Nghệ An hướng tới mùa lễ hội an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc

Minh Quân 14/01/2023 12:03

(Baonghean.vn) - Trong năm 2023, tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức 29 lễ hội, trong đó, có 20 lễ hội diễn ra vào mùa Xuân (tháng 1-3 Âm lịch). Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Bùi Công Vinh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao xung quanh những vấn đề liên quan.

P.V: Từ lâu, các lễ hội, đặc biệt là lễ hội truyền thống, có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Việt Nam nói chung, người dân Nghệ An nói riêng. Xin ông cho biết rõ hơn về điều này?

Ông Bùi Công Vinh: Cha ông ta có câu “Có tích mới dịch nên trò” - ý nói rằng, lễ hội truyền thống đều có nguồn gốc sâu xa của nó. Tất cả các lễ hội truyền thống đều có giá trị hướng về nguồn. Đó là nguồn cội tự nhiên mà con người vốn từ đó sinh ra và nay vẫn là một bộ phận hữu cơ; nguồn cội cộng đồng dân tộc; đất nước; xóm làng, tổ tiên, nguồn cội văn hóa…

Ông Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao. Ảnh: Minh Quân

Hơn thế nữa, hướng về nguồn đã trở thành tâm thức của con người Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Chính vì vậy, lễ hội bao giờ cũng gắn với quá trình hành hương hướng về đất tổ, vùng đất thiêng...

Bên cạnh đó, lễ hội có vai trò cân bằng đời sống tâm linh. Đó là đời sống của con người hướng về cái cao cả, thiêng liêng “chân, thiện, mỹ” cái mà con người ngưỡng mộ, ước vọng, tôn thờ, trong đó có niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng. Như vậy, tôn giáo tín ngưỡng thuộc về đời sống tâm linh, tuy nhiên, không phải tất cả đời sống tâm linh là tôn giáo tín ngưỡng. Các hoạt động nghi lễ, lễ hội truyền thống Nghệ An đã góp phần vào thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh của nhân dân. Và lễ hội chính là một hoạt động đưa con người ta trở về trạng thái “thăng hoa”, từ đời sống trần tục đến hiện hữu.

Lễ hội còn có giá trị cố kết cộng đồng. Lễ hội nào cũng là một hoạt động của một cộng đồng người nhất định, đó có thể là cộng đồng làng, xã (hội làng), cộng đồng nghề nghiệp (hội nghề), cộng đồng tôn giáo (hội đền, hội chùa, hội nhà thờ), cộng đồng dân tộc (hội đền Hùng) và nhỏ hơn nữa là những dịp tế tổ dòng họ… Chính lễ hội là dịp để biểu dương sức mạnh của cộng đồng và là chất kết dính tạo nên sự cố kết cộng đồng.

Mặt khác, lễ hội còn mang giá trị hưởng thụ văn hóa và phát triển du lịch. Nhiều lễ hội truyền thống Nghệ An hiện nay còn đang lưu giữ được nhiều yếu tố bản sắc văn hóa, được lưu truyền qua hàng trăm năm như Lễ hội Đền Cờn, Lễ hội Đền Chín Gian, Lễ hội Đền thờ Nguyễn Xí, Lễ hội Đền Cả, Lễ hội Đền Quả Sơn... Lễ hội truyền thống còn là dịp để cho nhân dân và du khách thập phương được hưởng thụ những giá trị văn hóa cổ truyền giàu bản sắc, như các trò chơi dân gian, diễn xướng, các môn thể thao cổ truyền của dân tộc.

Nghi thức rước kiệu tại Lễ hội Đền Cờn (thị xã Hoàng Mai). Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Lễ hội truyền thống ở Nghệ An diễn ra gần như khép kín trong năm; chính sự đa dạng của hoạt động văn hóa trong lễ hội ở Nghệ An làm cho không gian của lễ hội luôn mới mẻ, tươi vui thể hiện qua kịch bản lễ hội luôn thay đổi tạo ra sức hút lớn với du khách. Khi tham gia các lễ hội, người dân và du khách thập phương được quan sát, tiếp nhận và thưởng thức các giá trị văn hóa của cộng đồng, để từ đó họ ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cha ông cho các thế hệ sau.

P.V: Nghệ An được biết đến như một Việt Nam thu nhỏ với kho tàng lễ hội dân gian truyền thống rất đa dạng, phong phú và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Những năm qua, tỉnh Nghệ An cũng đã quan tâm chỉ đạo, khôi phục, duy trì và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa các lễ hội truyền thống. Xin ông có thể cụ thể hơn về điều này và kế hoạch tổ chức lễ hội của tỉnh trong năm nay?

Ông Bùi Công Vinh: Theo số liệu kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2011 – 2021, toàn tỉnh có 463 di sản thuộc danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, trong đó, có hơn 90 lễ hội (lễ hội truyền thống chiếm hơn 90%) chủ yếu diễn ra ở các xã, thôn, làng, bản… với không gian, quy mô trong phạm vi hẹp.

