Nghệ An: Tiền công gần nửa triệu mỗi ngày vẫn khó thuê thợ cấy
(Baonghean.vn) - Hiện nay, nhiều địa phương đang nỗ lực khép kín diện tích lúa xuân để kịp lịch thời vụ. Thiếu lao động, nhiều gia đình phải tìm thuê thợ cấy, dù tiền công lên mức 350.000 - 400.000 đồng/ngày vẫn khó thuê.
Những ngày này, nông dân các địa phương ở Thanh Chương đang nỗ lực khép kín diện tích lúa xuân kịp thời vụ. Ảnh: Thanh Phúc |
Gia đình chị Hiền Cảnh (xóm Hạ, xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương) làm 4 sào ruộng. Sau Tết chị đã thuê máy làm đất, hoàn tất việc bón lót. Thế nhưng, do nước chưa về ruộng nên đành phải chờ nước đủ mới xuống mạ. Thời tiết nắng ấm, các trạm bơm hoạt động, nước đủ cấy thì người dân cả xã cũng đồng loạt xuống đồng nên rất khó để thuê thợ cấy.
“Gọi cho nhóm thợ quen trong xã thì họ cũng bận cấy ruộng nhà; đăng lên trang Facebook cá nhân và hội nhóm Thanh Chương mãi 2 ngày sau mới có người nhận cấy. 4 sào, thuê 5 người cả nhổ mạ, cả cấy hết 1,6 triệu đồng/ngày”, chị Hiền Cảnh cho biết.
Do đầu vụ thiếu nước nên hiện nay, khi các trạm bơm hoạt động trở lại, bà con khẩn trương ra đồng, thuê thợ cấy để kịp lịch thời vụ. Ảnh: Thanh Phúc |
Không biết sử dụng Facebook để đăng bài thuê thợ cấy nên phải mất đến 3 ngày sau bà Nguyễn Thị Ninh (thôn Long, xã Thanh Lĩnh) mới thuê được người cấy 1,5 sào ruộng của gia đình.
“Hỏi những người hay cấy thuê trong xã thì hầu hết họ đã nhận ruộng nhà khác. Mọi năm, cấy sớm nên con cháu chưa vào Nam làm việc, chúng nó cấy giúp cho mình, không phải thuê. Năm nay cấy muộn hơn, con cháu đi hết, lao động trẻ trong làng, trong xã cũng trở lại nhà máy làm việc cả rồi nên khó thuê hơn. Phải đứng chờ đầu bờ, năn nỉ nhóm thợ 3 người cấy ruộng nhà hàng xóm xong sang cấy cho mình họ mới đồng ý. 1,5 sào ruộng mà hết những 1 triệu tiền thuê cấy rồi”, bà Ninh cho biết.
Dù tiền công khá cao nhưng vẫn rất khó thuê thợ cấy. Ảnh: Thanh Phúc |
Vụ xuân năm nay, huyện Thanh Chương gieo cấy 8.600 ha lúa, theo lịch thời vụ sẽ khép kín diện tích trước 10/2. Do trước đó thiếu nước nên mãi đến 4/2, nước mới về ruộng, để kịp thời vụ, người dân khẩn trương xuống đồng, tập trung nhân lực và thuê nhân công cấy. Tuy nhiên, việc thuê thợ cấy khá khó khăn khi số người đi cấy thuê không nhiều như trước, các địa phương khác cũng đồng loạt xuống đồng nên càng khan hiếm.
“Dù trả đến 300.000 đồng/ngày, thậm chí là 350.000 đồng/ngày (8 tiếng) và 400.000 - 450.000 đồng/ngày (nếu cấy xuyên trưa) nhưng vẫn không thuê ra người. 3 sào ruộng, tôi muốn thuê 5-6 người vừa nhổ mạ, vừa cấy trong 1 ngày cho xong đứt nhưng không tìm ra”, ông Nguyễn Văn Học, một chủ ruộng ở xã Thanh Hưng (Thanh Chương) cho hay.
Hiện, tiền công thuê cấy dao động ở mức 300.000-400.000 đồng/ngày hoặc 500-550 nghìn đồng/sào. Ảnh: Thanh Phúc |
Ra Tết, các địa phương trên địa bàn huyện Thanh Chương cũng như các huyện Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên… đang khẩn trương khép kín diện tích lúa xuân. Đầu vụ, thiếu nước nên đến nay, khi có nước cấp về ruộng, bà còn tập trung xuống đồng. Vì thế, nhu cầu thuê thợ cấy tăng cao.
Chị Đinh Thị Thanh (xóm Tân Hợp, xã Đại Đồng, Thanh Chương) cho biết: “5 ngày nay, nhóm cấy thuê 7 người chúng tôi liên tục nhận được các cuộc gọi của các chủ ruộng thuê cấy. Tiền công ruộng nông dao động từ 300.000 - 350.000 đồng/ngày; ruộng sâu 400.000 đồng/ngày; còn theo khoán diện tích thì lên đến 500.000 đồng/sào. Ngày nào tích cực, cấy xuyên trưa thì 7 người có thể cấy được 6-7 sào, chia tiền công ra cũng bỏ túi nửa triệu đồng/ngày”.
Nhiều địa phương đã đưa cơ giới hoá vào sản xuất song do số máy cấy hạn chế nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Ảnh: Thanh Phúc |
Theo chị Thanh cho biết, hiện đang là cao điểm vụ cấy lúa Xuân, nhu cầu thuê thợ cấy tăng cao khi người dân muốn sớm khép kín diện tích kịp thời vụ, không muốn chờ lâu vì sợ ruộng khô, mạ già sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây lúa. Do đó, từ 13 - 21/1 âm lịch nhóm cấy đã kín lịch, phải từ chối nhận ruộng dù rất nhiều người gọi thuê. “Không chỉ địa bàn Thanh Chương mà người dân các huyện lân cận như Nam Đàn, Đô Lương cũng gọi điện đặt lịch thuê cấy nhưng hiện chúng tôi chưa sắp xếp được”, chị Thanh cho biết.
Dù công việc mang tính thời vụ, chỉ diễn ra trong vòng 10-15 ngày nhưng mức tiền công khá cao giúp nhiều người có thêm thu nhập trong thời điểm nông nhàn./.