Người con của tình hữu nghị Việt – Thái

Nguyên Khoa 21/01/2023 07:59

(Baonghean.vn) -  Ngày cuối năm, chúng tôi tình cờ gặp lại Tiến sỹ Suriya Khamwan khi anh cùng đoàn công tác của các tỉnh Đông Bắc Thái Lan sang thăm Nghệ An nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Hữu nghị Việt - Thái Nghệ An.

Trong buổi chiều se lạnh ở khu đô thị mới Vinh Tân, vị tiến sỹ người Thái gốc Việt không giấu nổi sự bất ngờ trước sự phát triển của thành phố Vinh: “Vinh cũng như Nghệ An phát triển nhanh quá. Cách đây 20 năm, khi tôi sang Trường Đại học Vinh để học cao học chuyên ngành Ngôn ngữ học, nơi này vẫn đang là bãi rau muống, là bãi nước thải đen ngòm. Thế mà, giờ đây là khu VIP của thành phố. Ngày đó, Vinh không nhiều ô tô, không nhiều nhà cao tầng, chưa có phố đi bộ như bây giờ....”.

Vâng lời Bác Hồ dạy

Tiến sỹ Suriya Khamwan có tên tiếng Việt là Vũ Đình Phú. Cộng đồng người Việt ở Đông Bắc Thái Lan gọi anh với cái tên đầy trìu mến là “Thầy Phú”. Ông bà nội anh quê ở Ý Yên (Nam Định), có mặt trong đoàn người dắt díu nhau vượt Trường Sơn, qua Lào, sang Đông Bắc Thái Lan giai đoạn những năm 1931 - 1935. Trong số người Việt di cư sang Thái Lan giai đoạn đó, có rất nhiều người Nghệ An, Hà Tĩnh bị thực dân Pháp đàn áp sau phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Trước đợt di cư này, người Nghệ đã có mặt ở vùng Đông Bắc Thái Lan, dựng bản, lập làng. Nổi bật trong số các làng của người Việt ở vùng Đông Bắc Thái Lan là khu vực Bản Mạy, nơi Nguyễn Ái Quốc với tên gọi Thầu Chín cùng các đồng chí của mình đến sinh sống giác ngộ, tuyên truyền cách mạng cho bà con Việt kiều...

Tiến sỹ Suriya Khamwan có tên tiếng Việt là Vũ Đình Phú.

Tiến sỹ Suriya Khamwan sinh năm 1974, là thế hệ người Việt thứ 3 sinh ra ở Thái Lan, mang Quốc tịch Thái, lấy vợ Thái, nhưng anh luôn nặng lòng với quê hương Việt Nam, nhất là với Nghệ An. Suriya Khamwan cho biết, người Nghệ An, Hà Tĩnh là những người đầu tiên có mặt ở Nakhon Phanom cũng như các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan. Họ sang Thái để tránh sự bách hại của thực dân Pháp, để tránh bị bắt đi lính và sang để làm cách mạng. Sang Thái với hai bàn tay trắng, nhưng sự cần cù, chịu thương, chịu khó và sự cố kết cộng đồng đã giúp người Việt nói chung, người Nghệ nói riêng nhanh chóng ổn định cuộc sống, có của ăn, của để, có nguồn lực để hướng về quê hương đang bị áp bức, lầm than.

Những người con Nghệ An như Đặng Thúc Hứa, Đặng Quỳnh Anh, Nguyễn Sỹ Sách, Võ Trọng Đài, Hồ Tùng Mậu và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh là những tấm gương sáng, được cộng đồng người Việt ở Thái Lan kính trọng. Ban đầu, khi mới sang Thái Lan, người Nghệ chỉ coi đây là nơi đi lánh nạn, luôn muốn trở về tham gia phong trào cách mạng, mong chờ ngày độc lập. Họ không hòa nhập với cuộc sống ở Thái, không học tiếng Thái...

Ngôi nhà nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tên gọi Thầu Chín sống, làm việc tại Nakhon Phanom (Thái Lan).

Năm 1928, khi sang Thái Lan để xây dựng phong trào cách mạng trong cộng đồng người Việt, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lấy tên Thầu Chín đã khuyên bảo mọi người rằng, cuộc kháng chiến của dân tộc sẽ còn dài, bà con cần phải học tiếng Thái, hòa nhập với văn hóa bản địa và chính quyền sở tại. Chỉ có như vậy, cuộc sống bà con mới khấm khá lên, mới có nguồn lực hướng về quê hương. Bà con sẽ có được những thiện cảm của người dân và chính quyền sở tại sẽ ủng hộ các phong trào cách mạng của Việt kiều....