Đến nay, có 7 di sản lễ hội đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm: Lễ hội Đền Chín Gian, Lễ hội Đền Cờn, Lễ hội Đền Thanh Liệt, Lễ hội Đền Quả Sơn, Nghi lễ Xăng Khan, Lễ hội Đền Hoàng Mười, Lễ hội Đền Bạch Mã.

ng với lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, các lễ làng, lễ hội dòng họ, lễ rước Bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa, danh hiệu văn hóa, nghi lễ dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với các phong tục, tập quán dân tộc được khôi phục và do nhân dân tổ chức đã góp phần phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở.

Năm 2023, sau hơn 2 năm gián đoạn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hoạt động lễ hội được các địa phương chủ động đưa vào kế hoạch cụ thể. Để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành Thông báo số 4069/TB-SVHTT ngày 20/12/2022 về kế hoạch tổ chức các lễ hội năm 2023; Văn bản số 11/SVHTT-NSVHGĐ ngày 4/01/2023 về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Quyết định số 53/QĐ-SVHTT ngày 11/01/2023 và Quyết định số 54/QĐ-SVHTT ngày 11/01/2023 của Sở VH&TT về kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và tổ chức lễ hội.

Theo đó, năm 2023, toàn tỉnh sẽ có 29 lễ hội được đưa vào danh mục quản lý, trong đó, có 20 lễ hội diễn ra vào mùa Xuân (tháng 1-3 Âm lịch), còn lại diễn ra vào các thời điểm khác trong năm (từ tháng 4-10 Âm lịch). Các địa phương sẽ có kế hoạch cụ thể của từng lễ hội đảm bảo tổ chức theo nguyên tắc quy định của pháp luật, đó là trang trọng, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội.

P.V: Vậy công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Công Vinh: Những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đã được ngành Văn hóa và Thể thao cùng với UBND các huyện, thành, thị tập trung chỉ đạo tổ chức đảm bảo thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ. Các lễ hội được diễn ra an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, thiết thực, góp phần giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp, bảo tồn văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng của người dân.

Đông đảo nhân dân, du khách thập phương về với Lễ hội Đền ông Hoàng Mười năm 2022. Ảnh: Minh Quân

Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Văn hóa lễ hội Nghệ An đa dạng về bản sắc vùng, miền, dân tộc, nhưng một số lễ hội đặc biệt là lễ hội ở đồng bằng, hầu hết còn được tổ chức theo một mô-típ chung, có sự trùng lặp về kịch bản; việc đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu, khai thác các tích trò của lễ hội và bản sắc văn hóa của từng địa phương để tạo sự khác biệt trong các lễ hội và tạo điểm nhấn cho lễ hội chưa được thực hiện một cách thấu đáo.

Một số du khách còn thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường mặc dù đã có biển chỉ dẫn, nhắc nhở của ban tổ chức, việc thắp hương chưa đúng quy định vẫn còn; hàng hóa, dịch vụ tại khu vực lễ hội chưa được sắp xếp, bố trí hợp lý.

Công tác tuyên truyền ở một số lễ hội chưa được đẩy mạnh, chưa hiệu quả trong việc vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, giữ gìn sự tôn nghiêm nơi thờ tự; tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ những giá trị lịch sử, văn hóa về lễ hội, di tích.

P.V: Sau nhiều năm gián đoạn bởi dịch Covid-19, năm nay hứa hẹn diễn ra một mùa lễ hội đông vui, nhộn nhịp. Nhưng cũng vì vậy mà sẽ có nhiều điều cần lưu ý trong công tác tổ chức để các lễ hội diễn ra an toàn, giàu bản sắc và lành mạnh. Xin ông cho biết cụ thể về vấn đề này?

Ông Bùi Công Vinh: Lễ hội truyền thống là dịp để con người giao lưu cộng cảm, trao truyền những đạo lý, tình cảm, mỹ tục và những khát vọng cao đẹp. Đồng thời, những lễ hội truyền thống cũng là dịp mang lại cho con người sự thanh thản nơi tâm linh, gạt bỏ hay quên đi những lo toan thường nhật để về với cội nguồn, về với thiên nhiên.

Để các lễ hội truyền thống được diễn ra an toàn, giàu bản sắc, lành mạnh, trước hết cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quán triệt đầy đủ và thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Đảng, quy định của pháp luật về lễ hội; tăng cường công tác tuyên truyền và có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, lực lượng chức năng và các địa phương trong công tác tổ chức, thanh tra, kiểm tra nhằm phòng ngừa và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong công tác an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, phòng, chống dịch Covid 19… gắn với bảo vệ di tích, danh thắng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội.

Một nghi thức trong lễ hội cầu ngư ở thị xã Cửa Lò: Ảnh: Phan Tất Lành

Bên cạnh đó, để lễ hội trở thành “món ăn tinh thần” hấp dẫn du khách gắn với thu hút du lịch thì việc tổ chức cần phải đảm bảo giá trị nguyên gốc của lễ hội; lễ hội truyền thống phải được tổ chức theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Mỗi người dân là chủ thể của lễ hội, vì vậy, cần phát huy sự tham gia của người dân trong các hoạt động “lễ” và “hội” để lễ hội thực sự là hoạt động văn hóa cộng đồng đặc sắc nhằm bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống và làm phong phú hơn các giá trị mới trong xây dựng đời sống văn hóa hiện nay.

Ông Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Minh Quân