Phạm Quốc Ca: Một trái tim thơ đã ngừng nhịp đập

Vân Khánh 07/02/2023 18:23

(Baonghean.vn) - Nhà thơ Phạm Quốc Ca sinh năm 1952 tại Nghệ An. Ông làm thơ từ rất sớm, in thơ từ năm 20 tuổi, khi đang là người lính trực tiếp cầm súng bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Nhà thơ Phạm Quốc Ca vừa mất lúc 3h30' sáng 7/2 tại Đà Lạt.

Nhà thơ Phạm Quốc Ca.

Là nhà thơ, tiến sĩ văn học và làm nghề dạy học tại Đà Lạt gần cả đời người, nhưng trong tâm khảm nhà thơ Phạm Quốc Ca luôn luôn khắc khoải những ký ức quê hương, nơi con sông Bùng (Diễn Châu) in bóng làng nhỏ Thọ Khánh với bao hình ảnh thân thương:

"Nhớ hun hút những ngày gió bấc

Mưa bay mờ mịt cánh đồng

Cây rơm ướt bên hàng xoan trụi lá

Con bò gầy rút từng sợi mùa đông".

Nỗi nhớ về mẹ, về chị, nhớ mái nhà yêu dấu từ thuở ấu thơ luôn day dứt trong anh, trái tim nhà thơ vẫn luôn luôn thổn thức với những ký ức xa xưa. Tất cả tràn vào thơ với những cảm xúc trĩu nặng, đau đáu hồn quê.

Đọc các tập thơ "Tiếng trầm", "Làng trong nỗi nhớ", "Chân trời mở", "Những cánh rừng, những bài ca" hay "Thơ viết trong album", ta đều gặp những cung bậc cảm xúc hướng về quê cha, đất tổ. Tập thơ nào chúng ta cũng gặp những bài sâu nặng tình quê như: "Bên mồ mẹ", "Căn nhà để lại", "Thăm chị", "Chợt thức với tiếng gà", "Làng trong nỗi nhớ", "Bạn thơ", "Bình minh con sẽ lên đường". Ngay cả những thi phẩm về tình yêu như: "Mưa xuân", "Đà Lạt có em", "Vầng trăng giao liên"… cũng đều gắn với hình ảnh xóm làng và lòng thương nhớ của một người con xa xứ. Hoài niệm trong thơ Phạm Quốc Ca trước hết là nỗi nhớ làng quê gắn với thuở ấu thơ nghèo khổ, vất vả:

Ôi những ngày xưa

Tuổi thơ con đó.

Cái buốt lạnh theo vào nỗi nhớ

Làng nhỏ nghìn năm rơm rạ, tre pheo

(Nhớ mẹ)

Tập thơ "Cơn mưa mạ vàng" của nhà thơ Phạm Quốc Ca.

Nhớ về làng quê là nhớ về mẹ, hình ảnh người mẹ xuất hiện trong thơ Phạm Quốc Ca với một tần suất dày như choán phần lớn ký ức của nhà thơ, những câu thơ chan chứa yêu thương về mẹ:

“Gối tay nằm thức trắng đêm

Ứa thương tay mẹ ấm mềm ngày xưa”

(Đêm lời mẹ ru)

Với bài thơ “Bình minh con lại lên đường”, chúng ta bắt gặp một người mẹ tảo tần, chịu thương chịu khó:

“Những năm con đánh Mỹ rừng sâu

Mẹ lạnh ướt bao mùa mưa ở đó.

Dõi mắt phương con

Ì ầm tiếng nổ

Lòng mẹ ngày nào cũng bị ném bom.

Những năm con về lại giảng đường

Mẹ thương cháu đêm mòn guốc võng.

Đêm của mẹ đêm nào cũng rộng

Lời ru đầy khuyết vầng trăng…”

Nhà thơ Chung Tử kể lại những kỷ niệm gặp anh Phạm Quốc Ca tại Đà Lạt, anh nghẹn ngào đọc thơ về mẹ, về anh trai. Những câu thơ xúc động tưởng nhớ anh trai, liệt sĩ Phạm Văn Cừ đã hy sinh trên chiến trường Tây Ninh năm 1969:

"Em đã tìm anh suốt những cánh rừng

Chi chít dòng tên khắc vào thớ gỗ

Anh nằm lại nơi đâu?

