Năm 2022, Nghệ An xảy ra 81 vụ cháy
(Baonghean.vn) - Chiều 10/2, tại TP. Vinh, UBND tỉnh tổ chức đánh giá tình hình, kết quả hoạt động Ban chỉ đạo Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) tỉnh năm 2022; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo PCCC và CHCN tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị đánh giá tổng kết công tác PCCC và CNCH tỉnh Nghệ An năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Ảnh: Nguyễn Hải |
Trước tình hình các loại hình sản xuất, kinh doanh dịch vụ phát triển ngày càng đa dạng, phức tạp. Nghệ An là tỉnh có điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên nắng nóng cao độ, hanh khô nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Tuy nhiên, với sự quan tâm và chỉ đạo tập trung của Ban chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh nên đã hạn chế được các vụ việc cháy nổ xảy ra và giảm nhẹ các thiệt hại.
Trong năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 81 vụ cháy làm chết 4 người, thiệt hại về tài sản ước tỉnh 6,2 tỷ đồng, giảm 4 vụ và 2 người chết so với năm 2021. Trong đó có 26 vụ cháy nhà dân, 19 vụ cháy cơ sở sản xuất kinh doanh, 1 vụ cháy cơ sở lưu trú, 1 vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke, 12 vụ cháy phương tiện giao thông… Về tính chất, có 3 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và 51 vụ cháy trung bình, 27 vụ cháy nhỏ.
(Trích báo cáo tổng kết công tác PCCC và CNCH tỉnh năm 2022)
Đại tá Nguyễn Duy Thanh - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh báo cáo đánh giá công tác PCCC và CNCH năm 2022. Ảnh: Nguyễn Hải |
Để triển khai các nhiệm vụ trên, Ban chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 19 văn bản chỉ đạo, tham mưu chỉ đạo tổng kết nhiều chuyên đề lớn về PCCC; kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong công tác đảm bảo an toàn PCCC; trực tiếp ban hành 602 văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện PCCC và CNCH trên địa bàn; rà soát xây dựng 100 đơn vị điển hình tiên tiến của Phong trào toàn dân PCCC; phát động phong trào xây dựng các mô hình đảm bảo an toàn PCCC trên toàn tỉnh, qua đó xây dựng và ra mắt mô hình đảm bảo PCCC với 6 nhóm đối tượng.
Tỉnh cũng nhân rộng 596 mô hình an toàn PCCC; tuyên truyền, vận động 11/11 chung cư lắp hệ thống lồng sắt, lưới sắt; tổ chức một số đợt diễn tập phương án PCCC tại một số cơ quan, loại hình đặc thù.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra PCCC một cơ sở kinh doanh Karaoke tại TP. Vinh trong đợt cao điểm. Ảnh Tư liệu: BNA. |
Đặc biệt, từ ngày 15/10 - 15/12/2022, tỉnh mở đợt ra quân cao điểm kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, qua đó lực lượng chức năng đã kiểm tra 28.625/28.362 lượt cơ sở, xử phạt 287 trường hợp tồn tại, vi phạm.
Năm 2022, toàn tỉnh đã kiểm tra PCCC tại 34.806 lượt cơ sở, lập 547 biên bản vi phạm, xử lý, thu về ngân sách 4,405 tỷ đồng; đình chỉ 5 trường hợp, tạm đình chỉ 206 trường hợp; tiến hành thẩm quyết thiết kế PCCC, cấp giấy chứng nhận đối với 142 công trình, hướng dẫn giải pháp thiết kế PCCC đối với 65 công trình…
Diễn tập chữa cháy và cứu hộ cứu nạn năm 2022 tại Cảng cá Cửa Hội, TX. Cửa Lò. Ảnh: Nguyễn Hải |
Trên cơ sở thảo luận, các thành viên Ban chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh đã nêu kết quả công tác tại đơn vị mình; đồng thời nêu lên những tồn tại hạn chế trong thực tiễn triển khai tại cơ sở đã đề xuất một số kiến nghị và giải pháp thực hiện tốt công tác PCCC thời gian tới.
Đại diện Sở Giáo dục và đào tạo báo cáo kết quả phối hợp tuyên truyền PCCC trong các trường học và đề xuất 1 số giải pháp nâng cao chất lượng trong thời gian tới. Ảnh: Nguyễn Hải |
Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đề xuất hướng xử lý các chủ đầu tư chưa đảm bảo thiết kế PCCC cho dự án và công trình tại các Khu công nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hải |
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận nỗ lực cố gắng của các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực trong năm vừa qua.
Đồng chí cơ bản đồng tình với 8 nhiệm vụ trọng tâm công tác PCCC và CHCN năm 2023 do Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo đề xuất nhưng đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, các sở ngành và địa phương khi quy định, tiêu chuẩn PCCC của Nhà nước bổ sung theo hướng ngày càng chặt chẽ nhưng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị PCCC của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bộc lộ nhiều hạn chế, trang thiết bị chữa cháy và cứu hộ còn nhiều bất cập...
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh kết luận buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Hải |
Trên cơ sở tiếp thu các đề xuất của các sở ngành, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các sở ngành cần tăng cường tuyên truyền, thường xuyên kiểm tra để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.
Về lâu dài, đồng chí Phó Chủ tịch đề nghị các sở ngành cần nghiên cứu, tư duy để tham mưu cho tỉnh giải pháp xử lý, tháo gỡ bất cập giữa quy định và điều kiện thực tế của doanh nghiệp, tham mưu để Bộ Công an ban hành bộ tiêu chuẩn phù hợp với thực tế và đúng quy định./.