Những mối nguy của nền kinh tế
(Baonghean.vn) - Gần đây, một doanh nhân chia sẻ với tôi, anh có thể không giữ được doanh nghiệp có tuổi đời 15 năm vì không còn chủ động được dòng tiền.
Lãi suất cao, sức mua yếu, những lần bật - tắt triền miên trong hoạt động do phong tỏa chống dịch Covid-19 và nhiều yếu tố khác tích tụ suốt mấy năm nay làm cho doanh nghiệp của anh lâm vào tình trạng suy kiệt. “Tôi đang đàm phán với mấy đối tác nước ngoài để họ mua lại công ty. Đến lúc này thật khó giữ được nữa”, anh nói.
Tôi biết doanh nhân này từ khi anh ấy khởi nghiệp cũng như những nỗ lực bền bỉ, những thất bát tưởng lụn bại, những khát khao cháy bỏng anh ấy đã trải qua để phát triển doanh nghiệp. Bán lại doanh nghiệp cho nhà đầu tư và rồi bản thân lại làm thuê ở chính công ty của mình là điều thật khó chấp nhận. Nhưng đó là cách duy nhất để cứu công ty, cứu việc làm và cả cứu chính anh ấy nữa. Có lẽ, không ít doanh nghiệp Việt Nam gặp hoàn cảnh tương tự như vị doanh nhân trên. Nói gì thì nói, đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử loài người đang để lại hậu quả ngày càng rõ đến “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Tác động của đại dịch cộng với hàng loạt yếu tố vĩ mô khác trong năm 2022 hậu Covid-19 đã kích hoạt thêm nhiều thách thức và rủi ro cho doanh nghiệp. Chỉ lấy một ví dụ nhỏ, mỗi tháng có hơn 12 ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa là một con số rất lớn, rất đáng lo lắng. Rõ ràng, câu chuyện của vị doanh nhân trên không phải mới. Họ phải tìm nguồn để tái cấu trúc, để sống được. Vấn đề ở chỗ, dường như chuyện mua bán sáp nhập (M&A) doanh nghiệp với sự dẫn dắt của các nhà đầu tư nước ngoài đang trở thành một trào lưu ở ngay đất nước ta. Tại Diễn đàn M&A tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh gần đây, người ta trích dữ liệu từ Công ty Kiểm toán KPMG rằng, tổng giá trị M&A ở Việt Nam đạt 5,7 tỉ USD trong 10 tháng năm 2022. Con số này đã giảm tới hơn 35% so với cùng kỳ năm 2021. Vấn đề là các giao dịch M&A được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư nước ngoài khi các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm có 1,2 tỷ đô la trong tổng số giao dịch trên.
Các số liệu không đầy đủ được đưa ra trên diễn đàn này cho thấy, hoạt động M&A đạt giá trị cả gần chục tỷ đô la mỗi năm gần đây. Hoạt động M&A là bình thường khi Việt Nam đã theo đuổi kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là vì sao hoạt động đó lại diễn ra với các doanh nghiệp Việt Nam ở ngay trong nước là chính? Vì sao doanh nghiệp Việt Nam lại không tiến hành các hoạt động M&A ở nước ngoài? Ở mặt trận khác, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm điểm bậc nhất thế giới trong năm qua, làm biết bao cổ phiếu rẻ “như bèo”, làm biết bao tài sản của doanh nghiệp niêm yết “bốc hơi”. Tuy nhiên, dòng vốn ngoại lại tiếp tục đổ vào. Xin điểm qua một vài tít báo nổi bật gần đây “Khối ngoại có tháng mua ròng cao nhất từ đầu năm”, “Khối ngoại tăng mua ròng, tập trung gom cổ phiếu bất động sản và chứng khoán”, “Khối ngoại mua ròng hơn 1.900 tỷ đồng trong phiên thị trường đỏ lửa”...