Bốn phương trời khói lửa

Tiếng bom nào như cũng dội nơi anh".

Hay những câu thơ chan chứa tình thương anh, thương mẹ:

"Giờ có đêm mẹ mơ thấy anh về

Rồi choàng dậy bàng hoàng bật khóc

Em cứ đợi điều không còn có.”

Với những câu thơ gan ruột, day dứt như thể, hẳn nhà thơ Phạm Quốc Ca không thể nguôi quên những tháng ngày tuổi thơ bên mẹ, bên gia đình. Hình ảnh quê nhà luôn là một phần ký ức đau đáu trong anh. Còn nhớ với những tác phẩm ấy, khi nhà thơ Phạm Quốc Ca gửi đến ban biên tập “Tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, lúc bấy giờ là biên tập viên của chương trình đã phải thốt lên: “Đúng là của Ca rồi, đứa em cùng quê đây rồi”. Chương trình “Tiếng thơ” ngay sau đó phát sóng những bài thơ về quê hương, về mẹ của nhà thơ Phạm Quốc Ca và nhận được sự phản hồi yêu mến của thính giả cả nước.

Nói về tình bạn, nhà thơ Phạm Quốc Ca cũng dành nhiều tình cảm trân quý đối với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - người nghệ sĩ tài hoa cùng quê Diễn Châu mà anh đã viết thơ đề tặng:

Nhớ chăng anh ngày mũ rơm đi học

Tuổi thơ ta bom dội sân trường!

Lâu chẳng gặp trên quê mình gió nóng

Mỗi bận về cứ ngóng qua sông”.

Trong niềm hoài niệm đó, nhà thơ Phạm Quốc Ca không khỏi thán phục về người bạn tài hoa của mình:

“Vừa tuổi lính anh thành nghệ sĩ

Tài hoa: Nhạc, họa, văn chương

Trái tim tôi lặng thầm chín muộn

Vần thơ nung bom lửa chiến trường”.

Vần thơ của Phạm Quốc Ca chín muộn, nhưng đã được luyện tôi qua thời gian, qua bom đạn, qua thử thách, để bây giờ bạn đọc cả nước được thưởng thức, cảm thấu một hồn thơ bình dị, tình cảm, thiết tha.

Hôm nay, trái tim nhà thơ Phạm Quốc đã ngừng nhịp đập nhưng những câu thơ về quê mẹ Diễn Châu vẫn âm vang, xúc động đến nao lòng:

"Tôi để lại căn nhà cho vắng lặng

Đêm đêm trăng dãi vườn không

Bao tiết Thanh Minh không về thắp hương mồ mẹ

Thương những chiều vàng vọt hoàng hôn"

(Căn nhà để lại)

Căn nhà ấy nay sẽ đón anh về với quê hương, với con sông Bùng xanh mát, với bãi bờ, đồng ruộng, bờ tre… Đó là nơi anh đã sinh ra, lớn lên và anh lại trở về:

“Chúng con lớn lên trong căn nhà gỗ xoan của mẹ

Chia tấm quà em trước anh sau

Con trai đo cột nhà mà lớn

Manh áo bền chuyền nhau”.

Phạm Quốc Ca đã xuất bản sáu tập thơ và tuyển thơ, giành 12 giải thưởng văn học về thơ và lý luận phê bình. Đó là các tập: “Tiếng trầm” (tập thơ,1987), “Chân trời mở” (tập thơ, 1994), “Làng trong nỗi nhớ” (tập thơ, 1996), “Những cánh rừng, những bài ca” (tập thơ, 2004), “Mấy vấn đề trong thơ Việt Nam 1975-2000” (chuyên luận, 2003),“Thơ viết trong album” (tập thơ, 2010), “Thơ và mấy vấn đề văn học” (chuyên luận, 2017).

Vân Khánh