Chiêm ngưỡng những cung đường nêu đón Tết ở Nghệ An

Huy Thư 15/01/2023 16:16

(Baonghean.vn) - Trong không khí hân hoan chuẩn bị đón Tết cổ truyền, mừng Xuân Qúy Mão, người dân các địa phương trong tỉnh đã dựng cây nêu, tạo nên những cung đường nêu lung linh, tuyệt đẹp.

Theo tục lệ cổ truyền, cây nêu Tết được trồng vào ngày 23 tháng Chạp và hạ vào ngày 7 tháng Giêng. Sau ngày Tết ông Công, ông Táo, những cung đường nêu ở các huyện trong tỉnh đã trở nên lung linh. Trong ảnh: Đường nêu đón Tết ở xã Thuận Sơn (Đô Lương). Ảnh: Huy Thư
Từ ngày phong trào dựng nêu đón Tết được khôi phục, xã Thuận Sơn (Đô Lương), đặc biệt là người dân sinh sống 2 bên Quốc lộ 46 luôn duy trì việc dựng cây nêu, tạo nên cung đường nêu Tết đẹp bậc nhất ở xứ Lường. Ảnh: Huy Thư
Với người dân xã Thanh An (Thanh Chương), phong trào trồng nêu Tết lan tỏa mạnh trong nhân dân. Đi trên Quốc lộ 46C qua địa phương này, du khách thật sự bị lôi cuốn bởi những cung đường nêu Tết rực sáng, lung linh. Trong ảnh: Bà con xã Thanh An trồng nêu hai bên đường với mật độ dày kết hợp với việc treo nhiều dây cờ màu, đèn led vắt ngang qua các tuyến đường một cách công phu, nhờ đó, cảnh quan vào ban đêm trên các tuyến đường này khá ấn tượng . Ảnh: Huy Thư
Theo người dân các địa phương, thường thì dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp, nhưng để đem Tết đến sớm hơn, nhiều nơi, nhiều hộ dân đã dựng nêu từ 20 tháng Chạp. Tuy nhiên, không ít hộ gia đình do bận công việc, phải đến 25, 26 âm lịch hoặc muộn hơn mới dựng được nêu. Với những vùng có phong trào chơi nêu Tết phát triển, người dân đều bắt tay dựng nêu sớm. Ảnh: Huy Thư
Dịp này, không chỉ ở các huyện Đô Lương, Thanh Chương mà hầu khắp các huyện trong tỉnh như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Anh Sơn, Tân Kỳ... đều có những cung đường nêu đón Tết. Nêu Tết mang vẻ đẹp hiện đại dường như là thứ không thể thiếu tại nhiều gia đình ở xứ Nghệ trước khi Tết đến, Xuân về. Ảnh: Huy Thư
Xu hướng của nêu Tết năm nay không cầu kỳ như mọi năm, nhìn chung các cây nêu đều được thiết kế gọn nhẹ, không treo quá nhiều phụ kiện, như nhưng vẫn bảo đảm các yếu tố thẩm mỹ: thanh thoát, đẹp, hấp dẫn. Ảnh: Huy Thư
Để có được những cây nêu Tết đẹp, các hộ dân đều phải chăm chút từ việc chọn tre, chọn dây led, lắp đặt phụ kiện như đèn lồng, cờ Tổ quốc... sao cho phù hợp. Để có những cung đường nêu đẹp thì các gia đình các tổ, xóm... phải liên kết, đồng thuận, phối hợp trong việc trang trí. Ảnh: Huy Thư
Những ngày này, không chỉ các tuyến đường lớn (quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ), mà các tuyến đường làng, ngõ xóm cũng được dựng nhiều nêu Tết. Cây nêu Tết được bán sẵn thường có giá từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng. Phong trào chơi nêu Tết đã đem lại thu nhập cho cả người trồng tre, mua bán tre và người làm nêu. Ảnh: Huy Thư
Mỗi cây nêu Tết mang mỗi vẻ đẹp riêng, tùy vào ý tưởng, sự khéo tay chăm chút của từng người, từng nhà. Dưới các cây nêu, cổng nhà, tường nhà, cây cảnh cũng được trang hoàng, tạo nên vẻ đẹp rực rỡ cho các ngôi nhà, các tuyến đường, các công trình công cộng nhân dịp Tết đến, Xuân về. Ảnh: Huy Thư
Có nêu là có Tết... đã làm cho cảnh quan khắp các miền quê xứ Nghệ từ miền xuôi lên miền ngược rực sáng, lung linh. Việc dựng nêu đón Tết cổ truyền không chỉ đem lại không khí vui Tết, đón Xuân cho các vùng quê, mà còn góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống của quê hương, dân tộc. Ảnh: Huy Thư

Những cung đường nêu Tết tuyệt đẹp ở xã Thanh An (Thanh Chương) và Thuận Sơn (Đô Lương). Video: Huy Thư

Huy Thư