'Đã yêu ngành Y thì luôn tận tâm với người bệnh'
(Baonghean.vn) - Luôn cố gắng tận tâm, tận lực vì bệnh nhân – Đó chính là tâm nguyện, “lời thề” của vị bác sĩ trẻ người Mông Lỳ Bá Gì – hiện đang công tác tại Khoa Hồi sức Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Tương Dương.
Con đường đến với nghề y của anh là một “thước phim” đáng chiêm nghiệm. Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng bác sĩ Lỳ Bá Gì về chuyện đời, chuyện nghề cao quý này.
P.V: Là một người sinh ra, lớn lên ở khu vực miền núi cao của Nghệ An, chắc hẳn rằng con đường học hành nói chung và con đường đến với trường Y nói riêng của anh chẳng dễ dàng gì?
Bác sĩ Lỳ Bá Gì thăm khám rất cẩn thận cho người bệnh. Ảnh: Đình Tuyên |
Bác sĩ Lỳ Bá Gì: Quả thật đó là một con đường vô cùng gian nan, vất vả, đầy khó nhọc. Tôi sinh năm 1989, ở bản Noọng Hán, xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn, trong một gia đình làm nông, có 7 người con, gồm 4 trai và 3 gái, trong đó tôi là con thứ 6. Bản tôi ở nằm tách biệt. Từ bản đến trung tâm xã, mọi người đều phải đi bộ trên con đường mòn dài 8 km.
Lên 4 tuổi, bố tôi mất vì dịch bệnh kiết lỵ. Ấn tượng về bố của tôi là hết sức mơ hồ. Trong ký ức, tôi chỉ nhớ duy nhất một kỷ niệm đó là một lần bố bồng lên và bảo: “Con ơi lên bố bế rồi ta đi xem bò chận”... Bố mất được 3 tháng thì mẹ tôi đi thêm bước nữa. Ngày mẹ đi mang theo em trai út vừa vài tháng tuổi. 6 anh em tôi ở cùng với chú ruột.
5 anh, chị em của tôi không được đi học, cuộc sống gắn với nương rẫy. Ý thức rõ những thiệt thòi, hạn chế của bản thân, chú và các anh chị đã động viên, chăm lo cho tôi cố gắng đi học và học tập thật tốt… Đến lớp 5, tôi rời điểm trường ở bản, mang theo gạo, mắm muối, về trung tâm xã học bán trú. Nhà bán trú là nhà tranh tre, do phụ huynh học sinh tự dựng lên để con em ở, sinh hoạt và học tập. Nhà bán trú có 10 học sinh cùng ở, tự nấu ăn và bảo ban nhau.
Để hoàn thiện mình, bác sĩ Lỳ Bá Gì rất ham học hỏi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm từ các đồng nghiệp. Ảnh: Đình Tuyên |
Nhớ lời dặn dò của chú và anh chị, bản thân tôi cũng rất cố gắng để học tập. Ở bậc tiểu học, tôi là 1 trong 2 học sinh có điểm cao nhất của trường. Nhờ đó, tôi đã được vào học cấp 2 nội trú của huyện Kỳ Sơn. Học giỏi ở xã nhưng không có nghĩa là giỏi khi về huyện. Năm lớp 6 tôi “đuối” và phải rất vất vả để theo kịp bạn bè. Đến năm lớp 7, tôi mới biết phương pháp học. Từ đó cho đến năm lớp 12, tôi thường xuyên là học sinh tiên tiến và có năm là học sinh giỏi huyện.
Tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi thi đại học nhưng không đỗ. Trong thời gian đang ở nhà thì tôi may mắn được huyện xem xét và cử đi học theo diện cử tuyển. Tôi rất vui và bày tỏ nguyện vọng được học trường y và trúng tuyển vào học tại Đại học Y Thái Bình. Sở dĩ tôi muốn theo ngành Y vì mong muốn được cứu chữa, điều trị bệnh, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người. Bản thân bố tôi bị mất vì dịch bệnh, tôi cũng từng bị bệnh nặng phải nằm viện 2 tháng trời.
P.V: Vào được trường Y đã khó, nhưng để trở thành bác sĩ có lẽ còn khó hơn. Anh có thể chia sẻ về những tháng ngày đã qua của mình nơi giảng đường đại học?
Bác sĩ Lỳ Bá Gì: Ngày nhận được thông báo đi học, tôi vừa mừng, lại vừa buồn lo. Lo là bản thân không biết lấy tiền đâu ra để ăn học trong 6 năm tiếp theo. Như chúng ta đều biết, lượng kiến thức ở trường y là rất lớn, sinh viên thì không thể làm thêm được. Thế nhưng rồi, chú và các anh lại là người cố gắng lo cho tôi theo học. Từ năm 2009 đến 2015, mỗi tháng tôi được chu cấp từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Thực ra, ở thời điểm đó, số tiền đó chỉ đủ tôi trả tiền trọ và ăn mỗi ngày 2 bữa (trưa, tối). Chi tiêu phải tính toán hết sức chi li và tiết kiệm. Buổi sáng nhịn ăn đã là thói quen.
