Nghệ An: Ngăn ngừa hoạt động mê tín dị đoan dịp lễ hội đầu năm

Mỹ Hà - Đình Tuyên 31/01/2023 12:10

(Baonghean.vn) - Việc đi lễ, chùa đầu năm là một phong tục truyền thống có từ lâu đời của người dân Việt Nam. Nhưng, đây cũng là hoạt động dễ có những "biến tướng" và khó tránh tình trạng mê tín dị đoan và lạm dụng các yếu tố tâm linh để làm dịch vụ.

Sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay du khách đi lễ chùa đầu năm đông hơn các năm trước rất nhiều lần. Tại đền Ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh - huyện Hưng Nguyên), từ ngày mùng Một Tết đã có khoảng 12.000 lượt du khách đến vãn cảnh và thắp hương cầu xin năm mới an lành. Ảnh: Đình Tuyên

Số khách đến từ sau Tết vẫn tiếp tục tăng, chiếm phần lớn là du khách đến từ nhiều tỉnh, thành phía Bắc và dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng Giêng. Từ cổng tam quan và các điện chính, nhiều khu vực của đền Ông Hoàng Mười đã được trang hoàng đẹp phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái. Ảnh: Đình Tuyên

Hiện hơn 70 gian hàng bày bán ở gần khu vực đền Ông Hoàng Mười đã được chuyển sang vùng quy hoạch mới, phía ngoài khu vực di tích để tránh lộn xộn, xô bồ. Tuy nhiên, sau Tết, do số lượng du khách tăng nên vẫn có những bàn nhỏ phục vụ lễ và ghi sớ cho du khách. Đại diện Ban quản lý cũng cho biết, những bàn phục vụ di động này chỉ được phục vụ trước ngày 15 Âm lịch, sau đó sẽ yêu cầu không được tổ chức gần khu vực đền để đem lại không gian yên tĩnh và thoáng đãng cho di tích. Ảnh: Mỹ Hà

Tất cả các hàng quán ở quanh khu vực đền đều bày bán lễ phục vụ du khách có nhu cầu. Ảnh: Đình Tuyên

Theo dân gian, đền thờ thần Hoàng Mười, người có công hộ quốc bảo dân, che chở cuộc sống cộng đồng, được nhân dân khắp nơi tôn kính. Ngoài ra, đền còn thờ một số vị phúc thần như: Mẫu tứ phủ, Song Đồng Ngọc Nữ… Lượng khách đi lễ đền đầu năm rất đông nên trong quá trình làm lễ, không tránh khỏi sự chen chúc, chật chội. Ảnh: Đình Tuyên

Trao đổi với bà Hoàng Thị Phương Thanh - Trưởng phòng Văn hóa huyện Hưng Nguyên - Trưởng ban Quản lý Khu di tích đền Ông Hoàng Mười, được biết: Trong dịp đầu năm mới, khu di tích đền Ông Hoàng Mười tổ chức đón khách về sinh hoạt văn hóa tâm linh tất cả các ngày trong tuần, thời gian 24/24h và ưu tiên khách về hành hương, chiêm bái, vãn cảnh đền. Việc tổ chức hầu đồng sẽ có lịch riêng nhưng dự kiến tổ chức từ sau Rằm tháng Giêng để không ảnh hưởng đến việc đi lễ của du khách. Để đảm bảo an toàn, an ninh tại khu di tích, năm 2023, Ban quản lý sẽ tăng cường công tác kiểm tra đối với các dịch vụ ốt quán trong việc thực hiện nếp sống văn minh, chỉ đạo điều hành tổ giữ xe đảm bảo an ninh trật tự và tránh ùn tắc, không phục vụ ăn uống, thụ lộc của đoàn khách. Ảnh: Đình Tuyên

Từ trước và sau Tết, lượng khách đến bái lễ, tạ ơn và cầu an cho năm mới ở đền Hồng Sơn (thành phố Vinh) cũng rất đông với khoảng 2.000 khách/ngày, cao gấp đôi so với các năm trước. Ảnh: Mỹ Hà

Năm nay, nhà đền đã tạo mọi điều kiện cho các du khách và các thầy về làm lễ tại đền. Tuy nhiên, để tránh tình trạng lạm dụng dịch vụ tâm linh, tránh tình trạng chèo kéo du khách, nhà đền yêu cầu những người bán lễ tại đền không được tự ý nâng giá, ép du khách mua nhiều lễ vật, ông Hồ Bá Tiến - Phó Trưởng ban quản lý đền Hồng Sơn cho biết. Ảnh: Đình Tuyên

Việc cam kết hành nghề trợ giúp cho hoạt động hành lễ đầu năm được thực hiện nghiêm túc, nhà đền công khai bảng giá các dịch vụ tránh tình trạng lộn xộn và hạn chế tình trạng thương mại hóa. Đầu năm 2023, nhà đền cũng đã phát hiện một số trường hợp vi phạm quy định và kịp thời yêu cầu chấn chỉnh. Ảnh: Đình Tuyên

Trước thềm năm mới, đền Hồng Sơn được tu sửa và xây mới một số hạng mục như nhà thượng điện, trung điện, hai nhà tạ hữu. Tổng số tiền tu sửa là hơn 11 tỷ đồng được trích từ nguồn xã hội hóa và nguồn tiền công đức. Ảnh: Đình Tuyên

Du khách đi lễ đền đầu năm yêu cầu thực hiện theo đúng quy định của đền, tránh hiện tượng chen lấn xô đẩy, cảnh báo hiện tượng lợi dụng đông người để móc túi, trộm cắp tài sản. Ảnh: Đình Tuyên

Mỹ Hà - Đình Tuyên