Vâng lời Bác Hồ dạy, các thế hệ người Nghệ nói riêng, người Việt nói chung luôn đoàn kết, từng bước hòa nhập với xã hội Thái Lan, họ xem Thái Lan là quê hương thứ hai và có nhiều đóng góp cho quê hương trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong quá trình xây dựng đất nước sau này...

Cũng từ lời dạy của Bác mà Suriya Khamwan có những lựa chọn riêng cho mình trên con đường phát triển sự nghiệp. Mặc dù gia đình có cơ sở kinh doanh rất lớn ở Nakhon Phanom, nhưng anh không theo nghiệp kinh doanh, bởi anh luôn tâm niệm, phải làm “một điều gì đó có ý nghĩa” cho cộng đồng người Việt, cho văn hóa Việt...

Năm 1960, khi có lời hiệu triệu của Bác kêu gọi kiều bào về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cộng đồng Việt kiều Thái Lan đã nhanh chóng đáp lời. Theo số liệu của Thái Lan năm 1960, trong một thời gian ngắn đã có 70.042 người đăng ký hồi hương về miền Bắc Việt Nam qua Cảng Hải Phòng. Tính từ chuyến đầu tiên vào ngày 10/1/1960 đến đầu năm 1964 đã có 75 chuyến tàu hồi hương với khoảng 45.536 người...

Nhen ngọn lửa tình yêu quê hương

Sau khi tốt nghiệp cử nhân lịch sử, Suriya Khamwan tiếp tục học thêm về văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Năm 2002, anh sang Trường Đại học Vinh học thạc sỹ, chuyên ngành Ngôn ngữ học. Năm 2004, khi Suriya Khamwan tốt nghiệp thạc sỹ, cũng là lúc Chính phủ Thái Lan có chủ trương tăng cường đào tạo ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên, trong đó ưu tiên các quốc gia có tiềm năng ở Đông Nam Á với tham vọng sẽ đào tạo nên một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng chiếm lĩnh thị trường các nước trong khu vực khi cộng đồng ASEAN hình thành. Suriya Khamwan được mời về giảng dạy ở Khoa Văn hóa, Trường Đại học Nakhon Phanom. Nhiệm vụ chính là dạy tiếng Việt, văn hóa Việt cho sinh viên Thái. Trong thời gian này, anh vừa giảng dạy, vừa hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, trở thành tiến sỹ chuyên ngành Văn hóa.

Tiến sỹ Suriya Khamwan báo cáo khoa học chủ đề Quan hệ Thái Lan Việt Nam tại hội thảo do Trường đại học Nakhon Phanom phối hợp với Trường sỹ quan lục quân Hoàng gia Thái Lan tổ chức.

Với những hoạt động say mê trong giảng dạy tiếng Việt, truyền bá văn hóa Việt ở Thái Lan, uy tín của Tiến sỹ Suriya Khamwan trong cộng đồng ngày càng được khẳng định. Anh được chính quyền tỉnh Nakhon Phanom tin tưởng giao nhiệm vụ làm phiên dịch cho các đoàn khách người Việt đến thăm, làm việc với tỉnh. Tháng 6/2013, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Thái Lan, anh được giao nhiệm vụ phiên dịch.

Tiến sỹ Suriya Khamwan cùng lãnh đạo tỉnh Nakhon Phanom tiếp đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tháng 6, năm 2013.

Anh cũng là phiên dịch viên chính cho đoàn cấp cao tỉnh Nakhon Phanom tại Hội nghị cấp cao 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan sử dụng đường 8 và đường 12 tổ chức luân phiên tại Nakhon Phanom, Nghệ An, Bôlykhămxay (Lào). Suriya Khamwan còn là thành viên Hội Thái - Việt tỉnh Nakhon Phanom; thành viên Ban Thư ký Hội Người Việt Nam toàn Thái Lan... Anh cũng đã kết nối các chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Hà Tĩnh và các trường đại học ở Hà Nội sang làm việc với Trường Đại học Nakhon Phanom; cố vấn cho Trung tâm Hữu nghị Nakhon Phanom - Hà Nội về việc dạy tiếng Việt; đưa hàng chục sinh viên Thái Lan qua Việt Nam học tiếng Việt và ngược lại...