Bác sĩ Lỳ Bá Gì thăm khám rất cẩn thận cho người bệnh. Ảnh: Đình Tuyên |
Vào học ngành Y là một ngành học rất khó, tôi tự biết lực học của mình nên tự nhủ phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa. 4 năm đầu, tôi ở nội trú tại ký túc xá. Đây chính là điều kiện tốt để thi đua học. Và đặc biệt là có nhiều bạn bè để hỏi, cái gì không hiểu lại hỏi bạn bè, anh chị. Đến khi lâm sàng, tôi xin đi theo các anh, chị ở khóa trên để học. Rồi làm quen, theo các anh chị là bác sĩ trẻ, hôm nào các bác sĩ này trực thì lại xin vào bệnh viện để được đi cùng, được học từ các anh, chị về xử trí bệnh nhân nặng và được làm một số công việc như thăm, khám và đón tiếp bệnh nhân.
Gần ngày tốt nghiệp, Bộ Y tế có đoàn công tác đến khảo sát nguyện vọng công tác của các sinh viên. Các bạn thì có nhiều mong muốn, nguyện vọng. Riêng phần tôi là được đi học theo diện cử tuyển. Trước khi đi tôi có viết cam đoan về phục vụ quê hương. Vậy nên, tôi rất vững tâm, vững chí là mình sẽ về với quê hương Kỳ Sơn, về với tỉnh nhà.
Tháng 5/2015, tôi tốt nghiệp ra trường. Tôi trở về huyện Kỳ Sơn để chờ thi tuyển vào Trung tâm Y tế. Tôi đã chờ hơn 1 năm nhưng thời gian này huyện lại không có chỉ tiêu để tuyển. Trung tâm chỉ tuyển 1 người mà có tới 4 người thi. Chờ mãi mà không được, tôi có lên huyện để hỏi rằng, nếu địa phương không nhận thì có thể đi làm ở ngoài tỉnh không.
Nhận được câu trả lời, tôi đã vào tỉnh Đắc Nông nộp hồ sơ để thi. Trong quá trình đợi kỳ thi thì tôi được tin Trung tâm Y tế huyện Tương Dương có tuyển dụng bác sĩ. Không có gì quý bằng là được công tác gần nhà, ngay trong tỉnh, tôi vội vã chạy về nộp hồ sơ và được nhận vào làm việc.
P.V: Là một bác sĩ trẻ chập chững vào nghề, anh đã gặp phải những khó khăn gì? Và đâu là động lực để anh vượt qua những khó khăn, thử thách?
Bác sĩ Lỳ Bá Gì: Về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Tương Dương vào năm 2016, tôi gặp nhiều khó khăn cả trong cuộc sống và trong hành nghề. Nhà rất nghèo, không có phương tiện đi lại, tôi đã phải mượn xe máy của bố vợ để đi làm. Đến bây giờ, tôi vẫn đang đi chiếc xe đó. Khó nữa là cuộc sống ở trọ, xa nhà (cách nhà gần 90 km), vài ba tuần mới về nhà được một lần, rất nhớ vợ con.
Về chuyên môn cũng rất nhiều khó khăn khi “học” và “hành” nhiều điểm khác nhau. Khi ở trong trường, sinh viên được tiếp xúc, học với nhiều máy móc hiện đại, đầy đủ xét nghiệm. Nhưng khi về trung tâm – đơn vị khám, chữa bệnh hạng 3, máy móc tuy đủ nhưng không được toàn diện như ở trường. Vậy nên, bản thân phải học thêm những kinh nghiệm khám, chữa bệnh để có thể làm được.
Trước những khó khăn, thách thức này, bản thân tôi đã phải rất cố gắng để vượt qua, cộng thêm đó là sự quan tâm hỗ trợ rất nhiều từ ban giám đốc, cũng như các đồng nghiệp ở trung tâm y tế. Ban giám đốc đã quan tâm, tạo điều kiện cử tôi đi học thêm hồi sức cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai, bồi dưỡng thêm kiến thức hành nghề. Các bác sĩ thâm niên, các đồng nghiệp ở khoa, trung tâm rất nhiệt tình chỉ bảo, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm. Mỗi tuần tôi có 3 buổi trực, ngoài 3 buổi trực này thì ngày nào tôi cũng đến trung tâm để theo các bác sĩ có chuyên môn tốt để trực cùng và học hỏi thêm.
Tôi chỉ nghĩ đơn giản: Mình còn kém thì mình phải cố gắng học thêm. Phải học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chăm sóc tốt sức khoẻ cho người dân…Qua chiêm nghiệm, tôi nhận thấy rõ những ưu, nhược bản thân. Cái nhược điểm của người Mông nói chung và cá nhân tôi nói riêng đó là việc tiếp thu cái mới vẫn thường chậm hơn người khác, dân tộc khác. Nhưng bù lại, người Mông rất chăm chỉ, cần cù, chịu khó, kiên trì, có ý chí và quyết tâm cao. Tôi tự nhủ phải phát huy tốt ưu điểm, khắc phục nhược điểm này.
