Nghệ An: Các trường khó khăn trong chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cho học sinh lớp 10

Mỹ Hà 09/02/2023 12:40

(Baonghean.vn) - Dù đã làm khá tốt công tác tư vấn chọn các môn tự chọn nhưng sau một học kỳ, nhiều học sinh lớp 10 vẫn quyết định xin chuyển môn, chuyển cụm chuyên đề học tập. Hiện, quá trình thực hiện ở các trường vẫn còn nhiều lúng túng, khó khăn.

Nhiều học sinh có nguyện vọng chuyển môn tự chọn

Lê Thị Khánh An từng học tại một trường tại huyện Nghi Lộc. Vì hoàn cảnh riêng nên học hết học kỳ I em chuyển về học tại Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh). Thủ tục chuyển trường gặp không quá khó khăn nhưng hiện tại dù đã sang học kỳ II được gần 1 tháng, nữ sinh này vẫn còn lúng túng khi vừa phải học môn mới, vừa phải bổ sung kiến thức để đủ điều kiện xét chính thức kết quả học tập.

Trước đó, khi học ở Nghi Lộc, ngoài các môn học bắt buộc theo Chương trình giáo dục phổ thông mới của lớp 10 là Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, Hướng nghiệp, Giáo dục của địa phương và Lịch sử thì em đăng ký thêm các môn tự chọn là Hóa học, Địa lý, Giáo dục công dân và Công nghệ.

Giờ học trải nghiệm của học sinh lớp 10 Trường THPT Lê Viết Thuật. Ảnh: NTCC

Khi chuyển trường mới, do nhà trường không có tổ hợp trên, Khánh Anh buộc phải chọn sang tổ hợp gồm các môn Địa lý, Giáo dục công dân, Công nghệ và Tin học. Việc chọn khác môn học này buộc Khánh An phải viết đơn và cam kết thực hiện chấp hành theo các quy định và đăng ký học tiếp môn học mới là Tin học để theo kịp với chương trình. Trong thời gian đó, em sẽ tự hoàn thiện các yêu cầu kiến thức các môn để được nhà trường công nhận đạt yêu cầu thì mới chính thức chuyển đổi môn học lựa chọn để tiếp tục theo học lớp 11.

Kết thúc học kì I, Trường THPT Lê Viết Thuật có 4 học sinh từ trường khác xin chuyển về, trong đó có 1 học sinh được chuyển về từ phía Nam. Ngoài ra, có 12 học sinh khác trong trường cũng xin được chuyển lớp, đồng nghĩa với việc chuyển các tổ hợp mà các em theo học, có thể từ tổ hợp Khoa học Tự nhiên sang các môn tổ hợp Khoa học Xã hội, hoặc ngược lại.

Việc thay đổi môn học tự chọn sẽ khiến nhiều học sinh gặp khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà

Theo thầy giáo Hoàng Minh Lương – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật: Trước đây việc chuyển lớp, chuyển trường là điều bình thường và tùy các trường sẽ sắp xếp lớp cho các em phù hợp. Nhưng nay thì khó khăn hơn vì theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh ở các lớp có khác nhau về môn tự chọn. Vì vậy, nếu xin chuyển lớp, học sinh vừa bị hổng kiến thức trong 1 học kỳ, vừa gặp khó khăn khi lấy điểm tổng kết các môn mà các em chưa được học trong học kỳ I.

Không chỉ học sinh mà chính nhà trường cũng đang gặp lúng túng. Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành vào giữa tháng 1/2023, khi chuyển khối, chuyển trường, ngoài bản cam kết tự bổ sung kiến thức của học sinh thì nhà trường phải có giải pháp phù hợp để bổ trợ kiến thức cho học sinh để đạt yêu cầu theo quy định của môn học.

Vấn đề là các trường gặp khó trong việc bố trí giáo viên bổ trợ bởi giáo viên còn liên quan đến việc bố trí tiết dạy, giờ dạy của mình. Ở trường chúng tôi, trước mắt học sinh và phụ huynh đang cam kết sẽ tự bổ sung kiến thức và sau đó sẽ được kiểm tra, cho điểm theo đúng quy định.

Thầy giáo Hoàng Minh Lương – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh)

Tại Trường THPT Diễn Châu 3, kết thúc học kỳ I, qua khảo sát đã có 22 học sinh lớp 10 xin đăng ký được đổi các môn tự chọn và chuyển đổi khối. Tuy nhiên, chưa trường hợp nào được xem xét vì đang vướng các văn bản hướng dẫn. Trong khi đó, nhà trường cũng đã có 5 học sinh từ các trường khác chuyển về và gặp phải những tình huống tương tự như ở Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh).