Ở Nakhon Phanom có Làng Hữu nghị Thái - Việt với địa chỉ quan trọng nhất là ngôi nhà của Thầu Chín (Chủ tịch Hồ Chí Minh), nhà của ông Võ Trọng Đài, quê huyện Hưng Nguyên, một người bạn của Bác Hồ, nơi các nhà cách mạng tiền bối chọn làm căn cứ ở Thái Lan. Suriya Khamwan cho biết, kể từ năm 2004, khi Làng Hữu nghị ra đời rồi Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hình thành, Nakhon Phanom đã trở thành “địa chỉ đỏ”, là điểm đến không thể thiếu của tất cả các đoàn khách du lịch khi đến với Đông Bắc Thái Lan. “Năm 2022 này, Nakhon Phanom được xếp vào Top 2 toàn Thái về du lịch. Không chỉ người Việt đến với Làng Hữu nghị mà khách du lịch và các nhà nghiên cứu châu Âu, Đông Á, châu Mỹ... cũng đều tìm đến đây để hiểu thêm về những hoạt động của Bác Hồ ở Thái Lan”, anh chia sẻ.

Trao đổi về văn hóa Việt tại Trường lục quân Thái Lan.

Say sưa kể về cuộc sống của đồng bào người Việt ở Thái Lan, về đổi thay của bản Mạy ở Nakhon Phanom, về ngôi nhà Bác Hồ sinh sống với những vật dụng thân thuộc như ở Khu Di tích Kim Liên (Nam Đàn); về những chiếc bàn thờ với chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và cờ Tổ quốc trong mỗi ngôi nhà của người Việt... giọng Suriya Khamwan bỗng chùng xuống khi tôi hỏi về việc người Việt ở Thái sử dụng tiếng Việt như thế nào?. Anh nói: “Thế hệ người Việt thứ 3, thứ 4, thứ 5 ở Thái Lan giờ rất ít sử dụng tiếng Việt mà họ dùng tiếng Anh, tiếng Thái. Điều này cũng đúng thôi, bởi vì họ đã là người Thái, họ hòa nhập vào xã hội Thái hàng chục năm nay rồi. Chính phủ Thái công nhận người Việt là một dân tộc thiểu số ở Thái Lan. Các bạn trẻ giờ đây rất ít người sử dụng được tiếng Việt”.

Là một tiến sỹ chuyên ngành văn hóa, lại hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Suriya Khamwan xác định, những người như mình phải có trách nhiệm thắp lên ngọn lửa tình yêu tiếng Việt trong thế hệ người gốc Việt trẻ ở Thái. Với tâm niệm đó, anh đã âm thầm mở các lớp dạy tiếng Việt cho người Việt, dạy tiếng Việt cho lãnh đạo Trường Đại học Nakhon Phanom, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và Hội Người Việt toàn Thái tổ chức các ngày hội văn hóa Việt... “Các bạn trẻ người Thái gốc Việt luôn tự hào với quê hương, tổ tiên của mình là người Việt, là con cháu Bác Hồ. Chỉ vì mải mê với cuộc sống và không có nhiều cơ hội sử dụng tiếng Việt nên vốn tiếng Việt bị mai một mà thôi. Trách nhiệm của chúng ta là phải từng bước trao truyền, gieo tình yêu tiếng Việt, văn hóa Việt cho những người trẻ”, anh tâm sự.

Sứ mệnh trao truyền, khơi dậy ngọn lửa tình yêu với tiếng Việt được Suriya Khamwan âm thầm thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Hiện nay, anh đang thực hiện bộ phim tài liệu “Việt kiều hồi hương” do Quỹ phát triển văn hóa của Chính phủ Thái Lan tài trợ. Anh cho biết: “Bộ phim có 7 tập, năm 2022 sẽ hoàn thành 6 tập, đầu năm 2023 hoàn thành tập còn lại. Một trong những điểm nhấn của phim là những cảnh quay ở Nghệ An và Hà Nội, nơi nhiều người dân hồi hương xây dựng đất nước theo tiếng gọi của Bác Hồ đang sống, làm việc và khá thành công. Chúng tôi ấn tượng với những người Nghệ An từ Thái Lan trở về đang rất thành công ở các phường: Đội Cung, Cửa Nam, Lê Lợi, với làng Việt kiều ở Quỳ Châu, TX. Thái Hòa... Những người này cũng chính là sợi dây nối liền mối quan hệ bền chặt giữa hai cộng đồng, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt Nam - Thái Lan”.

