Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tập trung nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển hạ tầng giao thông

Thanh Lê 13/01/2023 20:03

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành Giao thông vận tải phải nhận diện những khó khăn vướng mắc, lấy bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo điều hành thời gian qua để tạo hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ sắp tới.

Chiều 13/1, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An.

Khởi công 18 công trình, hoàn thành 22 dự án

Năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với sự cố gắng, nỗ lực ngành Giao thông vận tải đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả. Bộ Giao thông vận tải là một trong các bộ, ngành hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của Chính phủ.

Quang cảnh điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Ngay từ đầu năm 2022, Bộ GTVT đã tập trung nguồn lực, chỉ đạo các cơ quan tham mưu làm việc không kể ngày đêm, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, kịp thời trình, phê duyệt chủ trương đầu tư 54 dự án nhóm A, B, C.

Lần đầu tiên trong một năm, Bộ đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia, gồm: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cùng các dự án cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Vành đai 3 TP.HCM; Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội.

Cũng trong năm 2022, Bộ trưởng và các đồng chí Thứ trưởng đã chủ trì trên 600 cuộc họp và rất nhiều đợt kiểm tra hiện trường, làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Bộ GTVT. Ảnh: Báo Giao thông

Sự vào cuộc rốt ráo này đã giúp tiến độ các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia đã cơ bản bám sát yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. 18 dự án đã được khởi công, 22 dự án hoàn thành, đưa vào khai thác.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục có nhiều chuyển biến, đạt được mục tiêu đề ra; đến thời điểm hiện tại Bộ Giao thông vận tải tiếp tục là một trong những bộ, ngành có tiến độ giải ngân cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Lĩnh vực vận tải đã phục hồi trên 5 lĩnh vực, sản lượng các loại sản lượng các loại hình vận tải đều tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, so với cùng kỳ, khối lượng vận tải hàng hóa tăng 23,7%; luân chuyển hàng hóa tăng 29,4%; khối lượng vận chuyển hành khách tăng 52,8%. Đáng chú ý là vận chuyển hành khách hàng không và đường sắt tăng 3 con số.

Lãnh đạo Sở GTVT tham dự tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Bên cạnh đó, công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, phòng, chống thiên tai tiếp tục được cải thiện, hiệu quả đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương, đất nước.

Ngành Giao thông vận tải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Huy động nguồn lực tập trung xây dựng hạ tầng giao thông

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của ngành Giao thông vận tải trong năm 2022. Đặc biệt là việc chỉ đạo điều hành quyết liệt, trách nhiệm của lãnh đạo bộ, qua đó GTVT khôi phục nhanh sau đại dịch. Việc quy hoạch chuyên ngành đạt kết quả tốt.

Thi công dự án đường nối Vinh - Cửa Lò. Ảnh: Thanh Lê

Trong năm Bộ Giao thông vận tải đã khởi công được 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025. Việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt tốc độ cao. Có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án.

Về kế hoạch năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông vận tải phải lấy bài học kinh nghiệm trong thời gian qua đó là phải đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn. Phân cấp phân quyền, cá nhân hóa trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Chủ động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, năm 2023 tình hình chung về kinh tế - xã hội dự báo sẽ khó khăn, tác động nhiều đến ngành Giao thông vận tải. Từ đó ngành phải chủ động tích cực để có những giải pháp đối phó. Phải nghiêm túc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, trong đó có việc hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trong nhiệm kỳ.

"Ngành Giao thông vận tải cần tập trung mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông, tháo gỡ điểm nghẽn để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông; xây dựng kế hoạch đầu tư bố trí nguồn vốn ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm.

Ngành GTVT cũng phải tập trung đổi mới, các tỉnh thành cũng phải tích cực phối hợp trong quá trình thực hiện. Các dự án lớn phải kiểm soát được tiến độ, chất lượng, không để đội vốn bất hợp lý. Tiếp tục rà soát xây dựng thể chế, tránh chồng chéo trong phân cấp, phân quyền" - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành tham dự tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị ngành Giao thông vận tải phải tập trung cho công tác phòng chống tiêu cực, tạo ra sự bình đẳng trong các lĩnh vực quản lý của mình…

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị cho các dự án trong thời gian tới như đường sắt tốc độ cao, đề xuất hướng tuyến cho các dự án cao tốc khác đã có trong kế hoạch…

Cùng đó, ngành cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của lãnh đạo cán bộ, người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số trong ngành Giao thông vận tải,...

Thanh Lê