Thơ Xuân của các chí sĩ yêu nước xứ Nghệ

Phan Thắng 24/01/2023 09:10

(Baonghean.vn) - Là các nhà nho, các chí sỹ yêu nước xứ Nghệ cũng luôn có phẩm chất của một thi sỹ. Trên những chặng đường hoạt động yêu nước đầy gian khó, hy sinh, họ luôn giữ trọn phẩm chất đó.

Xứ Nghệ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là một trung tâm của các phong trào yêu nước và cách mạng. Trong đó, nổi bật vai trò lãnh đạo của các chí sỹ yêu nước. Là những trí thức, họ có ý thức tự nhiệm cao và đời sống tinh thần phong phú. Trên con đường hoạt động yêu nước và cách mạng, dù trong hoàn cảnh nào thì tâm hồn họ cũng có thể bật lên thi ca để gửi gắm tấm lòng với nước, với dân.

Các chí sỹ yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là những trí thức được đào tạo trong môi trường giáo dục Hán học, tham gia khoa cử, có đỗ hoặc không, đỗ cao hay thấp. Về sau, không ít người tiếp xúc và tiếp thu kiến thức tân học nhưng tự trong sâu thẳm họ luôn có ý thức, trách nhiệm với đất nước, với dân, với sự tiến bộ của xã hội. Nếu trước năm 1895, thời điểm phong trào Cần Vương thất bại hoàn toàn, tư tưởng quân chủ chưa hoàn toàn bất lực thì trách nhiệm với nước gắn liền với nghĩa vụ của quần thần với vua. Thì sau đó, quan niệm này đã có sự chuyển dịch trong họ, yêu nước không nhất thiết phải “cần vương” mà là duy tân để giành độc lập cho nước, xây dựng một đất nước mới theo thể chế mới, quân chủ lập hiến hoặc tiến bộ hơn là thể chế dân chủ tư sản.

Nếu cuối thế kỷ XIX, Phan Đình Phùng là thủ lĩnh phong trào Cần Vương, thì sau đó, sang đầu thế kỷ XX, cùng với Phan Chu Trinh - người đứng đầu phong trào Duy Tân, Phan Bội Châu là ngọn cờ của Hội Duy Tân, phong trào Đông Du, Hội Việt Nam Quang phục. Với Phan Bội Châu, cũng là một quá trình chuyển biến liên tục về tư tưởng, tư tưởng quân chủ, tiến tới dân chủ tư sản và cuối cùng ông tiếp cận với chủ nghĩa xã hội. Những nhà nho, sỹ phu cùng thời, đồng chí, đồng hương của ông cũng vậy, đa phần đã tự “làm mới” về tư tưởng để thực hiện sứ mạng cứu nước của mình.

Là các nhà nho, các chí sỹ yêu nước xứ Nghệ cũng luôn có phẩm chất của một thi sỹ. Trên những chặng đường hoạt động yêu nước đầy gian khó, hy sinh, họ luôn giữ trọn phẩm chất đó. Văn chương luôn đồng hành cùng họ. Họ làm thơ, viết văn để bày tỏ nỗi lòng với nước, với dân, khích lệ lòng yêu nước của đồng bào. Mỗi dịp Xuân về là lúc mà tâm hồn văn chương của họ bừng lên để thăng hoa cùng phẩm chất của một chí sỹ yêu nước.

Phan Đình Phùng (1843-1896), quê làng Đông Thái, nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), đỗ Đình nguyên Tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1877). Là người cương trực, lúc giữ chức Ngự sử, ông dâng sớ đàn hặc các quan văn võ đại thần man tấu việc thi bắn súng ở cửa Thuận An. Năm 1883, ông chống lại Tôn Thất Thuyết ngay giữa triều đình về việc phế Vua Dục Đức. Ông bị giam vào ngục cẩm y rồi bị cách chức, đuổi về quê. Tháng 9/1885, Vua Hàm Nghi xuất bôn chống Pháp, Phan Đình Phùng là thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Vũ Quang suốt 10 năm (1885-1895).

Phan Đình Phùng (1843 - 1896). Ảnh: Tư liệu

Phan Đình Phùng làm thơ không nhiều. Nhưng trong thời gian kháng chiến Cần Vương, ông đã để lại một số tác phẩm chứa chan lòng yêu nước, thương dân. Tết năm Mậu Tý (1888), cuộc khởi nghĩa đang đà thuận lợi, Xuân thật tươi tắn, nhưng ông vẫn không hết sầu lo việc lớn và có bài thơ "Mậu Tý nguyên nhật" (Ngày mồng Một Tết năm Mậu Tý):

"Ngoài sân oanh liệng hót trên huê,

Hoa báo Xuân sang người chửa về.