Chia sẻ về điều này, cô giáo Cao Thị Hải An – Phó Hiệu trưởng trường THPT Diễn Châu 3 cho biết: Xác định được những khó khăn trong việc lựa chọn các môn học tự chọn nên ngay từ đầu năm học, nhà trường đã nghiêm túc việc tư vấn chọn môn học, chọn khối cho học sinh, phụ huynh. Học sinh cũng đã ít nhất có 3 lần được thay đổi khối trong tháng đầu tiên của học kỳ I. Tuy nhiên tại thời điểm này, sau một học kỳ, vẫn có những học sinh chưa tự tin vào lựa chọn của mình và xin đổi tổ hợp.

Một buổi học ngoại khóa của học sinh Trường THPT Diễn Châu 3. Ảnh: NTCC

Khó trong việc tư vấn, định hướng

Xung quanh việc chuyển lớp gắn với việc phải chuyển đổi các môn tự chọn bởi theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, ngoài các môn bắt buộc, học sinh được tự đăng ký các môn còn lại. Trong quá trình thực hiện, do đội ngũ cơ cấu giáo viên của các trường khác nhau nên dù gọi là môn “tự chọn” nhưng học sinh được định hướng để đăng ký các môn phù hợp với việc bố trí giáo viên giảng dạy của các nhà trường.

Thực tế hiện nay, các trường đang bố trí theo thiên hướng tổ hợp các môn Khoa học Tự nhiên, tổ hợp các môn Khoa học Xã hội và một lớp theo hướng khối D. Vì vậy, nếu học sinh chuyển sang khối, chuyển lớp hoặc chuyển trường sẽ phải thay đổi nhiều môn học.

Giờ học của học sinh lớp 10 Trường PT DTNT THPT Số 2. Ảnh: Mỹ Hà

Giải thích lí do nhiều học sinh có nguyện vọng xin chuyển khối, nhiều giáo viên cho rằng, các em đang mơ hồ về việc tổ chức các Kỳ thi tốt nghiệp và các kỳ thi vào đại học trong hơn 2 năm tới.

Chia sẻ về điều này, cô giáo Cao Thị Hải An - Phó Hiệu trưởng trường THPT Diễn Châu 3 nói thêm: Lâu nay chúng ta vẫn thường nói “học gì thi nấy”. Nhưng trên thực chất, học sinh và phụ huynh đang theo hướng “thi gì thì học nấy”. Vậy nhưng với Chương trình Giáo dục phổ thông mới này, Bộ Giáo dục - Đào tạo chưa đưa ra một hình thức thi nào cho các em khi các em hoàn thành chương trình. Vậy nên, các em chưa biết sẽ học gì, học môn nào để thi cho phù hợp. Có thể hiện nay các em đang học khối môn Khoa học xã hội vì trường các em thích hiện tại đang tuyển sinh theo khối này. Nhưng 2 năm tới, việc thay đổi hoàn toàn có thể xảy ra và các em sẽ rơi vào bị động. Theo tôi, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần sớm đưa ra phương án thi để cả học sinh và nhà trường được chủ động trong tổ chức dạy học và tư vấn, định hướng cho học sinh.

Việc học sinh lúng túng là điều dễ hiểu, nhất là khi hiện nay nhiều em đang lựa chọn theo cảm tính. Chính vì thế, để học sinh hạn chế ít nhất việc chuyển khối, nhà trường cần tư vấn kỹ cho học sinh ngay từ đầu năm học căn cứ vào điểm thi lớp 10 và điểm các môn học khác từ THCS. Ngoài ra, việc xếp lớp của các em cũng cần phải cân nhắc “đặt đúng vị trí” để các em có thể lựa chọn được lớp học phù hợp với năng lực của mình và phải bố trí giáo viên giỏi chuyên môn để phụ huynh không còn băn khoăn về chất lượng dạy học.

Thầy giáo Nguyễn Đậu Trương – Hiệu trưởng Trường PT DTNT THPT số 2

Ngày 6/1/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Văn bản số 68/BGD ĐT – GDTrH về việc hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT. Đây được xem là chủ trương phù hợp với nguyện vọng của phụ huynh, học sinh và phù hợp với bối cảnh hiện nay. Vấn đề là văn bản này chưa có hướng dẫn cụ thể, còn chung chung nên các nhà trường đang gặp lúng túng trong quá trình thực hiện.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục Trung học – Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: Hiện Sở đã nắm bắt được thông tin và tổng hợp số học sinh xin được chuyển đổi môn học từ các trường. Ngay trong tuần này, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ họp hội nghị cốt cán, họp chuyên môn bậc phổ thông để tìm giải pháp phù hợp để vừa thuận lợi cho nhà trường trong quá trình thực hiện nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện dễ dàng cho học sinh.

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng. Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường. Học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ) để đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo. Nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Mỹ Hà