Tết ấm áp, sẻ chia với cô trò xứ Nghệ

Mỹ Hà 21/01/2023 19:53

(Baonghean.vn) -  Tết năm nay, với sự chung tay giúp sức của các tổ chức xã hội đã lan tỏa yêu thương, thắp sáng thêm niềm tin, hy vọng để các em có thêm động lực vươn lên trong học tập và rèn luyện.

Tết của những học sinh xa nhà

Vi Chung Dũng là học sinh lớp 11A3 của Trường THPT DTNT tỉnh. Dũng là người dân tộc Thái, quê vốn gốc ở huyện Tương Dương. Năm 2016, gia đình Dũng chuyển xuống khu tái định cư xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương theo dự án di dời lòng hồ để làm thủy điện Bản Vẽ...

Chuyển về quê mới, Dũng ở với mẹ nuôi. Còn bố mẹ đẻ của Dũng là ai em không còn nhớ nữa. Hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống bữa đói, bữa no nên khát khao lớn nhất của Dũng đó là được đi học, có một công việc ổn định, sau này còn có tiền giúp mẹ và giúp em...

Trao quà Tết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường THPT DTNT tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Với quyết tâm này, năm ngoái Dũng là một trong ít học sinh của Trường THCS Hương Tiến (Thanh Chương) thi đậu vào Trường THPT DTNT tỉnh. Vì đi học xa nhà, nên Dũng ít có dịp về gia đình, trừ dịp Hè và dịp Tết. Mẹ nuôi của Dũng hiện đang đi làm công nhân ở Bắc Ninh. Tết năm trước vì dịch mẹ không về, Dũng đón một cái Tết trầm lắng. Năm nay, mẹ Dũng bảo 28 Âm lịch, mẹ được nghỉ Tết, mấy mẹ con sẽ được gặp nhau... Từ ngày biết mẹ về, lòng Dũng chộn rộn niềm vui, chờ mong Tết của gia đình...

Trước ngày về Tết, Dũng cũng đã ấp ủ một món quà riêng tặng mẹ, đó là bảng điểm với nhiều môn điểm tổng kết đạt loại giỏi. Quà cho em, Dũng cũng đã ấp ủ và dành ngày cuối cùng ở Vinh để đi sắm sửa.

Đã 2 năm rồi, từ ngày xuống học ở trường THPT DTNT tỉnh, Dũng cũng không còn cảm thấy cô đơn nữa bởi năm nào em cũng nhận được quà Tết từ thầy cô, từ nhà trường. Năm nay, thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Dũng còn được Công đoàn trường, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh đến trao học bổng... Hôm chuyển quà Tết cho Dũng, cô giáo hiệu trưởng cũng đã đến tận phòng của Dũng ở ký túc xá...

Thương cậu học trò ít nói, hiền lành nhưng nghị lực, cô đã hứa với Dũng sẽ chăm sóc Dũng không chỉ trong những năm THPT mà sẽ cố gắng kiếm học bổng cho Dũng nếu em đậu đại học, thực hiện được ước mơ làm bác sĩ... Trước Dũng 2 khóa, vừa có 5 trường hợp đậu đại học được nhà trường kết nối, tìm người đỡ đầu để hỗ trợ kinh phí học đại học cho đến ngày các em ra trường. Câu chuyện của các anh, chị khóa trước tiếp thêm niềm tin để Dũng nỗ lực học tập...

Học sinh Trường THPT DTNT tỉnh bày mâm cỗ Tết cổ truyền của các dân tộc miền núi xứ Nghệ. Ảnh: Mỹ Hà

Tết cổ truyền luôn luôn là một dịp đặc biệt ở các trường nội trú và thường được các nhà trường chuẩn bị từ rất sớm. Tại Trường THPT DTNT tỉnh, lễ hội Xuân với chủ đề “Tết sum vầy, Xuân gắn kết” diễn ra trong hai ngày.

Trong đó, ngày đầu, toàn trường cùng gói và nấu bánh chưng.

Ngày thứ hai, không khí tết sôi động hơn với giải bóng đá hội đồng hương các huyện, hội thi trình bày mâm cỗ tết cổ truyền các dân tộc thiểu số, tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống và cuối cùng là đêm hội Xuân với bữa cơm tất niên, chương trình văn nghệ đặc sắc và màn đồng diễn xòe Thái đậm đà bản sắc dân tộc mang hơi thở của mùa Xuân, của núi rừng và của tình người nội trú. Trong chương trình này, nhà trường cũng đã trao 70 suất quà dành cho những học sinh vượt khó vươn lên trong học tập với số tiền hơn 60 triệu đồng.

Với học sinh xa nhà các em chịu nhiều thiệt thòi và vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng xây dựng trường học, xây dựng ký túc xá để các em luôn cảm thấy ấm áp như ngôi nhà thứ 2 của mình. Tết năm nay, với sự chung tay giúp sức của các nhà hảo tâm chúng tôi mong rằng sẽ lan tỏa yêu thương, thắp sáng thêm niềm tin, hy vọng để các em có thêm động lực vươn lên trong học tập và rèn luyện. Qua chương trình cũng để các em trở về với những giá trị truyền thống của dân tộc, để các em thấy yêu và tự hào hơn với quê hương mình.