Núi Ngự trăm năm buồn nắng lóa,

Ngàn Hống muôn dặm ngóng mây che.

Nếp nhà gốc đó, đều trung hiếu,

Đất khách lòng đâu ngại biệt ly.

Tết đến, người người vui đón Tết,

Riêng mình da diết dạ sầu bi".

Nguyễn Xuân Ôn (1825-1889), người làng Quần Phương, nay thuộc xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu. Thi đỗ tiến sĩ, làm quan nhưng "không học được thói ươn hèn, siểm nịnh". Ông chống lại chính sách hòa hoãn với Pháp của triều đình nên bị cách chức, đẩy về quê. Tháng 7/1885, khi Vua Hàm Nghi xuất bôn, ông cùng các sỹ phu Yên Thành, Diễn Châu tổ chức khởi nghĩa, được Vua Hàm Nghi giao thống lĩnh quân Cần Vương ở Nghệ An. Ông bị thương, rồi bị bắt về giam ở Huế, và mất trong lao năm 1889. Ngày mồng Một Tết năm Mậu Tý (1888) ông làm hai bài thơ khi đang bị giam ở Nhà lao Vinh, trong đó, có bài "Mậu Tý niên nguyên đán, cảm tác" đầy nỗi đau xót của người dân mất nước chứa trong lời thơ của một kẻ sỹ ngang tàng không chịu khuất phục số phận.

"Còi trống lừng vang, pháo hiếm thay,

Cổng thành sẩm tối rộn kèn Tây.

Rượu ngon hết nhẵn khôn chúc Tết,

Thơ loạn ngâm hoài để được say.

Lịch Hạ đã thay ngày tháng cũ,

Đất Chu đâu nữa bản đồ nay?

Công đường quan được riêng nhà rỗi,

Tiếng trúc thanh bình lại vút bay".

Phan Bội Châu (1867 - 1940), quê làng Đan Nhiệm, Nam Đàn, đỗ Giải Nguyên năm 1900. Là nhà ái quốc vĩ đại, ông còn là một nhà thơ lớn. Thơ đối với ông là vũ khí đấu tranh vì lý tưởng cứu dân, cứu nước. Thơ còn như là nhật ký hành trình tư tưởng đầy gian khó của ông.

Sau khi thành lập Hội Duy Tân (1904), đầu năm 1905, ông viết bài “Chơi Xuân” theo thể hát nói:

“Quân bất kiến Nam, Xuân tự cổ đa danh sĩ

Đã chơi xuân đừng quản nghĩ chi chi

Khi ngâm nga xáo lộn cổ kim đi

Tùa tám cõi ném về trong một túi

Thơ rằng:

Nước non Hồng Lạc còn đây mãi

Mặt mũi anh hùng há chịu ri

Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi

Sinh thời thế phải xoay nên thời thế

Phùng xuân hội, may ra ừ cũng dễ

Năm địa cầu vừa một tý con con

Đạp toang hai cánh càn khôn

Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà

Hai vai gánh vác sơn hà

Đã chơi chơi nốt, ố chà chà xuân”.

Phan Bội Châu (1867 - 1940). Ảnh: Tư liệu

Khi làm bài thơ này là lúc ông và Hội Duy Tân chuẩn bị lực lượng cho công cuộc vũ trang giành độc lập, ông và Hội Duy Tân chủ trương phong trào Đông Du đưa thanh niên sang Nhật Bản học tập. “Chơi Xuân” là bài thơ để thức tỉnh tinh thần yêu nước của đồng bào, đặc biệt là thanh niên.

Đông Du thất bại, ông về náu tạm trên đất Trung Quốc ít lâu rồi sang Xiêm hoạt động. Cách mạng Tân Hợi thành công (1911), ông trở lại Trung Quốc và thành lập Việt Nam Quang Phục hội với tôn chỉ khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước "Cộng hòa dân quốc Việt Nam".

Ngày 24/12/1913, ông bị thực dân Pháp nhờ bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam; Năm 1917, ra tù và tiếp tục tìm đường cứu nước; Giữa năm 1924, ông cải tổ Việt Nam Quang Phục hội thành Việt Nam Quốc dân Đảng. Ngày 30/6/1925, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc ở Thượng Hải đem về nước, đưa ra xử ở Tòa đề hình Hà Nội. Trước phong trào phản đối rầm rộ khắp cả nước, thực dân Pháp phải tuyên bố tha bổng, nhưng giam lỏng ông ở Huế.

Trong cảnh “cá chậu chim lồng” nhưng ông vẫn làm thơ văn để tố cáo chính quyền thực dân phong kiến và giác ngộ tinh thần yêu nước của đồng bào.