Đoàn làm phim Việt kiều hồi hương của Thái Lan thực hiện cảnh quay tại thành phố Vinh.

Lần trở lại Việt Nam này, Suriya Khamwan và các đồng nghiệp hoàn thành nốt những cảnh quay tại chợ Vinh, đường Trần Hưng Đạo, chợ Ga Vinh, Làng Sen và một số địa điểm khác ở Hà Nội. “Vinh, Nghệ An phát triển quá nhanh, quá ấn tượng. Chúng tôi rất vui vì bà con từ Thái Lan trở về quê, ai cũng khấm khá, ai cũng tự hào là mình có 2 quê hương, được Bác Hồ dạy bảo, trở về quê theo tiếng gọi của Bác Hồ nhưng họ luôn nhớ những ngày tháng gian khổ ở Đông Bắc Thái Lan.

Cũng giống như những người Việt ở Thái Lan hiện nay, luôn hướng về quê hương, đất nước với niềm tự hào và biết ơn”, Suriya Khamwan chia sẻ và khẳng định: “Những người Thái gốc Việt chúng tôi lớn lên khi đất nước đã hòa bình nhưng những lời dạy của các bậc tiền bối luôn là ngọn đuốc soi đường cho chúng tôi phấn đấu. Nakhon Phanom có nhà Bác Hồ, Nghệ An là quê của Bác. Đây là niềm tự hào, là điểm tương đồng để 2 tỉnh gắn kết, mở ra những cơ hội hợp tác toàn diện, nhất là lĩnh vực đầu tư, du lịch. Với tôi, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng sẽ cố gắng góp sức mình vì sự phát triển của cộng đồng, vì bản sắc của dân tộc, vì mối quan hệ hữu nghị Việt - Thái”.

Sau khi chia tay Nghệ An, trở về nước bằng tuyến đường bộ xuyên qua đường Hồ Chí Minh, vượt Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình), Tiến sĩ Suriya Khamwan viết trên trang cá nhân của mình “Con đường Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống Mỹ. Từ con đường chiến tranh và chết chóc đến con đường thương mại, con đường hạnh phúc”, kèm theo đó hình ảnh Cột mốc 528 phía Việt Nam với nước bạn Lào. Qua cột mốc này, men theo đường 12, vượt cầu Hữu Nghị bắc qua sông Mekong là đến Nakhon Phanom.

Đây cũng chính là tuyến đường chiến lược trong Hành lang kinh tế Đông Tây mà 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan đang xây dựng. Tôi biết, một ngày không xa, khi hành lang kinh tế Đông Tây phát triển, khi cộng đồng kinh tế thực sự trở thành trụ cột của cộng đồng ASEAN, cư dân 3 nước sẽ có những cơ hội hợp tác mới, họ sẽ cùng nắm tay nhau, hát bài ca kết đoàn, bài ca hạnh phúc và thịnh vượng như mục tiêu mà chính phủ 3 nước đề ra...

Nakhon Phanom và miền Trung Việt Nam có mối gắn bó mật thiết về địa chính trị. Ngay khi đặt chân đến Thái Lan, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xem đây là địa bàn chiến lược, là điểm tiếp nhận những người yêu nước và cách mạng từ Việt Nam sang. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, căn cứ không quân Nakhon Phanom cũng là nơi đế quốc Mỹ đặt bộ não của hàng rào điện tử MC Namara ... Phong trào cách mạng ở Nakhon Phanom được các thế hệ tiền bối gây dựng, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, định hướng và phát triển mạnh, góp phần quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc ta.

Cộng đồng người Việt ở Nakhon Phanom hiện nay gồm hơn 1 vạn người, sống cố kết trong các làng của người Việt và ở Thành phố Nakhon. Cộng đồng có kinh tế khá giả, ổn định. Bà con đều đã được cấp Quốc tịch Thái và là cộng đồng người ngoại quốc lớn nhất ở Đông Bắc Thái Lan.


Nguyên Khoa