Khát vọng năm 2023: 1 tỷ USD phần mềm xuất khẩu

Đỗ Cao Bảo (Thành viên Hội đồng sáng lập, HĐQT Tập đoàn FPT) 13/01/2023 15:13

(Baonghean.vn) - Doanh thu xuất khẩu phần mềm năm 2023 của FPT Software dự kiến là 1 tỷ USD.

Ảnh minh họa.

Doanh thu xuất khẩu phần mềm năm 2023 của FPT Software dự kiến là 1 tỷ USD. Đó là kế hoạch kinh doanh đã được lãnh đạo FPT phê duyệt, và có đến 99% sẽ hoàn thành, bởi năm 2022 này, FPT Software đã đạt con số 1 tỷ USD tổng giá trị thắng thầu, 800 triệu USD doanh số và với tốc độ tăng trưởng 26% trung bình 3 năm gần đây thì con số 1 tỷ USD năm 2023 là rất hiện thực.

Vậy 1 tỷ USD phần mềm xuất khẩu lớn đến mức nào?

Để cho dễ hình dung, tôi lấy hình tượng thế này: 1 tỷ USD là tương đương với 23.500 chiếc xe VinFast VF8 bán ở Mỹ (với giá 42.500 USD 1 xe), tức tương đương với 23,5 chuyến tàu Silver Queen chở ô tô điện VinFast VF8 xuất cảng hôm 25/11/2022 vừa qua ở Hải Phòng.

Hay một hình tượng khác: 1 tỷ USD là số tiền đủ để nhập khẩu 80% số điện thoại iPhone hoặc 115% số điện thoại Samsung hoặc 70% số ô tô con 7 chỗ trở xuống cho toàn bộ thị trường Việt Nam trong năm 2021.

Chưa hết, khác với các sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp (ô tô, điện thoại, máy tính, may mặc, giày, dép, túi xách, máy móc, phụ tùng) có giá trị gia tăng thấp, giá trị gia tăng của dịch vụ phần mềm xuất khẩu rất cao, lên đến 84%, cao gấp gần 4 lần giá trị gia tăng của nhóm hàng sản xuất hàng công nghiệp (một đôi giày Nike sản xuất ở Việt Nam thì phần Việt Nam chỉ có 22% thôi, phần của Mỹ là 78%).

Như vậy, có thể nói rằng, 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm tương đương với gần 4 tỷ USD xuất khẩu các mặt hàng máy tính, điện thoại, may mặc, giày da, túi xách, máy móc, phụ tùng.

Tại sao dịch vụ phần mềm lại có giá trị gia tăng cao như vậy? Bởi làm dịch vụ phần mềm, không cần phải đầu tư dây chuyền sản xuất, không phải nhập khẩu (mua) nguyên, vật liệu đầu vào. Đầu tư cho phần mềm rất ít: mỗi người làm phần mềm chỉ 1 chiếc máy tính và một chút bản quyền phần mềm cỡ 1.200 USD, khấu hao 5 năm, mỗi năm 240 USD. Chi phí lớn nhất của dịch vụ phần mềm là chi phí nhân công (lương, thưởng, phúc lợi, bảo hiểm, đào tạo, văn phòng làm việc), toàn chi cho con người và chi ở Việt Nam.

Xuất khẩu phần mềm, ngoài việc mang trí tuệ Việt Nam ra thế giới, tạo ra nhiều việc làm có năng suất cao, còn thu ngoại tệ về cho đất nước, góp phần vào cán cân thanh toán quốc gia, góp phần vào ổn định tiền tệ quốc gia.

Bạn có biết, nếu một doanh nghiệp giữ được tốc độ tăng trưởng đều đặn 26%/năm, thì sau 3 năm doanh số sẽ lớn gấp 2 lần, sau 6 năm sẽ lớn gấp 4 lần, sau 9 năm sẽ lớn gấp 8 lần và sau 12 năm sẽ lớn gấp 16 lần.

Như vậy, nếu giữ được tốc độ tăng trưởng 26%/năm như 5 năm qua, thì doanh số của FPT Software đến năm 2026 là 2 tỷ USD, đến năm 2029 là 4 tỷ USD, đến năm 2032 là 8 tỷ USD và đến năm 2035 là 16 tỷ USD. Điều ấy có nghĩa rằng, đến năm 2035, giá trị mà FPT Software tạo ra sẽ tương đương với 64 tỷ USD nhóm hàng sản xuất công nghiệp.

Xuất khẩu phần mềm, ngoài FPT ra còn có hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp phần mềm khác, tạo ra một ngành kinh tế có quy mô và ý nghĩa kinh tế, xã hội không hề nhỏ, không hề thua kém nhiều ngành kinh tế khác.

Cơ hội cho Việt Nam còn rất lớn, bởi riêng Ấn Độ, năm 2022, ngành xuất khẩu phần mềm đã mang về 200 tỷ USD cho đất nước họ, tương đương 50% GDP của Việt Nam./.

Đỗ Cao Bảo (Thành viên Hội đồng sáng lập, HĐQT Tập đoàn FPT)