Ảnh minh hoạ. |
Theo các nhà kinh tế, cách thức ưa chuộng của những nhà đầu tư toàn cầu là tìm các doanh nghiệp tốt ở nước sở tại để mua ở thời điểm có giá hời nhất, thường là khi nền kinh tế đó rơi vào khó khăn hay khủng hoảng. Doanh nghiệp tốt, nhưng đứng trước nguy cơ mất thanh khoản, vỡ nợ vẫn phải chấp nhận bán mình. Với những khó khăn hiện nay, khả năng một số doanh nghiệp tốt của Việt Nam rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn. Nguyên nhân là do thiếu thanh khoản, không thể huy động vốn trong nước, trong khi bên ngoài lại có nhiều vốn rẻ nên một số doanh nghiệp có thể phải bán mình.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 25 tỷ USD, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng đạt 19,7 tỷ đô la, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Số vốn FDI thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua. Điều này chứng tỏ, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng vào triển vọng kinh tế ở nước ta và họ sẵn sàng duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam. Song, vấn đề nằm ở chỗ, khu vực doanh nghiệp này đang ngày càng lớn mạnh, trở thành trụ cột chính của nền kinh tế và trong không ít trường hợp, gây chèn ép, lấn át khu vực doanh nghiệp của đất nước.
Ban Kinh tế Trung ương cho biết, trong một tài liệu, trong cơ cấu kinh tế hiện nay, khu vực FDI đóng góp tới 20,13% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Dựa vào chỉ số giá trị gia tăng, doanh thu và việc làm cho thấy, các doanh nghiệp FDI chi phối 12/24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng vai trò chi phối ở 4/5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử và sản xuất đồ gỗ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thay thế nhập khẩu như ngành cao su-nhựa, kim loại cơ bản và các sản phẩm cơ khí. Tuy nhiên, đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực FDI còn khiêm tốn; Tốc độ tăng về số nộp ngân sách thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận; Tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước có xu hướng giảm.
Những con số trên cho thấy, các doanh nghiệp FDI đang đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp này thống lĩnh trong khu vực xuất khẩu và ở cả những lĩnh vực thuần túy trong nước như hàng tiêu dùng và hệ thống bán lẻ. Chỉ nhìn qua các cửa ngõ ở Hà Nội, hay TP. HCM, nay một vài tỉnh đông dân xem các đại siêu thị thuộc sở hữu của ai thì biết rõ. Sự hiện diện như vậy tất nhiên có nhiều điểm lợi vì họ mang đến vốn, kỹ năng quản trị, công nghệ. Tuy nhiên, sự lấn át đó cũng rất đáng quan tâm nếu Việt Nam muốn nền kinh tế “độc lập, tự chủ”, thách thức mong muốn các doanh nghiệp dân tộc phải trở thành trụ đỡ chính và khơi dậy các nguy cơ hay rủi ro bị thao túng từ các yếu tố bên ngoài.
Có nhà kinh tế cảnh báo, nếu chính phủ một hoặc một số nước nào đó hỗ trợ các doanh nghiệp của mình bằng tín dụng rẻ hoặc các cách thức khác để thâu tóm các doanh nghiệp và tài sản ở các nước mà họ muốn ảnh hưởng thì sẽ thách thức cho an ninh và kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được, chỉ chiếm 10% GDP trong hàng chục năm nay, lại chịu các cú sốc lớn như vị doanh nhân kể trên, thì xu hướng này là rất đáng cảnh giác và có thể diễn ra đối với Việt Nam hiện nay. Nguy cơ “đầu tư chui, đầu tư núp bóng” đã từng được đưa vào nghị quyết để cảnh giác tình trạng các giao dịch bất động sản trá hình khi người Việt hay doanh nghiệp Việt đứng tên, nhưng thực chất là thuộc sở hữu bên ngoài. Nhắc lại điều này để thấy rằng, cảnh giác trong bối cảnh hiện nay là không thừa.
Đề cập đến vấn đề này, tôi hoàn toàn không có ý phân biệt đối xử khu vực ngoại, khu vực đã mang lại bao điều mới mẻ, hiện đại, tiên tiến cho nền kinh tế, cho người dân trong hơn ba chục năm qua. Vấn đề là ở chỗ, cần tiếp tục các chương trình cải cách hiệu quả hơn nữa để doanh nghiệp dân tộc phát triển, để người dân tiếp tục bỏ vốn ra đầu tư kinh doanh, thay vì cất vàng trong nhà, hay chuyển tài sản ra nước ngoài. Các chủ trương lớn như công tư kết hợp, xã hội hóa y tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thực thi quyền tài sản,... cần tiếp tục được cải cách. Đó là về dài hạn. Còn ngắn hạn, với những vị doanh nhân kể trên, họ muốn được tiếp cận đến vốn để duy trì dòng tiền nếu không thì việc bán đi là điều không tránh khỏi./.