Tăng cường quảng bá, vận động tiêu dùng hàng Việt
(Baonghean.vn) - Kế hoạch ban hành nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa các cấp, các ngành và địa phương, nhân dân trong tỉnh về triển khai thực hiện các nội dung Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 08 về việc thực hiện Kế hoạch số 122-KH/TU ngày 9/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 01-Ctr/BCĐ ngày 9/9/2022 của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Nghệ An về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Tăng cường quảng bá, vận động tiêu dùng hàng Việt
Lãnh đạo huyện Thanh Chương dự khai trương gian hàng nông sản địa phương. Ảnh: Thanh Phúc |
Theo đó, Kế hoạch đặt ra các mục tiêu: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, đạt hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Các cơ quan, ban, ngành, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bằng các hình thức đa dạng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Qua đó, góp phần lan toả, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm đối với việc vận động người tiêu dùng trong và ngoài nước biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh; tăng cường quảng bá, khuyến khích, định hướng, vận động tiêu dùng hàng hoá Việt Nam, nhất là hàng hoá của tỉnh Nghệ An, bảo đảm để cuộc vận động đi vào thực chất, thành công và phù hợp với tình hình hiện nay.
Một gian hàng giới thiệu các đặc sản Nghệ An tại hội chợ Xuân của UBND phường Hồng Sơn (TP.Vinh). Ảnh: Thanh Phúc |
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ các thủ tục hành chính, các quy định không còn phù hợp để tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa thuận lợi; chú trọng xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa hàng Việt Nam về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận và lựa chọn mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt Nam có chất lượng cao, giá cả phù hợp.
Nâng trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện cuộc vận động
Các siêu thị ưu tiên bố trí các gian hàng Việt, hàng hoá Nghệ An ở nơi dễ nhận diện, thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: Thanh Phúc |
Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc vận động, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn của Việt Nam đã được công bố và cam kết của quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Rà soát các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao; thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn.
UBND tỉnh sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp Nghệ An tăng năng lực cạnh tranh. Ảnh: Thanh Phúc |
Mặt khác, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động; tiếp tục thực hiện các giải pháp thích hợp để khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp tỉnh Nghệ An so với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế, Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Để thực hiện tốt Kế hoạch, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025.
Lực lượng quản lý thị trường Nghệ An tiêu huỷ hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Thanh Phúc |
UBND tỉnh yêu cầu Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phòng, chống các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại; hàng hóa không đảm bảo vệ sinh thực phẩm; hành vi gian lận về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa, gian lận về giá; các hành vi vi phạm pháp luật khác để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
UBND các huyện, thành, thị bố trí kinh phí hoạt động hàng năm và xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội hóa để hưởng ứng các hoạt động cuộc vận động tại địa phương; tiến hành rà soát, lựa chọn các hàng hóa, sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương để xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình quảng bá, giới thiệu; tăng cường giao lưu, kết nối cung - cầu hàng hóa cấp vùng, miền…
UBND tỉnh đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thanh Phúc |
Tại kế hoạch này, UBND tỉnh đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách và bãi bỏ các thủ tục hành chính còn chồng chéo, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hỗ trợ, gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối; phát huy hiệu quả vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.