thời điểm này, mọi ngả đường ở thành phố Vinh đâu đâu cũng rực rỡ sắc hoa, những đào, quất, cúc, hồng... mang theo không khí rộn ràng, hân hoan. Đến hẹn lại lên, những người buôn cây cảnh lại tập trung mang Tết về cho phố phường. Phần lớn họ là những người quê ở các huyện trong tỉnh và cũng có nhiều người đến từ các tỉnh, thành khác như: Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Bình Định...

Giấc ngủ chập chờn của những người buôn đào Tết. Ảnh: Thanh Phúc

Bán hoa Tết, ngoài bươn chải, khuân vác nặng nhọc, ăn chực, nằm chờ tạm bợ thì còn đối mặt với vô vàn nỗi lo bởi đi buôn hoa cũng hao hao như... đánh bạc. Thị trường hoa Tết ngày một nhiều rủi ro bởi trăm người bán, bởi thời tiết khắc nghiệt, bởi là “hàng hoa” nên chỉ một chút bất cẩn là lỗ nặng. Chấp nhận xa nhà ngày giáp Tết, chấp nhận trở về nhà sau Giao thừa, những người bán hoa Tết đã góp cho mùa Xuân thêm tươi vui, phố phường thêm rực rỡ; và mong kiếm chút thu nhập lo cho gia đình một Tết ấm, Tết vui.

Thanh Phúc