Cô giáo Nguyễn Kiều Hoa – Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh

Những ngày qua, không khí Tết cũng đã được nhiều trường tiểu học, THCS, THPT dân tộc bán trú, dân tộc nội trú trên toàn tỉnh triển khai với nhiều hoạt động ý nghĩa và mang đậm không khí của Tết Việt. Thầy giáo Ngô Chiến Thắng – giáo viên và Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Quế Phong chia sẻ: Trường chúng tôi có hơn 1000 học sinh sống xa nhà, hàng trăm học sinh thuộc diện nghèo, cận nghèo và nhiều em vì hoàn cảnh khó khăn thật khó một cái Tết no đủ.

Để chuẩn bị cho chương trình Tết yêu thương, nhà trường đã phát động trong toàn đội ngũ giáo viên, kêu gọi các nhà tài trợ và dành tặng 50 suất quà cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn và động viên các em học sinh cùng gia đình đón một cái Tết ấm áp, vui vẻ. Chúng tôi cũng mong rằng, từ tình cảm của thầy cô, của nhà trường các em sẽ thấy gắn kết với ngôi trường mình đang học, nuôi dưỡng ước mơ và đi học chuyên cần, không để xảy ra tình trạng bỏ học sau Tết.

Ấm áp sự sẻ chia

16 năm trong ngành nhưng với vị trí của một nhân viên thư viện, mức lương của cô giáo Cao Thị Hà – Trường THCS Tam Đình (huyện Quỳ Hợp) vẫn chỉ xấp xỉ hơn 5 triệu đồng. Số tiền này, chị trích gần 1 triệu/1 tháng để trả tiền nhà trọ, 2 triệu gửi về Nghĩa Đàn để nhờ bố mẹ đẻ chăm con gái. Số còn lại chị sống chắt chiu, tằn tiện và hầu hết số tiền tiết kiệm được để đi điều trị bệnh cho con gái.

Chia sẻ về hoàn cảnh của mình chị nói thêm: Tôi làm mẹ đơn thân nên nuôi con một mình từ nhỏ. Cách đây 4 năm, tôi thấy cháu bị đau xương nên đem xuống bệnh viện để điều trị thì mới biết cháu bị bệnh u xương và phát hiện muộn. Bệnh của cháu hiếm gặp, tháng nào tôi cũng phải đem cháu ra Hà Nội khám và điều trị khoảng 1 tuần, sức khỏe của cháu yếu và điều trị cũng rất tốn kém.

Trao quà Tết cho học sinh tại Trường THPT Quế Phong. Ảnh: Chiến Thắng

Vì công việc và hoàn cảnh gia đình nên chị Cao Thị Hà phải công tác xa nhà và chấp nhận sống xa con, mỗi tuần về một lần. Vậy nhưng, hầu hết thời gian công tác chị luôn sống thấp thỏm vì căn bệnh của con éo le, mỗi lần chuẩn bị phát bệnh lại sốt, kéo dài đến hơn 10 ngày. Thương hoàn cảnh của chị nên hàng năm, vào những dịp lễ, Tết, nhà trường đều có quà động viên hỗ trợ. Năm nay, chị xúc động hơn vì được nhận quà Tết của Sở Giáo dục và Đào tạo và đây thực sự là món quà Tết đúng nghĩa bởi với những giáo viên, nhân viên đang công tác ở huyện vùng sâu, vùng xa, khái niệm thưởng Tết dường như rất xa vời.

Tết cũng đã đến với cô giáo Vy Thị Thơm nữ giáo viên từng bị ngập hết nhà cửa trong cơn lũ cuốn đầu tháng 10 tại xã Tà Cạ - huyện Kỳ Sơn. Khi đó, chị đứng bên này bờ nước, nhìn sang bên kia là nhà của mình đã hư hỏng, ngập trong biển nước mà không biết phải làm gì, tài sản của chị còn duy nhất khi đó chỉ có bộ quần áo mặc trên người.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao quà Tết cho các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, bị lũ cuốn ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Hơn 3 tháng sau, người giáo viên một mình nuôi 2 con này đã có thể tìm lại nụ cười bởi thời gian qua, chị luôn nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể và của chính quyền địa phương. Nhờ đó, nhà của chị đã được tu sửa, đồ dùng sinh hoạt cũng đã được hỗ trợ và từng bước mua sắm lại. Tết năm nay, chị lại là một trong những người đầu tiên nhận được sự hỗ trợ của ngành Giáo dục...

Cầm trên tay món quà tết chứa chan ân tình, cô giáo Vy Thị Thơm cũng nói rằng: Càng trong hoạn nạn, khó khăn lại càng thấy được tấm lòng của mọi người, thấy được sự sẻ chia đùm bọc...

Đón Xuân mới, có thể sẽ lạnh, miền núi cao sương giá có thể giăng kín lối về. Nhưng trong lòng mỗi người lại thấy ấm áp, thấy yêu thương.

Mỹ Hà