Ngày 29/1/1927, trước Tết Nguyên đán, học sinh các trường trung học ở Huế nhờ ông Võ Liêm Sơn, một nhân sỹ yêu nước, giáo viên Trường Quốc học, làm một bài ca trù đến mừng thọ ông. Nhân đó, ông đáp lại bằng bài thơ “Bài ca chúc Tết thanh niên”:

Dậy! Dậy! Dậy! Bên án một tiếng gà vừa gáy. Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng/ Xuân ơi xuân, xuân có biết hay chăng?/ Buồn cùng sông, thẹn cùng núi, tủi cùng trăng/ Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót/ Trời đất may còn thân sống sót/ Tháng ngày khuây khỏa lũ đầu xanh/ Thưa các cô các cậu lại các anh/ Đời đã mới người càng nên đổi mới/ Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội/ Ghé vai vào gánh vác cựu giang san/ Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan/ Dây đoàn thể quyết ghe phen thành nghiệp lại/ Ai hữu trí từ nay xin gắng gỏi/ Cởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần/ Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn/ Đúc gan sắt để dời non lấp bể/ Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ/ Mới thế này là mới hỡi chư quân/ Chữ rằng “nhật nhật tân, hựu nhật tân”.

“Bài ca chúc Tết thanh niên” là tâm sự gan ruột của Phan Bội Châu với thế hệ trẻ sau gần 30 năm bôn ba cứu nước nhưng sự nghiệp chưa thành. Ông thức tỉnh họ khỏi cơn mê trong đêm trường nô lệ của dân tộc. “Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng?/ Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng/ Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót”. Nói với Xuân nhưng là tự nói với mình và thanh niên về nỗi đau nhục mất nước và nghĩa vụ cứu nước, cứu dân. Đặc biệt, ông không những kêu gọi thanh niên yêu nước và dấn thân mà phải đổi mới để thành công. “Đời đã mới người càng nên đổi mới/Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội/Ghé vai vào gánh vác cựu giang san/Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan/Dây đoàn thể quyết ghe phen thành nghiệp lại …”. Có lẽ Phan Bội Châu là người đầu tiên kêu gọi đổi mới. Thanh niên phải đổi mới cách nhìn, tư duy, tư tưởng và phương pháp hành động.

Đặng Thúc Hứa (1870-1931), người làng Lương Điền, nay là xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương; đậu Tú tài nên gọi là Tú Hứa. Những năm đầu thế kỷ XX, ông tham gia Hội Duy Tân và phong trào Đông Du. Năm 1908, ông xuất dương sang Nhật. Khi phong trào Đông Du thất bại, ông trở về Trung Quốc, rồi sau đó sang Xiêm cùng một số đồng chí mở trại cày Bạn Thầm làm kế “mười năm sinh tụ, mười năm giáo huấn” chuẩn bị lực lượng cho công cuộc chống Pháp lâu dài. Năm 1912, khi Phan Bội Châu trở lại Trung Quốc thành lập Việt Nam Quang Phục hội, ông ở lại Xiêm để đón nhận thanh, thiếu niên từ trong nước sang học tập, huấn luyện hoặc đưa tiếp sang Trung Quốc.

Đặng Thúc Hứa (1870 - 1931).

Suốt 20 năm hoạt động yêu nước, ông đã đi từ Duy Tân Hội đến Việt Nam Quang Phục hội rồi Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Sau cùng ông tham gia Đảng Cộng sản Việt Nam trên đất Xiêm. Ông mất tại Xiêm năm 1931. Ông để lại một số thơ văn, trong đó có bài “Xuân cảm” viết bằng chữ Hán, tức cảnh thành thơ khi ở đất người, nhớ nước, xót thương vận nước đang còn bị giặc Pháp đô hộ, nhân dân còn bị lầm than:

Đất khách quê người đã bấy lâu

Đông qua xuân lại chạnh lòng đau

Mênh mông bốn bể nhà đâu thấy?

Mù mịt ba kỳ, nước có đâu!

Mấy độ chim hồng tin bặt vắng.

Năm canh mưa gió khách sầu riêng,

Tày trời thù ấy còn chưa trả,

Ngày tháng thoi đưa sớm bạc đầu.

Đặng Thái Thân (1874 - 1910), hiệu Ngư Hải, người làng Hải Côn, nay là xã Nghi Hải (TX. Cửa Lò). Là học trò của Phan Bội Châu, ông trở thành đồng chí tâm phúc của cụ Phan ở Hội Duy Tân. Năm 1905, khi Phan Bội Châu xuất dương sang Nhật, ông được phân công ở lại lo công việc của Hội Duy Tân. Ngày 2/2/1910, ông bị mật thám Pháp vây bắt ở gần Thành Nghệ An. Ông chống cự, giết được hai tên rồi dùng súng tự vẫn.

