Công tác cán bộ: Chuyện lên, xuống
(Baonghean.vn) - Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy như vậy. Trong tiến trình đổi mới, đội ngũ cán bộ của ta từng bước trưởng thành về nhiều mặt, song chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và còn nhiều hạn chế đáng lo ngại.
Việc Quốc hội vừa miễn nhiệm và bầu 2 Phó Thủ tướng mới tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, khóa XV, được dư luận đặc biệt quan tâm. Đối với 2 Phó Thủ tướng miễn nhiệm, mấy ngày trước đó, Ban Chấp hành Trung ương đã cho thôi các chức vụ được bầu tại Đại hội XIII của Đảng 2 năm trước. Vậy là không còn chuyện cán bộ đã được bầu hoặc bổ nhiệm thì cứ thế yên vị cho đến tuổi nghỉ hưu hoặc hết nhiệm kỳ. “Có lên có xuống” trong bố trí cán bộ là phương châm được Đảng ta đề ra từ trước thời kỳ đổi mới, nhưng lâu nay chưa làm được bao nhiêu.
Đồ họa: Diệp Thanh |
“Có vào có ra, có lên có xuống”
Người đời không phải thần thánh, ai rồi cũng có lúc mắc khuyết điểm, thậm chí là sai lầm; chỉ những người an phận, tròn vo mới ít vướng phải. Đó là lẽ thường. Nhưng việc xem xét xử lý kỷ luật, nhất là cho thôi giữ chức vụ đương nhiệm vì hạn chế về phẩm chất hoặc năng lực lại là chuyện nhạy cảm, không hề đơn giản. Lâu nay, có tâm lý đã được cất nhắc vào một cương vị lãnh đạo nào đó là chỉ “có lên”, hoặc cùng lắm là giữ nguyên “ghế” cho đến lúc nghỉ hưu. Vậy thì còn chỗ nào cho cán bộ trẻ có đủ đức tài, điều kiện phát triển? Người yên vị rồi thì không còn phấn đấu hết mình như trước khi bổ nhiệm; một số có phẩm chất, năng lực thật sự thì vơi đi nhiệt huyết với công việc. Chỉ khi nào thực hiện “có vào có ra, có lên có xuống” mới tạo được dòng chảy thông thoáng trong bố trí cán bộ.
Thực ra, việc dám chịu trách nhiệm, xin từ chức của cán bộ đã có từ lâu. Do những sai lầm trong cải cách ruộng đất, tuy không trực tiếp thực hiện, nhưng là người chịu trách nhiệm cao nhất, đồng chí Trường Chinh đã xin thôi Tổng Bí thư và được Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (khóa II) mở rộng đồng ý, sau đó phụ trách Ban Chỉ đạo công tác sửa sai, cho đến năm 1958. Khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, đồng chí được bầu lại làm Tổng Bí thư và là một trong những người có đóng góp quan trọng cho đất nước những năm đầu đổi mới.
Từ trước đến nay, Đảng ta luôn coi công tác cán bộ là then chốt của then chốt và có quan điểm rõ ràng đối với việc bố trí, sử dụng cán bộ. Báo cáo về xây dựng Đảng trình tại Đại hội lần thứ V (năm 1982) nêu rõ: “Đối với những đồng chí đã rõ là không đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ thì cần kiên quyết và nhanh chóng đưa xuống hoặc bố trí sang một công tác thích hợp hơn... Cần coi "có lên, có xuống" là việc bình thường trong bố trí cán bộ; phải đặt lợi ích công việc lên trên hết, không nên vì nể nang, cảm tình mà do dự trong việc bố trí cán bộ để ảnh hưởng không tốt đến công việc. Những cán bộ có phẩm chất và có năng lực thật sự xét có thể đảm đương được nhiệm vụ mới thì đề bạt vượt cấp”. Nếu làm được như thế sẽ thường xuyên có chỗ để đưa người đủ đức tài, điều kiện vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Rất tiếc, chủ trương đó nhiều khi dường như bị lãng quên!
Tạo động lực cho cán bộ cống hiến
Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy như vậy. Trong tiến trình đổi mới, đội ngũ cán bộ của ta từng bước trưởng thành về nhiều mặt, song chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và còn nhiều hạn chế đáng lo ngại. Qua công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian gần đây cho thấy, hầu hết cán bộ kể cả cấp cao bị kỷ luật hay xử lý hình sự đều được đào tạo bài bản, được đánh giá có trình độ, năng lực, phẩm chất; được thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định trước khi bổ nhiệm hoặc bầu cử.
Thực tế, nhiều cán bộ có trình độ, phẩm chất đạo đức tốt, nhưng khi được giao cương vị công tác cao hơn thì mới bộc lộ không đủ tầm, đủ sức, như người chỉ vác được 50 cân nhưng lại đặt lên vai họ gần một tạ; hoặc khi có chút quyền lực mà không chịu rèn luyện, giữ gìn tư cách, không thường xuyên phấn đấu dẫn đến biến chất, thậm chí tha hóa, làm trái các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính họ như một loại vi-rút đang gặm nhấm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ. Mặt khác, việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng không đúng người, đúng việc.
Từ thực tế đó, Đại hội XIII của Đảng xác định cần có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín với Nhân dân. Cụ thể hóa chủ trương này, gần đây, Đảng đã ban hành Kết luận 21 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; Quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức; Thông báo 20 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 3/1/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy Nhà nước.
Đó là tinh thần mới để xây dựng một môi trường xã hội công bằng, tạo động lực cho cán bộ cống hiến. Những cán bộ có khát vọng đổi mới, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực sẽ được khuyến khích, bảo vệ. Ngược lại, ai lợi dụng chủ trương đó để thực hiện hoặc bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực phải xử lý nghiêm minh. Người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng sẽ cho từ chức. Cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút sẽ khuyến khích tự nguyện xin từ chức; nếu không, cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định; đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục rèn luyện phấn đấu.
Với tinh thần đó, tại Hội nghị lần thứ 6, Trung ương đã thống nhất để 3 đồng chí thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Tính đến đầu năm 2023, có 5 Ủy viên Trung ương khóa XIII, trong đó, có 1 Ủy viên Bộ Chính trị được Trung ương cho thôi các chức vụ đã bầu tại Đại hội XIII. Chủ trương mới về công tác cán bộ trong nhiệm kỳ này đã được hiện thực hóa; việc “có vào có ra, có lên có xuống” đã trở thành việc bình thường, khơi thông dòng chảy trong bố trí cán bộ.