Bác sĩ Lỳ Bá Gì là một tấm gương ở Trung tâm Y tế huyện Tương Dương về tinh thần học tập, tinh thần hết lòng vì người bệnh. Ảnh: Đình Tuyên |
Để giúp đỡ tôi sớm ổn định cuộc sống, an tâm công tác, Ban giám đốc đã tuyển dụng vợ tôi (tốt nghiệp trung cấp y) vào làm việc. Bây giờ thì cả 2 vợ chồng đều làm ở trung tâm. Hai vợ chồng đều có đồng lương ổn định để chăm lo cuộc sống gia đình. Vừa qua, 2 vợ chồng đã vay mượn, mua được 1 mảnh đất và làm nhà ở bản Phòng, thị trấn Thạch Giám. “An cư, lạc nghiệp”, trong thời gian tới, khi cuộc sống đỡ vất vả hơn, tôi sẽ tiếp tục theo học lên chuyên khoa I để có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ công tác, đáp ứng với yêu cầu phát triển của đơn vị, nhu cầu của nhân dân.
P.V: Có thể nói, bây giờ, anh đã là một bác sĩ có chuyên môn “cứng” và phần nào “an cư, lạc nghiệp”, anh có còn những trăn trở nào trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trong cuộc sống riêng tư không?
Bác sĩ Lỳ Bá Gì: Trong quá trình công tác, tôi nhận thấy đơn vị mình vẫn đang còn thiếu những máy móc chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm cận lâm sàng. Nếu như đơn vị có thêm những máy móc hiện đại thì chắc chắn rằng công tác khám, chữa bệnh sẽ được tốt hơn nữa.
Một trăn trở khác, đó là người dân ở khu vực miền núi cao vẫn chưa có nhận thức đầy đủ của việc chăm sóc sức khỏe. Nhiều bệnh nhân khi gặp triệu chứng bệnh nhẹ thì vẫn thường chủ quan, đến khi bệnh diễn tiến nặng mới đưa đến cơ sở y tế thì lúc này đã quá muộn hoặc khiến cho việc cứu chữa, điều trị gặp khó khăn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, vẫn có những người dân khi mắc bệnh không đến cơ sở y tế mà lại nhờ cậy vào những thầy mo, nhất là những bệnh nhân người dân tộc Mông. Bản thân tôi, ngoài việc khám, điều trị thì mình cũng phát huy vai trò “là một bác sĩ người Mông” để tích cực tuyên truyền cho người dân được hiểu rõ về bệnh tật, không mê tín dị đoan mà khi ốm, đau phải đến cơ sở y tế ngay.
Bác sĩ Lỳ Bá Gì thăm khám rất cẩn thận cho người bệnh. Ảnh: Đình Tuyên |
Trăn trở nữa là đời sống kinh tế người dân ở khu vực miền núi hãy còn nhiều vất vả. Nhiều ông bố, bà mẹ đã gửi con ở lại cho ông bà chăm sóc khi còn ít tháng tuổi để rời quê đi mưu sinh. Chính vì vậy, nhiều đứa trẻ không được chăm sóc đầy đủ, nhất là về dinh dưỡng. Cai sữa sớm, thiếu dinh dưỡng khiến kháng thể trẻ kém và trẻ bị suy dinh dưỡng, còi cọc. Nhiều trẻ bị rụng tóc sau gáy, 7-8 tháng rồi nhưng chỉ 5-6 kg. Đây cũng là một vấn đề rất đáng lo, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và chất lượng giống nòi sau này.
Về cá nhân tôi là một cán bộ ngành Y. Tôi nhận thấy người làm việc trong ngành Y rất vất vả, thu nhập chưa phải là cao. Đã có lúc, có bộ phận chưa đánh giá đầy đủ về ngành Y… Nhưng tôi cho rằng, đó không phải là một vấn đề quá lớn. Điều quan trọng ở đây là mình đã yêu ngành Y thì mình cần tận tâm, tận hiến hơn nữa. Mình cần phải làm tốt hơn công việc của mình để mọi người có cách nhìn nhận đúng và sát hơn công việc ngành Y. Về thu nhập thì tôi nghĩ dần dần đời sống sẽ tốt hơn khi chính bản thân mình tốt hơn. Bản thân người bác sĩ tốt ngoài chuyên môn tốt cần có đạo đức tốt; cần coi người bệnh như người thân, người nhà để điều trị. Sự tận tâm, tận lực chính là một thước đo với người công tác ngành Y. Tôi luôn nguyện cố gắng để mình trở thành một bác sĩ tốt .
P.V: Xin cảm ơn bác sĩ!