Ông để lại một số bài thơ, câu đối, được Phan Bội Châu chép lại trong “Việt Nam nghĩa liệt sử” và “Thi tù tùng thoại”. Thơ của ông thể hiện tình cảm yêu nước và chí khí của một kẻ sỹ yêu nước. “Cảm hứng” là bài thơ ông viết năm 1905, nói nên nỗi thương nước, nhớ thầy, nhớ bạn khi Xuân về. “Bài thơ không mấy chữ mà có ý hàm súc tự nhiên” - Huỳnh Thúc Kháng.

Đêm nghe tiếng sóng một đôi hồi

Mới biết miền đông có biển khơi

Toan mượn gió xuân tin bạn nhớ,

Tính riêng e sợ thấu trời anh.

Trần Đông Phong (1887 -1908), sinh ra trong một nhà giàu có ở huyện Thanh Chương. Trần Đông Phong tham gia Hội Duy Tân, bị bắt năm 1907. Sau đó trốn thoát và xuất dương Đông Du, năm 1908. Ở Nhật, chứng kiến cảnh khó khăn, thiếu thốn của sinh viên Đông Du, lại buồn phiền, hổ thẹn vì cha mẹ không gửi tiền ủng hộ phong trào (vì bị ngăn chặn thư mà không biết!?), nên ngày 2/5/1908, ông tự vẫn ở chùa Tohoji (Tokyo).

Sinh thời ông có sáng tác một số thơ ca, trong đó có bài “Cảm tác đầu xuân” ghi lại cảm xúc nhớ quê khi ngắm nhìn các cô gái Phù Tang đi sắm Tết trong rừng hoa anh đào rực rỡ. Mặc cho nỗi buồn tủi nghẹn trào nhưng ông vẫn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của quê hương:

“Anh đào có đẹp với ai…

Anh đào đâu đẹp với người ly hương!”

Sau hai câu mào đầu, ông viết tiếp:

Đã buồn… xuân tới lại buồn hơn,

Đất khách phiêu lưu mấy tủi hờn!

Phú Sĩ không trùm mây tân Lĩnh,

Anh đào chẳng hóa liễu Hống Sơn.

Nam dương sóng khổ còn bao đợt,

Đông hải mưa sầu vẫn mấy cơn.

Nhị thủy ngày nào ca tự chủ,

Toàn xuân Hồng Lạc đón xuân sang.

Nguyễn Đình Kiên (1879 - 1942), quê làng Xa Lang, nay là xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh); đỗ Tú tài nên gọi là Tú Kiên. Ông từng tham gia khởi nghĩa Vụ Quang, phong trào Duy Tân xin sưu, chống thuế, cắt tóc ngắn những năm 1905 - 1908.

Sông Ngàn Phố, xã Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: VnExpress

Bị bắt đày ra Côn Đảo, năm 1910, ông vượt ngục trốn về đất liền rồi sang Trung Quốc tham gia Việt Nam Quang phục Hội; lại bị bắt ở Thượng Hải, bị đưa về nước đi đày lại ở Côn Đảo. Năm 1925, được thả, ông lại tham gia thành lập Hội Hưng Nam/ Tân Việt Đảng. Năm 1929, ông lại bị bắt giải vào giam ở Sài Gòn. Năm 1933 được tha, ông tiếp tục hoạt động cách mạng ở quê nhà. Ông mất năm 1942. Trong quá trình hoạt động yêu nước và cách mạng, ông sáng tác khá nhiều thơ văn. “Mừng Xuân” là bài ông viết trong tù năm 1933.

Đốt pháo mừng xuân khắp mọi nơi,

Ngậm ngùi phận tớ biếng ăn chơi.

Tấm thân lụi đụi đôi lần ngục,

Tư tưởng mênh mông bốn phía trời.

Nam Bắc hai đường thương những kẻ,

Nước non một gánh nặng cùng đời.

Chừng nào sáu giống người chung chợ,

Ngày tết bấy giờ mới thảnh thơi.

Sự nghiệp của các chí sỹ chưa thành công nhưng tinh thần yêu nước, ý chí cứu nước và văn chương của các ông thì sáng mãi trong lịch sử dân tộc. Ở họ, văn chương và cuộc đời là một. Thơ là con thuyền tải chi tiết tình cảm, là cánh chim truyền bá tư tưởng. Yêu nước, thương nòi là cảm hứng sáng tạo đầu tiên, lớn nhất trong thơ của họ; chan chứa yêu thương và khí phách mạnh mẽ như con người họ.

Phan Thắng